Gần 800 thủ tục hành chính, giấy tờ chưa được cắt giảm
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:30, 03/08/2023
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tại phiên họp thứ 5.
Ban Chỉ đạo ghi nhận công tác cải cách thủ tục hành chính có cải thiện. Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định kinh doanh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc trước hạn của bộ, ngành tăng 10% và của địa phương tăng 8% so với 2022.
Bên cạnh đó, cải cách tài chính công được thực hiện tích cực, tập trung vào vấn đề tăng thu, giảm chi, tăng cường thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, giảm, miễn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ...
Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Ban Chỉ đạo cho biết có 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện với gần 69% thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 21 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 5,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến...
Với việc triển khai Đề án 06 đã có 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc này giúp tiết kiệm cho ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cho biết vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đòi hỏi của tình hình thực tế hiện nay.
Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, còn 676 quy định kinh doanh, gần 800 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; hơn 600 thủ tục hành chính chưa được phân cấp.
Ngoài ra, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản (xuất nhập khẩu, các loại giấy phép trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...), quy định chồng chéo.
Ban Chỉ đạo đánh giá kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; một bộ phận công chức, viên chức thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục những bất cập này, Ban Chỉ đạo đề nghị bộ, ngành, địa phương rà soát thủ tục hành chính ở các cấp, tập trung những lĩnh vực như: nhà ở, tiếp cận tín dụng, điện năng, thuế, đất đai, hải quan, giao thông vận tải... để cải cách có trọng tâm, trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý nghiêm những trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai.
"Trong thực thi công vụ phải triệt để tuân thủ nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà luật không cấm; cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền không được tự ý đặt thêm các quy định làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân", Ban Chỉ đạo quán triệt.