Bí ẩn sau bức "Đêm đầy sao" của Van Gogh: Siêu phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 19:56, 03/08/2023
Bức Starry Night (Đêm đầy sao) được Van Gogh thực hiện khi ông đang điều trị tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole ở gần xã Saint-Rémy-de-Provence, Pháp. Siêu phẩm hội họa này vừa đứng đầu danh sách bình chọn những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại.
Cuộc khảo sát được tiến hành trong một chiến dịch thiện nguyện tại Anh có tên Feeding Creativity (Nuôi dưỡng sáng tạo). Chiến dịch này nhằm giúp những người đang gặp phải những vấn đề trong cuộc sống có thể vượt qua giai đoạn khó khăn bằng những hoạt động sáng tạo hoặc tương tác với nghệ thuật.
Cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của 2.000 người trưởng thành ở Anh. Số lượng phiếu bầu cho thấy bức Đêm đầy sao do danh họa Vincent Van Gogh thực hiện khiến người Anh cảm thấy ấn tượng hơn cả. Tác phẩm nhận được tới 44% tỷ lệ phiếu bầu.
Bức tranh graffiti Girl with Balloon (Cô bé với trái bóng bay) do họa sĩ graffiti Banksy thực hiện đứng thứ 2 trong danh sách với 42% số phiếu.
Bức tranh graffiti "Girl with Balloon" (Cô bé với trái bóng bay) (Ảnh: Wikipedia).
Bức graffiti Cô bé với trái bóng bay khắc họa một bé gái đưa tay ra với một trái bóng bay hình trái tim. Hình ảnh trái bóng bay ở đây tượng trưng cho tình yêu, hy vọng và sự tự do. Loạt tranh graffiti này đã được Banksy thực hiện tại nhiều địa điểm ở London, Anh, hồi năm 2002. Loạt tranh này đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của nghệ thuật thế kỷ 21.
Đứng thứ 3 trong danh sách là tác phẩm điêu khắc được thực hiện bởi nghệ sĩ điêu khắc Auguste Rodin - bức tượng đồng The Thinker (Người suy tư). Tác phẩm được thực hiện năm 1904, khắc họa một người đàn ông khỏa thân ngồi trên một tảng đá trong dáng điệu suy tư.
Bức tượng đồng "The Thinker" (Người suy tư) (Ảnh: Wikipedia).
Cùng xuất hiện trong top 20 tác phẩm nghệ thuật được những người tham gia khảo sát đánh giá là vĩ đại nhất mọi thời đại còn có bức The Scream (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch và bức The Night Watch (Phiên tuần đêm) của danh họa người Hà Lan Rembrandt.
Lý giải bí ẩn xung quanh hình xoáy ốc trong bức "Đêm đầy sao" của Van Gogh
Trong 3 ngày từ 16 đến 18/6/1889, họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh đã sáng tạo ra một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Bức Đêm đầy sao khắc họa cảnh vật nhìn từ cửa sổ phòng bệnh trong bệnh viện tâm thần mà Van Gogh đang nằm điều trị. Bức tranh đi vào lịch sử như một trong những tác phẩm mỹ thuật khắc họa bầu trời đêm đẹp nhất.
Những bàn luận trong giới nghiên cứu hội họa về những đường xoáy ốc xuất hiện trong siêu phẩm khá đa dạng. Nhiều người cho rằng những vòng xoáy ốc này phản ánh tâm trạng mong manh, thất thường, thậm chí là vật vã của vị danh họa tại thời điểm đó.
Nhưng cũng có những nhà nghiên cứu cho rằng những vòng xoáy ốc này thực tế khắc họa một dải thiên hà trong vũ trụ và có thể đã được truyền cảm hứng từ những bức tranh xoay quanh chủ đề vũ trụ tại thời điểm đó.
Bức vẽ Thiên hà Xoáy ốc của bá tước Parsons (ảnh trái) có thể đã truyền cảm hứng cho Van Gogh. Thiên hà Xoáy ốc (ảnh phải) ở cách chúng ta khoảng 23 triệu năm ánh sáng (Ảnh: Daily Mail).
Theo một số nhà nghiên cứu, những đường xoáy ốc trong bức Đêm đầy sao được thực hiện dựa theo hình ảnh Thiên hà Xoáy ốc (Whirlpool Galaxy) do nhà vũ trụ học người Anh - bá tước William Parsons - ghi lại từ hồi giữa thế kỷ 19.
Để quan sát bầu trời đêm, nhà quý tộc đã cho thực hiện một chiếc kính viễn vọng lớn nhất thời bấy giờ với đường kính thấu kính lên tới 1,8m. Bằng chiếc kính viễn vọng này, bá tước Parsons đã có thể quan sát Thiên hà Xoáy ốc và vẽ lại những quan sát của mình.
Có thể chính bức vẽ của nhà vũ trụ học Parsons đã đưa tới những nét vẽ xoáy ốc rất đặc biệt trong bức Đêm đầy sao của Van Gogh. Kỹ thuật vẽ xoáy ốc còn tiếp tục xuất hiện trong những bức tranh khác của Van Gogh.
Van Gogh vẽ bức "Đêm đầy sao" trong những ngày tháng tột cùng đau khổ
Giai đoạn buồn bã nhất, nhưng cũng thăng hoa nhất trong cuộc đời danh họa Vincent Van Gogh từng được tiết lộ trong cuốn sách Starry Night: Van Gogh at the Asylum (Đêm đầy sao: Van Gogh trong bệnh viện tâm thần). Cuốn sách được thực hiện bởi nhà nghiên cứu người Anh Martin Bailey. Sách đã ra mắt hồi năm 2018.
Những ngày tháng sống trong bệnh viện tâm thần cũng chính là giai đoạn cuối đời của Van Gogh. Lúc này, ông rất bất ổn, liên tục trải qua những đợt suy sụp tâm lý, nhưng cũng chính lúc này, Van Gogh lại bùng nổ những ý tưởng sáng tạo. Một số tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp hội họa của ông được thực hiện chính trong thời kỳ này.
Van Gogh trong bức chân dung tự họa thực hiện hồi tháng 9/1889 (Ảnh: Wikipedia).
Những bức họa được vẽ ra dựa trên quan sát và trí nhớ của Van Gogh trong những buổi đi dạo ngắn ngủi hay qua góc nhìn từ ô cửa sổ có chấn song của phòng bệnh.
Tác giả của cuốn Starry Night - Martin Bailey - là một chuyên gia nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Vincent Van Gogh. Ông đã đến bệnh viện Saint-Paul-de-Mausole, một bệnh viện tâm thần quy mô nhỏ nằm ở vùng ngoại ô xã Saint-Rémy-de-Provence (Pháp), để được trực tiếp xem lại những giấy tờ ghi chép về "bệnh nhân đặc biệt" Vincent Van Gogh.
Tại bệnh viện, Van Gogh từng được hưởng sự chăm sóc đặc biệt, mọi chi phí được chi trả bởi người em trai của ông - nhà buôn tranh Theo Van Gogh.
Những giấy tờ lưu lại tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân Vincent Van Gogh (36 tuổi) người Hà Lan, nhập viện ngày 8/5/1889. Cùng thời điểm ấy, trong bệnh viện còn có 18 nam bệnh nhân khác. Trong những bức thư viết từ bệnh viện tâm thần, Van Gogh đã gọi những người bệnh này là "những người bạn đồng hành của tôi trong khốn khó".
Thói quen viết thư của Van Gogh không thay đổi ngay cả trong những ngày tháng ông điều trị trong bệnh viện tâm thần. Lúc này, nội dung thư của Van Gogh thường xoay quanh tình trạng bệnh tật của những người bệnh đang cùng điều trị với ông, về cuộc sống buồn tẻ trong bệnh viện, về những bữa ăn chỉ được phép dùng thìa vì dao và dĩa là các món đồ "dễ gây nguy hiểm".
Bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole (ảnh trái) và phòng bệnh nơi Van Gogh từng nằm điều trị (ảnh phải) (Ảnh: Wikipedia).
Trong một lá thư, Van Gogh miêu tả lại những đêm dài ông không ngủ được vì một số bệnh nhân trở nên quá khích: "Tôi liên tục phải nghe những tiếng la hét, tiếng hú kinh dị như thể của một bầy thú".
Trong thời kỳ Van Gogh ở bệnh viện tâm thần, không có ai tới thăm ông. Tất cả mọi liên hệ với thế giới bên ngoài được Van Gogh duy trì thông qua những lá thư. Giám đốc bệnh viện tâm thần cũng từng viết thư thông báo cho người nhà Van Gogh về những đợt suy sụp tâm lý nặng của ông trong vòng một năm lưu lại bệnh viện.
Khi ấy, Van Gogh đã nuốt màu vẽ để tự đầu độc chính mình, khiến người ta phải đem cất tất cả màu vẽ đi trong một thời gian. Trong một lá thư thông báo, giám đốc bệnh viện khi đó - ông Théophile Peyron - đã viết: "Có vài lần, ông ấy đã tự đầu độc mình bằng cách nuốt màu vẽ hoặc uống dầu hỏa vốn dùng để rót vào các cây đèn dầu".
Thời điểm này, người em trai của Van Gogh - người bảo trợ tài chính cho ông - vừa mới cưới vợ và đang chuẩn bị có con đầu lòng, Theo Van Gogh sống ở Paris (Pháp) và không đến thăm anh lần nào tại bệnh viện tâm thần.
Vincent Van Gogh được xuất viện vào ngày 16/5/1890 sau những lá thư khẩn thiết yêu cầu em trai đồng ý cho mình ra viện. Van Gogh thèm khát được vẽ những bức tranh phong cảnh mới, ông than thở rất nhiều trong những lá thư và tâm sự rằng "nơi này đang nghiền nát anh".
Cận cảnh nét cọ của Van Gogh trong bức "Starry Night" (Đêm đầy sao). Tác phẩm thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại nằm ở thành phố New York, Mỹ (Ảnh: Wikipedia).
Sau khi ra viện, Van Gogh tới miền bắc nước Pháp và tiếp tục miệt mài vẽ tranh. Nhưng chỉ sau hai tháng ra viện, ông qua đời ở thời điểm 36 tiếng sau khi hứng chịu một phát đạn bắn vào vùng bụng. Sự việc bi kịch xảy ra khi ông đang ngồi vẽ ở giữa một cánh đồng trong một ngày hè.
Trong giới hội họa, trước nay vẫn luôn có những ý kiến tranh cãi xoay quanh nguyên nhân cái chết của Van Gogh. Có người cho rằng cái chết của ông là do một sơ suất với súng, không phải do ý muốn tự sát, cũng có người cho rằng Van Gogh bị sát hại vì lý do nào đó. Nhưng nhà nghiên cứu Martin Bailey - tác giả của cuốn Starry Night - không đồng tình với những giả thuyết này.
Ông Martin Bailey nhận định: "Chính tình trạng sức khỏe tinh thần đã là bằng chứng khó có thể chối cãi trong kết thúc bi kịch của Van Gogh, tôi tin rằng Van Gogh đã tự sát. Chính thời gian lưu lại trong bệnh viện đã cứu giúp cho Van Gogh, để ông sống thêm một quãng thời gian nữa và sáng tạo nên những tuyệt phẩm hội họa cho hậu thế, trong đó có bức Đêm đầy sao".