Cây xanh ở TPHCM bị bóp nghẹt bởi những tấm đan bất động
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:46, 03/08/2023
Việc xây dựng, thi công các tấm đan bê tông che gốc cây xanh thay tấm đan bằng gang ở một số tuyến đường ở TPHCM góp phần hạn chế tình trạng sét đánh, mất trộm, tiết kiệm chi phí. Song, theo thời gian, nhiều tấm đan đã bị rễ cây đẩy kênh lên mặt đường.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, hàng cây trên vỉa hè trước sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường Trường Sơn nối với đường Trần Quốc Hoàn bị các tấm đan bê tông hình vuông khoảng 1m bịt kín gốc.
Vòng tròn, lỗ hút nước tại những tấm đan quá nhỏ, một số cây xanh phát triển đã bốc những tấm đan kênh lên so với mặt đường, một số tấm đan có hiện tượng nứt vỡ. Anh Ngô Văn Long (43 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, việc đặt các tấm đan bê tông bảo vệ gốc cây xanh, tạo mỹ quan đô thị là đúng.
Tuy nhiên, thiết kế tấm đan sao cho phù hợp, đơn vị quản lý cần xem xét, tính toán đường dài. Bởi chỉ một vài năm, cây xanh phát triển, tấm đan sẽ bị cây bốc lên hoặc cây sẽ bị tấm đan bóp nghẹt ở phần gốc, điều này khiến cây dễ bị ngã đổ khi mưa dông.
Không chỉ tuyến đường Trường Sơn, nhiều tuyến đường khác tại TPHCM cũng đang sử dụng kiểu tấm đan này. Một số khu vực, những tấm đan bị người dân tự ý thay thế, lát gạch men che kín gốc cây khiến cây xanh "nghẹt thở".
Trao đổi với phóng viên, KTS Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM, cho biết, những tấm đan trên hầu như vây kín gốc cây, đơn vị thi công có chừa một số lỗ nhỏ trên các tấm đan tuy nhiên giải pháp này chưa thực sự hiệu quả.
Lượng nước cây hấp thu được qua các lỗ này rất ít, thậm chí các lỗ trên dễ bị rác bụi che kín gây ách tắc dòng chảy. Ngoài ra, những tấm đan này dường như cố định, việc duy tu bảo dưỡng cũng khó khăn hơn.
Mục tiêu của trồng cây xanh đô thị bên cạnh tạo bóng mát, giảm khí thải độc hại còn có nhiệm vụ giữ ẩm cho không gian đô thị. Do đó, lắp đặt những tấm đan cần chú ý khoảng trống phù hợp để cây xanh có không gian phát triển, đồng thời cần điều chỉnh phù hợp để nước có thể ngấm xuống lòng đất dễ dàng.
"Cơ quan chức năng cần suy nghĩ đến việc thay đổi các tấm đan này, chừa khoảng trống đủ lớn để nước mưa có thể thấm xuống nuôi rễ cây. Có thể thay thế những tấm đan bê tông thành đặt gạch lỗ, vừa dễ dàng trong việc thi công, chi phí vừa phải, không gian của cây xanh cũng được thông thoáng hơn, nước cũng dễ dàng ngấm xuống lòng đất", ông Hòa nói.
Ngoài việc thiếu không gian sống, nhiều cây xanh trên các tuyến đường, công viên ở TPHCM, bị cắt trụi lá, trơ cành khiến người dân phản ánh. Việc cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa là điều cần thiết, phòng tránh tình trạng cây bật gốc, gãy đổ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa giông.
Tuy nhiên, việc cắt trụi lá, trơ cành làm ảnh hưởng đến bóng mát và mỹ quan đô thị. Tại công viên Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nhiều cây me tây, cây bàng bị cắt trụi, chỉ còn lại chút lá, đứng trơ trọi như những cột trụ giữa công viên. Chị Nguyễn Thị Lan (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ bức xúc khi chứng kiến những tán cây xanh rợp bóng mát nay trơ trụi.
"Cây xanh quanh công viên giúp điều hòa không khí, tạo bóng mát cho người dân đi bộ, tập thể dục không hiểu sao đơn vị quản lý lại có thể cắt trụi. Không biết mất bao nhiêu năm cây xanh mới lớn và tỏa bóng mát được như vậy", chị Lan thở dài.
Không chỉ có công viên Thanh Đa, nhiều hàng cây ở các tuyến đường như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, quận Bình Tân cũng trong tình cảnh tương tự.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân khi TPHCM vào mùa mưa, Sở Xây dựng thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn, sau đó xảy ra vụ việc trên.