Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:40, 07/08/2023

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im

(Dân trí) - Công nghệ xử lý rác tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã bộc lộ những yếu điểm. Dự kiến, đến năm 2025, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM mới đi vào vận hành, và một năm sau đó, hàng cây xanh cách ly tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc mới có thể trồng xong.

***

Trong lịch trình của 10.000 tấn rác phát sinh tại TPHCM mỗi ngày, khoảng 3.200 tấn sẽ lên các chuyến xe về Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Tại đây, các loại chất thải được phân loại và xử lý bằng cách chôn lấp, ủ phân, đốt truyền thống.

Theo chính quyền huyện Củ Chi, kể từ khi Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động (năm 2003), những bức xúc về vấn đề môi trường được người dân phản ánh thường xuyên và chưa được giải quyết triệt để. Phía bên trong, những nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới vẫn nằm im dù khởi công từ năm 2019, còn phía ngoài, hàng rào cây xanh cách ly còn chưa định ngày mọc lên.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 1

Bên trong khu xử lý rác, nhà máy theo công nghệ mới vẫn nằm im dù khởi công từ năm 2019, còn phía ngoài, hàng rào cây xanh cách ly còn chưa định ngày mọc lên (Ảnh: hải Long).

Với kịch bản sẽ phát sinh 15.000 tấn rác/ngày vào năm 2030, việc xử lý rác theo những cách truyền thống sẽ mang lại những hệ lụy không nhỏ về môi trường cho đô thị đông dân nhất cả nước. Nhưng đến nay, những nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại vẫn chưa có mặt tại TPHCM.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TPHCM, nhìn nhận, sau quãng thời gian dài vận hành, công nghệ xử lý rác tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã bộc lộ những yếu điểm. Tuy nhiên, đến năm 2025, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM mới đi vào vận hành, và một năm sau đó, hàng cây xanh cách ly tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc mới có thể trồng xong.

Vấn đề nằm ở đâu?

Trong số khoảng 10.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) là một trong hai địa điểm chịu trách nhiệm xử lý lượng chất thải khổng lồ này. Xin bà cho biết rác thải tại đây đang được xử lý với công nghệ thế nào?

- TPHCM mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác sinh hoạt này được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Trong đó, các đơn vị đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là Công ty cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 2

Mỗi ngày, khoảng 3.200 tấn rác sẽ lên các chuyến xe về Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Ảnh: Hải Long).

Về mặt công nghệ xử lý rác, Công ty Vietstar áp dụng phương pháp sàng lọc phân loại, ủ phân compost trong nhà xưởng và tái chế hạt nhựa. Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng áp dụng các công nghệ trên và tích hợp đốt rác, tái chế hạt nhựa. Công ty Môi trường đô thị TPHCM thì áp dụng công nghệ chôn lấp.

Hiện tại, Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã chuyển chức năng bãi chôn lấp thành nơi chôn lấp dự phòng. Khu vực này chỉ tiếp nhận chất thải đã qua xử lý, được thải loại từ nhà máy của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng chia sẻ, vấn đề chung của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc không chỉ dừng lại ở câu chuyện vành đai cây xanh cách ly mà còn ở công nghệ xử lý rác đã cũ. Những công nghệ này có phải đã lạc hậu trong thời điểm hiện tại?

- Như tôi đã nói ở trên, công nghệ chính của các công ty xử lý rác hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là ủ phân compost, đốt rác.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 3

Điểm yếu của các công nghệ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là phát sinh mùi hôi, các vấn đề liên quan lò đốt, khí thải... (Ảnh: Hải Long).

Công nghệ ủ phân compost đang áp dụng tại Công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa phù hợp để xử lý lượng chất thải hữu cơ trong rác. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ này là phát sinh mùi hôi trong quá trình phân hủy sinh học của lượng chất thải.

Công nghệ đốt rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa được phát minh trong nước, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, công nghệ này đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến hiệu suất lò đốt, hiệu suất hệ thống thu gom, xử lý khí thải…

Thời điểm hàng cây xanh cách ly mọc lên

Cứ vào mùa mưa, người dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc lại phản ánh nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nước và họ tiếp tục đặt câu hỏi đối với dự án trồng cây xanh cách ly tại đây. Dự án này có tác động thế nào về mặt môi trường tại khu vực lân cận khu xử lý rác, thưa bà?

- Dự án này có tính cấp bách, hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước do hoạt động xử lý rác, cải thiện môi trường, cân bằng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau khi Dự án trồng cây xanh cách ly được hoàn thành tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, vành đai cây xanh cách ly sẽ góp phần cải thiện vi khí hậu của khu vực. Đồng thời, hàng cây xanh cách ly sẽ giảm bớt tác động của các chất ô nhiễm không khí trong quá trình xử lý của các nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát tán đến các nguồn tiếp nhận xung quanh.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 4

Cây xanh cách ly sẽ giảm bớt tác động của các chất ô nhiễm không khí trong quá trình xử lý của các nhà máy xử lý rác sinh hoạt (Ảnh: Hải Long).

Bà có thể cho biết dự án trồng cây xanh cách ly tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đang dừng lại ở bước nào và thời điểm nào sẽ hoàn thành?

- Hiện nay, UBND TPHCM đã giao sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo tiền khả thi dự án trồng cây xanh cách ly và tạo quỹ đất dự trữ phát triển Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được thành phố phê duyệt, sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đồng tư. Hồ sơ này đang được sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các sở, ngành liên quan.

Sở TN&MT cũng đang phối hợp, giải trình ý kiến của các đơn vị liên quan.

Dự kiến trong tháng 8, hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công sẽ họp bàn về dự án này. Theo kế hoạch, dự án sẽ được trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư thời gian tới.

Nếu đạt được sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án sẽ có mặt bằng khởi công trong năm 2025. Công tác trồng cây xanh cách ly sẽ được hoàn thành vào năm 2026.

Việc giám sát các vấn đề về môi trường xung quanh Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc được thực hiện ra sao trong thời gian qua?

- Từ năm 2019, Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TPHCM (MBS) có quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Các thông tin này được tiếp nhận 24/7 qua tổng đài 1022, UBND các quận, huyện, phường, xã, đường dây nóng và sự phối hợp từ các cơ quan chức năng.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 5

Nước thải đen ngòm chảy tại con kênh gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Ảnh: Hải Long).

Đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, MBS có lực lượng cán bộ được phân công giám sát liên tục hoạt động các cơ sở xử lý chất thải và giải quyết các công việc phát sinh. Ngay khi có phản ánh, MBS sẽ phối hợp chính quyền địa phương để điều tra, xác minh qua số điện thoại về tác động ô nhiễm môi trường như mùi hôi và nước rỉ rác.

Kết quả phản hồi sẽ được gửi lại để trả lời người dân. Mặt khác, MBS cũng rà soát, đánh giá nguyên nhân, mức độ ô nhiễm để giám sát quá trình xử lý chất thải, tăng cường bảo vệ môi trường.

Chi Cục Thủy lợi - đơn vị cấp phép xả thải cho các đơn vị xử lý nước thải - cũng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu định kỳ 3 tháng và lấy mẫu đột xuất các con kênh gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Các cơ sở xử lý chất thải cũng có báo cáo định kỳ về công tác bảo vệ môi trường hàng quỹ gửi về Chi cục Bảo vệ môi trường thẩm định.

Đồng thời, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện chương trình quan trắc môi trường tại các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố theo kế hoạch được Sở TN&MT giao nhiệm vụ.

Thông tin về kết quả xử lý những phản ánh của người dân về vấn đề môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thời gian gần đây ra sao?

- Từ đầu năm 2023 đến nay, MBS chỉ tiếp nhận 1 phản ánh về mùi hôi qua tổng đài 1022 vào hồi tháng 2. Cơ quan này đã khảo sát, đánh giá và lấy ý kiến người dân xung quanh khu vực xã Phước Hiệp thông qua phiếu lấy ý kiến.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 6

Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TPHCM kiểm tra, xác định tại một vài thời điểm trong ngày mùi hôi phát sinh ở mức độ trung bình. Người dân sinh sống gần khu xử lý rác than trời vì bị đảo lộn cuộc sống do mùi hôi thối của rác, ruồi muỗi, nước thải đen (Ảnh: Hải Long).

Vào tháng 5, sau khi nhận phản ánh của người dân về hiện tượng nước đen trên kênh Thầy Cai, đoạn gần kênh 15 (khu vực xả thải của đơn vị xử lý nước rác), MBS đã khảo sát, đánh giá và ghi nhận sự việc và phản hồi lại cho người dân.

Trong công tác giám sát thường xuyên, MBS nhận thấy, tại một vài thời điểm trong ngày, mùi hôi có phát sinh ở mức độ 3 (trung bình) và không kéo dài.

Hướng đi của TPHCM trong việc xử lý rác

Tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, 2 nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ mới đã khởi công từ năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Bà có thể chia sẻ lý do của việc chậm tiến độ này là gì?

- Năm 2019, sau khi tìm kiếm công nghệ phù hợp để chuyển đổi nhà máy hiện hữu, Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã xin phép UBND TPHCM tổ chức lễ khởi công nhà máy đốt rác phát điện.

Tuy nhiên, 2 công ty này gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Hiện tại, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các tỉnh, thành để xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 7

Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM (Ảnh: Vietstar).

Sau khi các thủ tục pháp lý liên quan đến phương án đấu nối điện, Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa mới đủ điều kiện nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện cho Bộ Xây dựng.

Ngoài 2 công ty trên, các đơn vị xử lý rác hiện tại của TPHCM là Công ty VWS, Công ty Tasco, Công ty Môi trường đô thị thành phố cũng đang thực hiện thủ tục đầu tư nhà máy xử lý rác công nghệ mới theo quy định của Luật Đầu tư.

Các dự án xử lý rác theo công nghệ mới khác đang được thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vẫn đang ở bước thẩm định nghiên cứu tiền khả thi.

Với lượng chất thải rắn phát sinh 10.000 tấn mỗi ngày và gia tăng theo từng năm, việc ứng dụng công nghệ xử lý rác cũ chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy tới môi trường. TPHCM đã tính toán hướng đi ra sao trong vấn đề xử lý chất thải thời gian tới?

Tỷ lệ gia tăng chất thải rắn bình quân mỗi năm tại TPHCM là khoảng 5%. Theo dự báo, đến năm 2025, thành phố cần xử lý khoảng 12.000 tấn mỗi ngày và năm 2030 là khoảng 15.000 tấn mỗi ngày.

Trong giai đoạn tiếp theo, Sở TN&MT TPHCM sẽ theo dõi, đôn đốc các đơn vị xử lý chất thải rắn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ. Đồng thời, sở cũng giám sát chặt tiến độ triển khai sau khi hoàn tất hồ sơ pháp lý để đảm bảo năm 2025, thành phố có nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đang triển khai nội dung thí điểm cơ chế đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đối với chủ đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.

Với các giải pháp như trên, TPHCM kỳ vọng sẽ xử lý được toàn bộ khối lượng rác sinh hoạt tại các nhà máy bằng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng.

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im - 8

Theo dự báo, đến năm 2025, TPHCM cần xử lý khoảng 12.000 tấn/ngày và năm 2030 là khoảng 15.000 tấn/ngày (Ảnh: Hải Long).

Nội dung: Q.Huy