Từ vụ 'ông Tây mang ngựa vàng mã' nghĩ về dịch vụ hàng không
Nhịp sống - Ngày đăng : 00:36, 07/08/2023
Câu chuyện vị du khách quốc tịch Mexico Arnaud Zein El Din không thể mang ngựa vàng mã lên máy bay nhận được sự quan tâm của báo chí và cộng đồng mạng. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao con ngựa giấy qua được kiểm tra an ninh sân bay nhưng khách không thể mang lên máy bay?
Hãng hàng không liên quan chưa lên tiếng gì về sự việc trên nhưng theo ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không), "Con ngựa có thể bị từ chối do kích thước hành lý xách tay to quá, hoặc do tiếp viên hàng không nhận ra nó là vật phẩm tâm linh, có thể khiến các hành khách khác sợ hãi, không thoải mái".
Lý do thứ nhất có thể hợp lý khi hành khách mua vé và làm thủ tục trực tuyến có thể không cần trình diện tại quầy check-in, cũng như việc an ninh sân bay thấy sản phẩm không phải danh mục hàng cấm vẫn sẽ cho qua cửa. Tuy nhiên, nếu kích thước hành lý xách tay to quá thì nhân viên hãng hàng không nên giải thích rõ ràng với hành khách và cùng tìm cách xử lý nhanh nhất nếu có thể để kịp chuyến bay.
Còn với lý do thứ hai, khi tôi kiểm tra danh sách những danh mục hàng hóa không được mang lên máy bay của hãng hàng không liên quan thì không thấy cấm vật phẩm tâm linh.
Nhân sự việc trên, tôi tình cờ đọc được câu chuyện của một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ trên Facebook. Anh kể rằng trong chuyến tham quan Bảo tàng dân tộc học quốc gia của Nhật Bản vào năm 1997, anh chứng kiến sưu tập hiện vật dân tộc học Việt Nam trưng bày tại đây rất nghèo nàn.
Khi hỏi một vị giáo sư người Nhật Bản tại sao các hiện vật văn hóa Việt Nam quá đỗi ít ỏi so với nước khác tại bảo tàng, vị giáo sư kể rằng không thể mang những chiếc áo tơi, đó bắt cá và giỏ đựng… ra khỏi Việt Nam khi đều bị nhân viên sân bay chặn lại mà không giải thích rõ ràng.
Với những sự việc trên, chúng ta sẽ không phân định ai đúng ai sai vì không có đầy đủ thông tin chi tiết và chắc chắn là mỗi bên đều có lý lẽ, quy định riêng cần được tôn trọng. Tuy nhiên, qua đó chúng ta nhận ra đang tồn tại những "khoảng xám" trong việc phân định rạch ròi các loại vật phẩm văn hóa có thể mang lên máy bay, dù đó không phải cổ vật, bảo vật quốc gia hay một vật có giá trị kinh tế lớn.
Đơn cử, trong quan niệm của nhiều quốc gia Á Đông, ngựa vàng mã hay các sản phẩm bằng giấy tương tự thường được sử dụng để đốt cho người đã khuất.
Với văn hóa Mexico, những con vật bằng giấy như vậy là một sản phẩm văn hóa, được gọi chung là Alebrijes, được ví như một linh thú hộ mệnh cho mỗi người dân Mexico và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống thường nhật.
Vậy khi đánh giá yếu tố văn hóa của một vật phẩm mang lên máy bay, hãng hàng không nên dựa trên cơ sở văn hóa của hành khách hay địa phương nơi chuyến bay rời đi? Hay văn hóa của đất nước hãng hàng không trực thuộc?
Theo tôi, dù lựa chọn bất cứ cách diễn giải nào cũng cần có những văn bản hướng dẫn hay khuyến nghị để khách du lịch hiểu, tránh khỏi những hiểu lầm và xung đột không đáng có.
Điều khiến nhiều người thắc mắc trong câu chuyện "ông Tây mang ngựa vàng mã" là việc thiếu lời giải thích thỏa đáng, dù những sản phẩm như vậy không có trong danh mục cấm mang ra khỏi Việt Nam.
Hàng không là một hoạt động thương mại toàn cầu. Các hãng hàng không nói riêng và hệ thống sân bay nói chung không thể yêu cầu khách du lịch tự đánh giá xem sản phẩm này có "tâm linh", "nhạy cảm" hay không khi mỗi quốc gia khác nhau sẽ có cách diễn giải văn hóa khác nhau.
Việc cần có những quy ước chung một cách rõ ràng là điều cần thiết không chỉ với du khách mà là các hoạt động văn hóa xuyên quốc gia như câu chuyện ở Bảo tàng dân tộc học quốc gia của Nhật Bản kể trên.
Trên website của Cục an ninh vận tải Mỹ (Transportation Security Association), tôi tìm thấy những thông tin liên quan đến việc vận chuyển các đồ vật văn hóa hoặc tôn giáo. Theo đó, những vật phẩm tôn giáo, văn hóa "không nên để trong hành lý ký gửi" khi các sản phẩm này có thể cần được kiểm tra kỹ lưỡng. Hành khách được khuyến nghị nên mang theo các vật phẩm văn hóa, tôn giáo trong hành lý xách tay, để riêng ra khỏi đồ vật cá nhân để có thể dễ dàng kiểm tra.
Tương tự như các vật phẩm, với giấy tờ tùy thân khi đi máy bay cũng cần có những hướng dẫn rõ ràng, chi tiết và được hiểu thống nhất không chỉ riêng ở Việt Nam hay riêng một hãng hàng không nào đó.
Mới đây, hành khách đi máy bay của một hãng hàng không trong nước đã gửi kiến nghị đến hãng này sau khi gia đình anh không được lên máy bay vì thiếu "giấy khai sinh" của con. Pháp luật Việt Nam cho phép giấy khai sinh có thể được thay thế bằng các giấy tờ có giá trị tương đương, trong đó có cả "trích lục hộ tịch". Tuy nhiên theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách là trẻ em đi máy bay phải có "giấy khai sinh" mới được lên máy bay.
Điều khiến nhiều người bất bình trong câu chuyện trên nằm ở việc, sau khi không được lên chuyến bay đó, gia đình anh vẫn lên được chuyến bay tiếp theo bình thường và vẫn sử dụng "trích lục hộ tịch" cho con (hành khách này có con sinh ở nước ngoài nên được cấp trích lục hộ tịch thay cho giấy khai sinh).
Cũng như với sự việc "ông Tây mang ngựa vàng mã", tôi không thể kết luận ai đúng ai sai trong vấn đề sử dụng "trích lục hộ tịch", nhưng điều tôi thấy rõ ràng là cách hiểu không nhất quán của nhân viên hàng không đã tác động tiêu cực tới trải nghiệm của hành khách.
Và dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, người bức xúc vẫn là hành khách khi cả chuyến bay bị ảnh hưởng. Không ít người đùa rằng, quy định của hãng hàng không nằm trong cảm xúc của nhân viên.
Thiết nghĩ, các hãng hàng không và cơ quan quản lý sân bay cần có những cách hiểu thống nhất để tránh "đá bóng" trách nhiệm khi phát sinh vấn đề, tránh lãng phí thời gian chờ đợi của hành khách cũng như thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhất quán trong hoạt động của ngành hàng không.
Không như nhiều phương tiện vận tải nội địa khác, hàng không đại diện cho bộ mặt ngành du lịch nói riêng và quốc gia nói chung. Không một vị khách quốc tế nào muốn ngay thời điểm đặt chân tới Việt Nam đã phải nhíu mày vì những vấn đề không đáng có, dù là nhỏ nhất.
Những quy định rõ ràng sẽ giúp khách du lịch tránh khỏi các rắc rối khi đi máy bay cũng như tạo nên hình ảnh tích cực hơn của các hãng hàng không, dịch vụ sân bay trong mắt công chúng.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.