Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM

Nhịp sống - Ngày đăng : 13:59, 06/08/2023

Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, địa phương đã nghiên cứu, khoang vùng và xác định thí điểm hỗ trợ người dân chuyển sang xe máy điện tại huyện Cần Giờ và một số khu vực tại trung tâm.

Vấn đề về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) và việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xe điện là những nội dung chính trong lĩnh vực giao thông được người dân, cử tri TPHCM gửi tới chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" diễn ra sáng 6/8.

Giải đáp các câu hỏi này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT thành phố, khẳng định, từ trước khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, địa phương đã xây dựng các bước đi, tính toán các kịch bản trong cả việc thực thi mô hình TOD và chuyển đổi phương tiện giao thông không phát sinh khí thải.

Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM - 1

TPHCM cần chuyển đổi phương tiện nhanh hơn cả nước

Giám đốc Sở GTVT TPHCM dẫn số liệu, hiện tại, toàn địa bàn có khoảng 9 triệu phương tiện cá nhân. Trong đó, khoảng 900 nghìn phương tiện là ô tô, còn lại là xe 2 bánh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, metan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu của chương trình là hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

TPHCM cũng xác định trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI. Do đó, việc phát triển giao thông xanh, giao thông cơ giới năng lượng sạch là phù hợp với xu thế.

Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM - 2

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

"Sở GTVT TPHCM đã phối hợp sớm với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để xây dựng đề án. Các công việc đã thực hiện gồm đánh giá, khảo sát phát thải xe mô tô, xe máy cũ, phối hợp với các tổ chức nước ngoài để xây dựng chương trình hành động", ông Trần Quang Lâm dẫn chứng.

Để đẩy nhanh tiến độ đề án, thành phố sẽ tập trung vào các nội dung về hỗ trợ sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện; hỗ trợ người tiêu dùng, người sử dụng; hỗ trợ hạ tầng, linh kiện điện, pin, trạm sạc; hỗ trợ trong khâu vận hành, khai thác.

"Các yếu tố này được đưa vào đề án đang xây dựng, có nội dung theo chính sách chung của Chính phủ, có nội dung dựa trên những cơ chế, chính sách đặc thù. Ngoài ra, thành phố cần bố trí kinh phí để đẩy tiến độ chuyển đổi phương tiện nhanh hơn mặt bằng chung cả nước", Giám đốc Sở GTVT TPHCM phân tích.

Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM - 3

Việc chuyển đổi xe buýt điện đã được TPHCM bắt đầu triển khai (Ảnh: Hải Long).

Chia sẻ về từng nội dung hỗ trợ sẽ triển khai, lãnh đạo ngành giao thông của thành phố cho biết, địa phương sẽ tập trung đối với chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi, mua sắm khu vực đầu tư công. Thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc đối với xe buýt, miễn giảm thuế trước bạ, hỗ trợ điều kiện vận hành, khai thác đối với xe taxi.

Đối với các loại mô tô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.

"Chúng tôi tính toán và đưa ra các kịch bản, ví dụ như để hỗ trợ 50% người thu nhập thấp chuyển đổi phương tiện sẽ cần 9 nghìn tỷ trong vòng 5 năm, dự kiến mỗi người cần hỗ trợ khoảng 1 nghìn USD. Dựa trên các phương án này, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến UBND TPHCM, các sở, ngành, người dân, chuyên gia và đưa ra lộ trình dựa trên mức độ khả thi về nguồn lực", lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho hay.

Người dân hưởng lợi gì từ TOD?

Đối với thí điểm phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được quy định trong Nghị quyết 98, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết trên thực tế, mô hình này được các nước áp dụng từ khá lâu. TPHCM cũng đặt vấn đề nhiều năm nhưng hiện tại mới xin được cơ chế đặc thù làm thí điểm.

"TOD sẽ giúp thành phố phát triển tích hợp đô thị gắn với giao thông công cộng sức chở lớn. Mô hình này chỉ hiệu quả khi gắn việc phát triển chức năng đô thị đồng bộ với các hạ tầng như đường sắt, metro, các trục đường kết nối giao thông, các nút giao của tuyến vành đai 3", ông Trần Quang Lâm làm rõ.

Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM - 4

Mô hình TOD chỉ phát huy hiệu quả nếu gắn phát triển đô thị với các phương tiện sức chở lớn (Ảnh: Hải Long).

Hiện tại, Sở GTVT TPHCM đang thực hiện xây dựng đề án, phối hợp với các địa phương rà soát khu đất phụ cận nhà ga, nút giao trong bán kính từ 500m đến 1.000m. Đồng thời, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đánh giá việc điều chỉnh quy hoạch tích hợp chức năng hỗn hợp, xây dựng tiêu chí, xác định khoanh vùng phạm vi dự kiến.

"Qua rà soát sơ bộ, huyện Bình Chánh có nút giao giữa tỉnh lộ 10 và vành đai 3 có diện tích hơn 500ha rất thuận lợi để phát triển TOD. Hay huyện Hóc Môn có 400ha đất phụ cận nút giao vành đai 3 là đất công, đất nông nghiệp cũng phù hợp để điều chỉnh", Giám đốc Sở GTVT TPHCM lấy ví dụ.

Kịch bản hỗ trợ người dân đổi xe máy điện của TPHCM - 5

Mô hình TOD được nghiên cứu áp dụng tại các nút giao vành đai 3 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Sau công tác rà soát, xây dựng danh mục phạm vi, TPHCM sẽ tham vấn, lấy ý kiến đánh giá từ người dân và cộng đồng trong việc điều chỉnh quy hoạch. Tiếp theo, thành phố sẽ báo cáo với HĐND thành phố thông qua và triển khai, bố trí vốn lập dự án bồi thường, thu hồi đất độc lập và song song với đó là kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt đô thị.

Mô hình TOD sẽ giúp TPHCM phát triển đô thị nhanh, bền vững. Người dân chịu ảnh hưởng sẽ được hưởng lợi từ giá trị gia tăng của các khu đất, tiếp cận dịch vụ, giao thông công cộng.

"Người dân trong khu vực thực hiện thí điểm TOD sẽ được thực hiện quy hoạch sớm hơn. Khi thu hồi đất, tái định cư, Nhà nước sẽ có chính sách đảm bảo tốt hơn, nơi ở mới và điều kiện sống tốt hơn cho họ", ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Q.Huy