Chàng shipper nói tiếng Pháp gây "bão" mạng trở thành dịch giả tiểu thuyết
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 09:31, 01/08/2023
Chàng shipper dịch sách tiếng Pháp
Huỳnh Hữu Phước, 26 tuổi, làm công việc giao hàng, là dịch giả của cuốn sách Con gái(tên gốc: Fille) của nhà văn Pháp Camille Laurens. Hồi tháng 11 năm ngoái, nam shipper từng gây "bão" mạng xã hội ở buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy khi đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp cho tác giả.
Cơ duyên trở thành dịch giả đến với Hữu Phước vào cuối năm 2021. Xuất viện sau khi khỏi Covid-19, một người chị, cũng là dịch giả, thường trò chuyện với Phước về văn chương, đã ngỏ ý muốn anh thử sức ở mảng này.
Ban đầu, chàng trai e dè vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dịch thuật. Anh nhận thấy sách của một văn sĩ đương đại như Camille Laurens là "quá sức" với mình. Tuy nhiên, sau khi được bạn bè khích lệ, Phước đã nhận lời.
Hàng ngày, anh vừa dịch sách vừa giao hàng mưu sinh. Khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, phải điều trị chứng rối loạn lo âu và lưỡng cực, đôi khi khiến anh rơi vào những áp lực.
Nhờ sự giúp đỡ của người chị dịch giả cùng ban biên tập nhà xuất bản, đam mê đã biến thành nguồn động lực vô hình giúp Phước hoàn thành tác phẩm đầu tay. Sau hơn nửa năm, anh nộp bản thảo đầu tiên.
Đầu tháng 7, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành cuốn sách Con gái trên toàn quốc. Hữu Phước chọn tên dịch giả là J.B. "Cảm xúc của tôi khó diễn tả bằng ngôn từ, như kiểu trẻ con được nhận quà. Niềm vui mà lâu lắm rồi tôi mới lại cảm nhận được", nam dịch giả xúc động nói.
Cuốn sách Con gái thuộc thể loại văn học Pháp, dài 260 trang. Tác phẩm lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm.
Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai. Đến những năm 1990, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi "Ý nghĩa của việc là một cô gái?" và bài học nào nên dạy hoặc không, cho con gái yêu dấu của mình.
Camille Laurens đã sử dụng 3 ngôi kể nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ. Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của người phụ nữ trong thế kỷ 20-21.
Bản dịch tiếng Việt của Hữu Phước được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam gửi cho GS.TS Văn học Pháp Nguyễn Vinh Đào (Viện Đại học Paris- Sorbonne, hiện sinh sống ở Pháp) đọc thẩm định.
"Giáo sư nhận xét bản dịch khá thông suốt và trôi chảy. Nhìn chung bản dịch của Phước thể hiện thông điệp của tác giả", đại diện Nhà xuất bản cho biết.
Biên tập viên của nhà xuất bản cũng cho rằng bản dịch của nam shipper "có nhiều pha chơi chữ, ẩn dụ được chuyển ngữ khá tài tình".
Vượt lên nghịch cảnh
Hữu Phước học tiếng Pháp từ nhỏ, là cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn. 18 tuổi, anh thi đậu vào ngành tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm TPHCM. Thời điểm này, do biến cố gia đình, anh phải tự lập bằng việc dọn ra ở trọ, tự đi làm để kiếm tiền sinh hoạt.
Để có tiền trang trải, Phước phải làm thêm nhiều công việc, từ bảo vệ, giữ xe, phục vụ nhà hàng đến shipper để chủ động thời gian cho việc học. Mỗi ngày, anh làm việc từ 8-10 tiếng, thường về nhà sau 21h.
Đến năm thứ 3, áp lực kinh tế khiến anh không kham nổi tiền học phí. Vốn có nhiều bệnh về đường hô hấp, mỗi khi Sài Gòn trở lạnh, anh phải nhập viện, uống thuốc rất tốn kém.
Nợ tiền học phí, chàng sinh viên được các thầy cô trong khoa tiếng Pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, sau học kỳ 1, kết quả học tập của anh không tốt vì không có thời gian dành cho việc học.
Thấy bản thân phụ lòng thầy cô, Phước quyết định bảo lưu kết quả học tập để đi làm kiếm tiền, nuôi giấc mơ trở lại giảng đường khi đủ khả năng.
Không buông xuôi, sau khi nghỉ học, anh vẫn tự trau dồi kiến thức bằng việc tự học mỗi khi có thời gian rảnh. Chàng trai có thói quen đọc sách và xem đó là thú vui giải trí. Không có nhiều tiền, Phước làm đầy kệ sách hàng trăm cuốn ở phòng trọ bằng việc mua sách cũ.
Cuốn sách gắn bó với anh nhất là Hoàng Tử Bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéry. Anh nói, mỗi lần đọc sẽ có những trải nghiệm văn học khác nhau và có những bài học không phải đọc một vài lần mà "ngộ" ra được.
Phước rất thích bản dịch Hoàng Tử Bé của cụ Bùi Giáng, ngoài ra còn thích đọc nguyên tác thơ đường và Phù sinh lục ký của Thẩm Phục.
Để có thể "giữ phong độ" về khả năng giao tiếp tiếng Pháp, Phước thường mua sách tiếng Pháp và bản tiếng Việt về đọc, rồi xem cách các dịch giả chuyển ngữ để trau dồi kiến thức.
Sau lần xuất hiện gây "bão" ở buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy, chàng trai được nhiều người biết đến. Sự giúp đỡ của cộng đồng giúp anh cải thiện cuộc sống, đặc biệt được quay trở lại giảng đường đại học. Anh đang trên hành trình hoàn thành chương trình học tại Đại học Sư phạm TPHCM.
Trong tương lai, Phước muốn dành nhiều thời gian trau dồi tri thức, củng cố kiến thức, dịch thêm nhiều tác phẩm văn học.
"Với những bạn trẻ đang gồng mình với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia, tôi muốn nói với họ rằng, mỗi chúng ta đều có thời điểm của riêng mình, đừng đem bản thân so sánh với ai khác. Hãy nỗ lực mỗi ngày để tốt hơn chính mình ngày hôm qua", anh cười, nói.