Những nút giao thông cửa ngõ hiện đại nhất Hà Nội
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:32, 02/08/2023
1. Nút giao Cổ Linh và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Nút giao Cổ Linh (Long Biên và Gia Lâm) là nút giao thông hiện đại nhất thành phố với 6 đường dẫn, giúp kết nối một loạt các tuyến lưu thông huyết mạch như Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (QL5B; CT.04) kết nối Gia Lâm với các khu vực lân cận.
Ở phía đông, nút giao Cổ Linh liên kết với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (QL5B; CT.04) hướng đi các tỉnh thành phía đông như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (CT.04) dài 105km, điểm đầu nằm ở vành đai 3 của thủ đô Hà Nội. Điểm cuối tại đập Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
CT.04 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m. Dự án còn có hơn 164km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.
2. Nút giao Trung Hòa và Đại lộ Thăng Long
Nút giao Trung Hòa thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, có 3 tầng xe chạy, có thể nâng lên 4 tầng trong tương lai. Nút giao gồm hầm đường bộ theo hướng Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long, tuyến đường vành đai 3 trên cao cùng tuyến đường bộ với 4 làn xe chạy.
Ở phía tây, nút giao với Đại lộ Thăng Long, là sự kết hợp hài hòa kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía tây.
Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất Việt Nam, tổng chiều dài hơn 29km. Chiều rộng trung bình 140m, điểm đầu tại nút giao Trung Hòa và điểm cuối tại nút giao Hòa Lạc.
Suốt chiều dài đường trồng rất nhiều cây xanh, và song hành cùng đại lộ còn có đường ống nước sông Đà. Đại lộ Thăng Long thông xe vào tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
3. Cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp
Cầu Nhật Tân là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại, là một trong 7 cầu qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội.
Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô. Cầu Nhật Tân tạo thành điểm liên kết giữa đường Võ Chí Công (hữu ngạn sông Hồng) và đường Võ Nguyên Giáp (tả ngạn sông Hồng).
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô dài 12km, đi qua 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Đường được khánh thành vào đầu năm 2015 cùng thời điểm với Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng.
Đường Võ Nguyên Giáp đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian đi từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút, tuyến đường còn được kết nối với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến đường này.