Lâm Đồng kiểm tra vườn sầu riêng ở đèo Bảo Lộc
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:00, 01/08/2023
Ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý của vườn sầu riêng nằm ngay trên sườn đồi phía sau chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc bị đất đá sạt lở vùi lấp hôm 30/7.
Bên cạnh việc kiểm tra vườn sầu riêng, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 30/7, một phần vườn sầu riêng này bị sạt lở, khiến lượng lớn đất đá đổ xuống chốt CSGT (thuộc Trạm CSGT Madaguoi) làm 3 cán bộ CSGT hy sinh, 1 người dân tử vong.
Hình ảnh chụp bằng flycam cho thấy, đất đá sạt lở đều thuộc khoảnh đất trồng sầu riêng. Khối đất đá đổ xuống chôn vùi chốt CSGT và làm quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc bị tê liệt hoàn toàn.
Khi nhìn những hình ảnh này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao phá rừng để trồng sầu riêng? Vườn sầu riêng của ai và trồng từ bao giờ? Đây có phải là đất rừng phòng hộ?
Tìm hiểu nguồn gốc vườn sầu riêng, phóng viên Dân trí trao đổi với ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Ông Chinh cho biết vườn sầu riêng nói trên thuộc sở hữu của bà Đặng Thị L. (trú thị trấn Đạ M'ri).
Theo ông Chinh, bà L. đã sinh sống tại khu vực này từ khá lâu và bắt đầu canh tác trên ngọn đồi nói trên từ năm 1985 đến nay.
Toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương).
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất trồng sầu riêng có diện tích khoảng 1ha, tuổi đời cây khoảng 3-4 năm tuổi, xung quanh là rừng tự nhiên bao bọc.