Hoa hậu có thực sự cần cho xã hội không mà tổ chức thi nhiều đến thế?

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 00:20, 02/08/2023

Lợi ích mà vương miện đem lại cho cá nhân hoa hậu quá rõ ràng, còn lợi ích cho xã hội gần như chỉ là lý thuyết; vậy mà các cuộc thi ngày càng nhiều như nấm sau mưa.

Xem thêm: Từ BLACKPINK đến Hoa hậu Ý Nhi bị anti: Việt Nam nên chăng cần đào tạo trước khi debut?

Những tin tức liên quan đến vài hoa hậu, á hậu Việt mấy ngày gần đây “hot” ngang ngửa sự kiện nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc BLACKPINK biểu diễn ở Hà Nội, không phải vì tài sắc của các cô mà vì những phát ngôn, những hành xử khiến công chúng bất bình.

Hôm trước vừa thất vọng về việc Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 – Lê Thảo Nhi kêu buồn vì bộ phim Barbie cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" không được chiếu ở Việt Nam, ngay hôm sau, cộng đồng mạng Việt đã “tăng huyết áp” khi Huỳnh Trần Ý Nhi vừa đăng quang Miss World Vietnam 2023 đã tuyên bố bạn trai phải thay đổi mới theo kịp cô, vì cô khi ở cương vị hoa hậu đã không còn là cô của vài tháng trước.

Vài ngày sau, Ý Nhi lại khiến dân mạng “giật đùng đùng” thêm lần nữa khi tự đề cao mình và “dìm hàng” những người trẻ khác: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu”.

Nếu như Thảo Nhi bị chê trách vì vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng chủ quyền đất nước, phát ngôn thiếu suy nghĩ thì Ý Nhi bị cho là quá ngạo mạn, vừa có danh hiệu đã lập tức coi thường người khác. Liên tục mấy ngày liền, khán giả hết đọc lời xin lỗi của á hậu lại đến xem clip khóc lóc mong được tha lỗi của hoa hậu.

Nhiều người rộng lượng cho rằng hai cô không có ý xấu mà chỉ gặp vạ miệng, nhưng vạ miệng cũng là do họ suy nghĩ còn nông cạn cũng như sự hiểu biết, văn hóa ứng xử chưa xứng tầm.

Trong một cuộc livestream, Hoa hậu Ý Nhi khóc và xin lỗi về những phát ngôn thiếu suy nghĩ sau đăng quang.

Trong một cuộc livestream, Hoa hậu Ý Nhi khóc và xin lỗi về những phát ngôn thiếu suy nghĩ sau đăng quang.

Những người đẹp giành vương miện trong cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia uy tín hàng đầu còn như vậy, chả trách các hoa hậu “ao làng” cứ lên báo với những lùm xùm tình, tiền, hay với các cuộc “đấu tố”, đôi co với đồng nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè, người yêu cũ…

Ngoài ra, khán giả chủ yếu thấy họ mặc váy áo đẹp đi sự kiện, khoe nhà đẹp xe sang, túi hàng hiệu, khoe bạn trai hay chồng đại gia và cuộc sống sang chảnh….

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi, hoa hậu thực sự có ích lợi gì cho xã hội không mà người ta tổ chức quá nhiều cuộc thi để trao vương miện đến thế?

Lợi ích của danh hiệu và vương miện dành cho cô gái được đội nó thì quá rõ: Nổi tiếng sau một đêm, kéo theo cơ hội kiếm được rất nhiều tiền với các hợp đồng lớn, cơ hội làm quen, yêu và cưới những người đàn ông giàu có.

Chứng kiến màn ứng xử trong một cuộc thi hoa hậu, khán giả tuy buồn cười nhưng không ngạc nhiên khi một thí sinh trả lời rằng, em đi thi với mục đích kiếm được nhiều tiền, thi để đổi đời. Đương nhiên, hướng đến cuộc sống giàu sang không có gì sai. Cuộc sống luôn cần cái đẹp và sẽ trả lại xứng đáng cho những cô gái mang điều tốt lành đến cho xã hội từ vẻ đẹp của chính mình.

Nhưng các hoa hậu đem lại lợi ích gì cho xã hội? Dù mỗi cuộc thi đều có sứ mệnh riêng nhưng khi nghĩ về hoạt động của các người đẹp sau đăng quang, khán giả chỉ nhớ được chuyện đi từ thiện – đến thăm và tặng quà, tặng tiền cho các gia đình khó khăn, các cơ sở chăm sóc người cơ nhỡ, những địa phương bị thiên tai…

Ngoài hình ảnh đẹp đăng tải trên truyền thông, khán giả không rõ lắm về hiệu quả thực sự của các hoạt động này.  Về vĩ mô, cuộc thi hoa hậu được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương, nhưng liệu đã có cơ quan nào “đo đếm” được ngành Du lịch từng thu lợi bao nhiêu từ “mảng” hoa hậu?

Không thể phủ nhận vai trò của cái đẹp trong cuộc sống, vai trò của các sự kiện văn hóa liên quan đến cái đẹp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đến khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng khi người nổi tiếng – trong đó có các hoa hậu – thực hiện các hoạt động cộng đồng.

Thế nhưng chiếc vương miện phải thật cao quý, thật giá trị mới có thể đạt đến điều đó. Mà tiếc thay, những năm qua, vương miện hoa hậu ngày càng mất giá vì tình trạng “bội thực” các cuộc thi và đi cùng với nó là sự xuống dốc của chất lượng thí sinh. Riêng trong năm 2022 đã có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu quy mô quốc gia được tổ chức tại Việt Nam.

Cuộc nào cũng hướng đến sứ mệnh cao cả, nhưng thí sinh cũng chỉ có chừng ấy người chạy sô qua hết sân khấu này đến sân khấu khác, việc tìm ra đủ người đội hết mấy chục cái vương miện quả thật không dễ. Một khi giữa bó đũa không thể chọn ra được cột cờ, có gì đáng ngạc nhiên đâu khi các hoa hậu phát ngôn, hành xử kém cỏi!

Bản thân người viết không phản đối thi hoa hậu và cũng luôn ngưỡng mộ những cô gái vừa kiều diễm vừa thông minh, có tâm hồn đẹp. Nhưng để tôn vinh cái đẹp, để hương sắc các hoa hậu giúp đời đẹp lên thì phải giữ được sự trân quý của vương miện, đừng để “lạm phát” các cuộc thi khiến công chúng phát ngán như thời gian qua.

Mai Hoa