Nam giám đốc khổ sở "không có tiền, làm sao có được tình yêu"

Gia đình - Ngày đăng : 20:16, 04/08/2023

Từng đi làm ở cơ quan nhà nước rồi ra ngoài mở công ty nhưng chưa đâu đến đâu, nam giám đốc rơi vào nỗi dằn vặt "không tiền, làm sao có được tình yêu".

Phải tiền mới có người yêu

Câu chuyện được người đàn ông ngoài 30 tuổi trải lòng tại một chương trình về chủ đề hạnh phúc trong công việc diễn ra tại TPHCM mới đây.

Anh kể, trước đây ở quê, anh làm việc tại một cơ quan nhà nước. Áp lực công việc, thành tích, thêm mệt mỏi vì đồng lương bèo bọt, anh bỏ việc.

Tận dụng khả năng chuyên môn về công nghệ thông tin, khi đó anh mở một công ty về đào tạo về tin học dành cho học sinh, sinh viên. Trở thành chủ của một doanh nghiệp dù quy mô vô cùng khiêm tốn, vị giám đốc mang kỳ vọng cuộc đời mình sẽ sang trang.

Nhưng rồi mọi thứ không đâu đến đâu khi anh vướng mối quan hệ tình cảm mà anh gọi là "vô cùng khó khăn". Mọi thứ khiến anh nghĩ, phải có tiền thì mới có được hạnh phúc trong tình yêu.

Với suy nghĩ này, anh bỏ lại tất cả quyết định lên Sài Gòn với mục đích kiếm nhiều tiền hơn để vun vén cho mối tình của mình. Dự định này cũng bất thành khi tình yêu tan vỡ, anh dành hết tâm sức lao vào công việc, làm thêm.

Công việc chính lương thấp, anh làm thêm triền miên không có thời gian nghỉ ngơi mới có mức thu nhập tầm 18 triệu đồng/tháng. Ngoài chi phí cho sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, anh còn đầu tư cho học tập, tiết kiệm để tạo cơ sở cho những ấp ủ, ý tưởng của mình.

Rồi một lần, bố anh trách: "Đi làm mà không gửi tiền về cho gia đình". Anh rơi vào câu hỏi, phải chăng không có tiền thì không thể mang đến hạnh phúc cho người thân.

Băn khoăn được thổ lộ của chàng trai gây nhiều tiếng cười trong hội trường, cũng là nỗi lòng của không ít người lao động. Không ít người vì thu nhập có hạn, không dám bước vào mối quan hệ tình cảm, không dám lập gia đình, sinh con.

Nam giám đốc khổ sở không có tiền, làm sao có được tình yêu-1

Hạnh phúc không đến từ đòi hỏi bên ngoài 

Chia sẻ xung quanh câu hỏi trên của nam thanh niên, khi đó chuyên gia nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân, tác giả cuốn sách "Tôi, tương lai và thế giới" cho rằng, mỗi người có một trải nghiệm hạnh phúc rất khác nhau.

Với người cha, hạnh phúc có thể chỉ là một cuộc điện thoại; với người bà, hạnh phúc có thể là Tết con cháu về quê nắm lấy tay mình; với người bạn, hạnh phúc là bạn không nhìn vào điện thoại khi ở cạnh người ta...

Bởi vậy, đừng tự nghĩ cần làm gì để ai đó hạnh phúc mà nếu thật sự quan tâm, cần phải hiểu hạnh phúc của người ta nghĩa là gì.

Đặc biệt, bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh, hạnh phúc phải đến từ chính bên trong mỗi người, bản thân phải hạnh phúc mới có thể mang đến hạnh phúc cho người khác.

Trong công việc, hạnh phúc là việc mang lại giá trị gì, tạo ra được điều gì, mình cần làm gì, phải có tâm thế, sự chủ động như thế nào với hành trình sự nghiệp.

Từ câu chuyện của nam thanh niên, bà Vân bày tỏ, khi một người hạch sách người khác phải làm gì đó cho mình hạnh phúc hoặc khi người khác hạch sách, mong đợi mình phải làm gì đó để họ hạnh phúc thì những người hạch sách đều đã không hạnh phúc.

"Hạnh phúc chỉ đến khi hai con người hạnh phúc đến với nhau. Tôi hạnh phúc với bản thân tôi, tôi có thể làm người kế bên hạnh phúc và ngược lại. Hai niềm hạnh phúc cộng hưởng lại mới tạo thành đơn vị hạnh phúc", bà Vân nói.

Còn khi bạn phải làm cái này cái kia để người ta hạnh phúc là những thứ đến từ bên ngoài, không xuất phát từ bên trong sẽ kéo theo mong đợi ngày càng chênh nhau. Mình chạy theo đến bao giờ khi nay em muốn cái xe, năm sau em muốn cái nhà, rồi em muốn cái biệt thự..., độ vênh sẽ ngày càng lớn.

Đó là "trận đấu" không bao giờ dừng lại, ngày càng khốc liệt cho đến khi một bên thắng, một bên thua.

Theo chuyên gia này, mỗi người phải kiến tạo hành trình của mình, dựa vào bản thân để giải quyết các vấn đề trong công việc, cuộc sống chứ không phải chạy theo nhu cầu từ bên ngoài. Nếu chạy theo nhu cầu, đòi hỏi của phía bên ngoài, của người khác thì sẽ không tìm thấy sự tĩnh tâm, không có hành trình hạnh phúc.

Bên cạnh triết lý về hạnh phúc nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong cuộc sống thông thường không thể tách rời nhu cầu về tiền bạc, vật chất, mỗi người cần có sự tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính trong các mối quan hệ.

Dù là nam hay nữ cũng phải có sự tự chủ, không dựa dẫm vào người khác, tự lo cho các nhu cầu, mong muốn của bản thân, có trách nhiệm phù hợp với người thân.

Theo Dân trí