Nhà văn Hoài Hương: 'Sự việc Ý Nhi có một phần trách nhiệm từ nền giáo dục'
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:35, 07/08/2023
Những ngày qua, Hoa hậu Ý Nhi liên tục gây tranh cãi trên mạng xã hội vì những phát ngôn sau đăng quang. Thậm chí, người đẹp Bình Định còn bị lập nhóm anti fan lên tới 600.000 người, bị khán giả yêu cầu tước vương miện.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoài Hương - Hội viên Hội nhà văn TPHCM - để có thêm những góc nhìn đa chiều về sự việc.
"Ý Nhi là người Bình Định, không quen ăn nói hoa mỹ"
Gần đây, lùm xùm phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi là chủ đề được khán giả quan tâm. Nhà văn Hoài Hương nhìn nhận ra sao về câu chuyện này?
- Theo cá nhân tôi, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình huống của Ý Nhi.
Thứ nhất, bạn mới 21 tuổi, còn trẻ và trở thành hoa hậu. Nhưng xét cho cùng, bạn cũng chỉ là người chiến thắng một cuộc thi nhan sắc.
Hoa hậu bây giờ không thể đặt tiêu chuẩn hoàn hảo, hoàn mỹ, chỉn chu mọi thứ như ngày xưa. Cuộc thi nhan sắc này cũng không yêu cầu cao về kỹ năng, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn.
Thứ hai, quê bạn ở Bình Định, mà theo hiểu biết của tôi, tính cách người dân Bình Định thường chân phương, thẳng thắn, cách ăn nói ít hoa mỹ, "rào trước đón sau". Đó là điều tốt nhưng đôi khi ở trường hợp như Ý Nhi thì cách bạn nói lại không được khéo, mọi người sẽ cho rằng bạn "nghĩ gì, nói đó".
Thứ ba, ngành bạn học không liên quan đến văn chương, chữ nghĩa nhiều nên không thể yêu cầu bạn có những phát ngôn bay bổng, sâu sắc. Khi cuộc sống bạn thay đổi, có sự choáng ngợp và tham gia tới tấp những cuộc phỏng vấn báo chí, bạn sẽ không đủ sự bình tĩnh để trả lời chỉn chu.
Như vậy theo chị, những phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi không đáng bị dân mạng "ném đá" nặng nề?
- Tôi không bênh vực, nhưng tôi cũng nghĩ bạn ấy không đáng bị mọi người đả kích, chế giễu và nói những lời nặng nề.
Tôi nghĩ Ban Tổ chức cuộc thi cần có một phần trách nhiệm khi Ý Nhi xảy ra nhiều sự cố phát ngôn. Lẽ ra, Ban Tổ chức cần phải kiểm soát những nội dung mà hoa hậu sẽ trả lời phỏng vấn. Họ cũng có quyền từ chối những cuộc phỏng vấn mà hoa hậu, á hậu của họ chưa đủ thời gian để chuẩn bị.
Người ta nói rằng chất lượng hoa hậu ngày càng đi xuống. Top 3 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 cũng bị cho là bước "thụt lùi" so với năm ngoái. Nhà văn Hoài Hương đánh giá ra sao?
- Tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu cũng là một lý do khiến chất lượng những cô gái đăng quang không được như kỳ vọng. Tôi nghĩ những thí sinh "tinh hoa" nhất lại không đủ nhiều để đáp ứng số lượng các cuộc thi nhan sắc hiện nay.
Thực tế, cuộc thi này không đủ thí sinh xuất sắc nên top 3 vừa đăng quang, có thể nhỉnh hơn mặt bằng thí sinh, nhưng vẫn chưa chất lượng bằng nhiều cuộc thi khác.
Chính bởi vậy, trong chuyến giao lưu truyền thông sau đăng quang, các bạn chưa đủ năng lực để ứng xử trước những câu hỏi lắt léo, "cài cắm" hay các trò chơi "thử tài, thử sức" từ báo chí.
Theo chị, một hoa hậu thời hiện đại cần những tiêu chí gì?
- Thời bây giờ chọn hoa hậu tất nhiên không cần phải dựa vào những tiêu chuẩn truyền thống như công dung ngôn hạnh nhưng cũng cần những người có hương, có sắc, có trí tuệ, cách ăn nói đúng mực.
Hoa hậu không cần hoàn mỹ 100%, nhưng cũng cần hoàn hảo ở một mức độ nào đó. Như trường hợp Ý Nhi, nếu bạn đi thi quốc tế thì khán giả cũng cảm thấy không thuyết phục, "không vẻ vang" gì.
Tôi đặt câu hỏi rằng liệu khi Ý Nhi vướng những ồn ào như vậy, thì bạn có thể trở thành thí sinh đại diện đi thi Miss World hay không? Bạn bè quốc tế cũng có thể biết Ý Nhi đã vướng lùm xùm. Đó là bất lợi cho chúng ta và Ban Tổ chức nên cân nhắc.
"Không nên vùi dập cô gái trẻ vì những việc không đáng"
Trên mạng xã hội, nhóm anti của Ý Nhi đã lên tới 600.000 thành viên. Nhiều người yêu cầu tước vương miện hoa hậu. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi có biết về hội nhóm đó. Nhiều người còn nói Ý Nhi nên tự trả lại ngôi vị. Tôi không nghĩ như vậy là đúng. Nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ càng áp lực hơn vì đi đâu cũng mang tiếng "hoa hậu trả vương miện".
Nhưng những người phản đối Ý Nhi cũng có lý lẽ của họ. Họ cho rằng cô ấy chưa xứng đáng ngồi ở vị trí hoa hậu?
- Theo tôi, chuyện tước vương miện chỉ phù hợp khi nhân vật đó vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Với Ý Nhi, đây chỉ là chuyện ăn nói không được khôn khéo, gây mích lòng người khác. Chuyện này có thể sửa đổi được. Chúng ta nên cho bạn một khoảng thời gian tĩnh lặng, cho bạn cơ hội để "học ăn, học nói, học gói, học mở" như ông bà mình vẫn nói.
Khi có thời gian nhìn lại bản thân, Ý Nhi sẽ hiểu được khi bạn ngồi vị trí đó không phải là bình thường, mà trên dưới trong ngoài, 4 phương 8 hướng, người ta sẽ chú ý đến bạn.
Liên quan đến lùm xùm Ý Nhi, vận động viên bơi lội Nguyễn Hữu Kim Sơn cũng trở thành nhân vật gây tranh cãi trên mạng xã hội khi có những phản biện. Chị nghĩ sao?
- Theo tôi, Kim Sơn cũng còn trẻ, cùng trang lứa với Ý Nhi. Người ta nói bạn phản biện, "đá đểu" hoa hậu khi khoe thành tích bơi lội lúc 15 tuổi. Còn tôi nghĩ một cách nhẹ nhàng, vui vẻ rằng đây là chuyện bông đùa của thế hệ gen Z với nhau.
Nhưng tôi cũng không chấp nhận những phát ngôn, cách ứng xử sau đó của Kim Sơn liên quan đến Hoa hậu Phương Lê. Như vậy là thiếu tôn trọng người lớn tuổi. Kể cả khi người lớn ứng xử với mình không tốt, nhưng với người có văn hóa thì mình cũng phải có lời nói nhã nhặn, đàng hoàng.
Tất nhiên, thành tích của mỗi người đều có được từ sự cố gắng của họ. Không thể so sánh chuyện bạn này năm 15 tuổi đạt huy chương vàng quốc tế với bạn kia 21 tuổi trở thành hoa hậu. Mỗi thời điểm, thành quả mà mỗi người đạt được đều có hoàn cảnh riêng, sự tự hào riêng.
Trước Ý Nhi cũng từng có nhiều trường hợp người nổi tiếng bị anti fan tẩy chay, công kích dữ dội. Theo nhà văn, đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng về sự độc hại của văn hóa ứng xử trên mạng?
- Không phải đến bây giờ chúng ta nên nói vấn đề này, mà trước đây đã có rất nhiều trường hợp tương tự. Mỗi khi một bạn trẻ gặp lùm xùm, cộng đồng mạng trở nên thiếu kiềm chế, mang cả gia đình, người thân họ ra để tấn công.
Phản ứng của hội anti đôi khi rất quá đà. Xét một cách công bằng, Ý Nhi không làm hại đến quyền lợi của họ, không liên quan đến cuộc sống họ, nhưng họ quá cay nghiệt, dùng lời lẽ đả kích nặng nề.
Qua trường hợp của Ý Nhi, tôi nghĩ luật an ninh mạng cũng cần phải có những biện pháp mạnh tay để "làm sạch" không gian mạng, hạn chế những người dùng mạng có phát ngôn quá khích, kém văn hóa.
Theo nhà văn, cách hành xử kém văn minh của hội nhóm anti fan liệu sẽ giúp "gió đổi chiều", khiến Ý Nhi được khán giả cảm thông hơn?
- Bản thân tôi rất cảm thông cho Ý Nhi vì tôi cũng có con gái. Khi đặt vị trí con gái tôi vào trường hợp như vậy, tôi nghĩ kể cả em nói năng không khéo léo, không suy nghĩ, thì tôi cũng rất thương. Không thể nào để một cô gái trẻ bị dư luận vùi dập chỉ vì những việc không đáng.
"Lỗi từ hệ thống giáo dục chứ không phải của Ý Nhi"
Làm việc trong ngành văn hóa đã lâu, nhà văn đánh giá nguyên nhân sâu xa của tình huống Ý Nhi gặp phải là gì?
- Lỗi của Ý Nhi nhỏ thôi vì còn là lỗi của nhiều thứ khác. Theo tôi, sự việc của bạn là lỗi của hệ thống giáo dục. Nói xa xôi một chút thì hệ thống giáo dục của chúng ta còn có nhiều khiếm khuyết, khiến một cô hoa hậu 21 tuổi lên truyền thông, có những câu trả lời ngô nghê, thí dụ về "người nổi tiếng ở Bình Định".
Theo tôi, việc bạn ấy không hiểu biết về địa phương mình thì là lỗi từ hệ thống giáo dục chứ không phải lỗi của bạn. Cũng giống như việc bạn có nhiều phát ngôn "vạ miệng", kém về kiến văn, đó là vì bạn chưa được học hành một cách hệ thống, đầy đủ. Khi bị thiếu sót mà còn ngồi vị trí hoa hậu thì sẽ bị lộ khuyết điểm ngay.
Gần đây, Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều có một số quan điểm liên quan đến ồn ào của Ý Nhi. Trong đó, nhà văn cho rằng hoa hậu là người "chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng". Chị nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi không quy trách nhiệm về phía gia đình mà cho rằng lỗi nằm ở việc nhà trường không dạy đầy đủ để bạn có hành trang tốt nhất ở tuổi trưởng thành.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn cho rằng "sự thiếu hụt văn hóa làm cô ấy trở nên kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với bậc tiền nhân". Nhà văn Hoài Hương có cùng quan điểm?
- Tôi nghĩ anh ấy nói hơi nặng lời. Không phải Ý Nhi vô lễ, mà vì ở hoàn cảnh lúng túng đó, bạn nhớ ra được điều gì thì bạn nói, nói một cách vô thức thôi.
Lời khuyên chị dành cho Ý Nhi lúc này là gì?
- Tôi nghĩ bạn nên có thời gian cân bằng lại, chịu khó đọc thêm sách về lịch sử, văn hóa, bồi dưỡng tri thức, tham gia các lớp cải thiện kỹ năng diễn thuyết. Ông bà ta nói "con trai cần uốn lưỡi 7 lần, con gái cần uốn lưỡi 9 lần" là vì vậy.
Việc trau dồi bản thân là để bạn có thể ngồi được vị trí hoa hậu, ít nhất trong nhiệm kỳ của bạn. Còn cuộc thi quốc tế, bạn nên biết cách từ chối. Nếu vẫn phải đi thi, bạn phải cố gắng gấp nhiều lần những cô hoa hậu khác.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Huỳnh Trần Ý Nhi sinh năm 2002, quê ở Bình Định. Cô cao 1,75m, số đo 3 vòng 79-59-89cm, hiện là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM.
Trước khi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Huỳnh Trần Ý Nhi từng đoạt giải Á khôi cuộc thi Duyên dáng Sinh viên Bình Định 2022.
Nhà văn Hoài Hương sinh năm 1964 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn như: Tùy bút xanh, Trò chuyện văn chương, Trong tim tôi có một vị tướng, Hà Nội hoa tình, Sài Gòn 7.000 đêm & thương...