Tranh luận việc chuyển các bệnh viện Trung ương cho Hà Nội quản lý
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:00, 01/08/2023
Sáng 1/8, Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại đây, một số chuyên gia, nhà quản lý nêu quan điểm về quy định "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học".
Dự thảo Luật cũng quy định việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.
Đề nghị bỏ quy định đưa bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý
Cho ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị đưa ra khỏi dự thảo Luật quy định trên. Theo ông, việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Thuấn dẫn Nghị quyết 19 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017, cho biết quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành cơ quan nhà nước Trung ương về địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.
"Như vậy, các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo Nghị quyết 19", ông Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn quốc, các bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội cũng phục vụ nhiều hơn cho người dân Thủ đô, song song với công tác chăm sóc sức khỏe Trung ương.
Theo ông Thuấn, các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyên giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện Trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.
Dẫn Nghị quyết 30 năm 2022 của Bộ Chính trị nêu rõ giải pháp đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội ngang tầm các trung tâm chuyên sâu, kỹ thuật cao của khu vực và thế giới, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng cần các bệnh viện Trung ương thực hiện.
"Còn với bệnh viện của Hà Nội, Bộ Y tế cho rằng việc đáp ứng rất khó khăn và phải nói rõ là không thể", ông Thuấn nói và đề nghị chính sách cần thực tiễn và phù hợp tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở y tế.
Ông Thuấn cũng cho biết trước đó vào chiều 31/7, trong hội nghị có sự tham gia của 17 bệnh viện Trung ương trên địa bàn, Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội chia sẻ câu chuyện 100% cán bộ y bác sĩ của bệnh viện này đã bỏ phiếu đồng ý bệnh viện tiếp tục trực thuộc Bộ Y tế quản lý.
Cơ sở y tế của Hà Nội khó cạnh tranh với Trung ương
Cùng đề cập vấn đề trên, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, lại cho rằng việc chuyển giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về Hà Nội hoặc các trường đại học y quản lý là phù hợp với thế giới.
Dù vậy, ông Văn cho rằng cần phải đặt các trường đại học y trên địa bàn là ưu tiên số một vì đây là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Đại diện Đại học Y Hà Nội cũng lưu ý một thực tế là dù thành phố có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc, những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.
Do vậy, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, ông Văn đề xuất Hà Nội ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: cơ sở y tế trực thuộc trung ương hoặc trường đại học y - dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn Thủ đô.