Điểm tin kinh doanh 1/8: Giá vàng đi ngang, chờ đợi báo cáo thị trường lao động Mỹ
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 01/08/2023
- Giá vàng đi ngang, chờ đợi báo cáo thị trường lao động Mỹ
Không giữ được mốc 1.960 USD/ounce cuối tuần trước, vàng thế giới đi ngang quanh mốc 1.955 điểm. Giới đầu tư tài chính đổ dồn quan tâm về số liệu việc làm Mỹ dự kiến công bố vào cuối tuần này.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2023, giá vàng miếng tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Dù giảm nhẹ ở đầu phiên, giá vàng hồi phục trở lại mức đóng cửa cuối tuần trước. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác yết quanh mức 67,15 triệu đồng/lượng đến 67,25 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán phổ biến khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới nới nhẹ lên khoảng 11,4 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân bởi vàng thế giới đã không thể giữ được mốc 1.960 USD/ounce. Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng về việc chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khó có thể kết thúc sớm.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 1.956 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10/2023 trên sàn Comex New York giảm nhẹ xuống 1.994,5 USD/ounce.
Giới đầu tư hiện đổ dồn sự quan tâm đến báo cáo thị trường lao động Mỹ. Số liệu bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 7 được công bố trong tuần này (ngày 4/8) với số lượng việc làm dự kiến đạt 200.000 việc làm. Trong trường hợp thị trường lao động tiếp tục “hạ nhiệt”, áp lực lạm phát sẽ có khả năng “hạ nhiệt” nhiều hơn. Trong báo cáo NFP tháng 6, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 209.000 việc làm. Đây là lần đầu tiên dữ liệu việc làm không đạt kỳ vọng kể từ tháng 5/2022.
Cũn trong tuần này, các ngân hàng trung ương ở Úc và Brazil sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ. Số liệu tăng trưởng GDP quý II của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Ý, Hồng Kông và Mexico và số liệu lạm phát nhiều quốc gia sẽ công bố tuần này. Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu PMI sản xuất và dịch vụ, trong khi Nhật Bản, Đức, Khu vực đồng Euro và Canada sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp.
Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng đô la với rổ 6 đồng tiền mạnh đã tăng lên gần 102 điểm. Tuy nhiên, đồng USD vẫn mất hơn 1% trong tháng này, ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp giảm do lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt hơn nữa. Điều này cũng hỗ trợ kỳ vọng rằng chu kỳ thắt chặt hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang có thể kết thúc.
Tỷ giá trung tâm ngày 31/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.758 VND/USD, tăng 14 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.557 - 24.945 đồng/USD.
Dù tỷ giá trung tâm tăng, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại có giảm nhẹ. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.515 đồng /USD (mua vào) và 23.855 đồng /USD (bán ra).
- Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo, lo ngại ảnh hưởng tới Việt Nam
Việt Nam nhập khẩu nhiều cám gạo từ Ấn Độ nên lệnh cấm mới nhất của nước này có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp Việt.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ vừa thông tin về việc nước này cấm xuất khẩu cám gạo chỉ hơn một tuần sau khi cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-Basmati),
Cụ thể, ngày 28/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành thông báo số 21/2023 về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB), với hiệu lực ngay lập tức cho đến ngày 30/11.
Theo Thương vụ Việt Nam, quyết định này được phía Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá sữa và các sản phẩm sữa ở nước này tăng đáng kể. Nguyên nhân có phần do giá thức ăn gia súc tăng vọt. Thành phần chính của thức ăn gia súc, gia cầm và cá là cám gạo cám gạo trích ly hoặc chiết xuất cám gạo.
Việt Nam là khách hàng lớn của sản phẩm cám gạo Ấn Độ. Vậy nên, Thương vụ Việt Nam đánh giá, lệnh cấm có hiệu lực ngay này sẽ ảnh hưởng tới các hợp đồng mua bán cám gạo của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chưa tiến hành giao hàng.
“Doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần nhanh chóng làm việc với đối tác xuất khẩu tại Ấn Độ để xem tình trạng hàng và giải quyết vấn đề trên cơ sở hợp đồng” - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 288.000 tấn cám gạo trích ly (mã HS 23069090), giảm 21,54% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng cám xuất khẩu sang Việt Nam chiếm tới 54,13% tổng khối lượng.
Trước đó, vào ngày 20/7, Ấn Độ đã thông báo cấm xuất khẩu gạo. Quyết định này của Ấn Độ đã gây tác động tới thị trường lúa gạo toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Kể từ sau lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan tăng hàng ngày.
- Sản lượng vận tải đang tăng trưởng trở lại
Trong tháng 7-2023, sản lượng vận tải hành khách trên cả nước đạt 398,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 1,3% so với tháng trước. Vận tải hàng hóa tháng 7-2023 đạt 191,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,7% so với tháng trước.
Theo tin từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng của năm 2023, vận tải hành khách đạt hơn 2.615,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa đạt 1.303,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đề cập đến các giải pháp nhằm góp phần đưa sản lượng vận tải tăng cao, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ở lĩnh vực đường bộ, trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, Bộ đã tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc định hướng đến năm 2030. Tích cực thúc đẩy đàm phán song phương, đa phương về hoạt động vận tải đường bộ quốc tế thường niên giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế.
Nhằm tăng thị phần vận tải thủy nội địa, Bộ đã xây dựng phương án tuyến vận tải container từ cảng biển khu vực Hải Phòng - Hà Nội, Lạch Huyện - Hà Nam, Hưng Yên.
Trong khi đó, vận tải đường sắt đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế, sản lượng hành khách tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu vận tải tăng 138,92% so cùng kỳ 2022.
- Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/8: Bán hạ tỷ trọng tại các nhịp vượt đỉnh
Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đồng loạt hướng lên cho thấy lực cầu vẫn đang tham gia thị trường tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ báo đều đã ở vùng quá mua.
Bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường
CTCK Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index mở gap hình thành nến xanh tăng điểm vượt lên trên khu vực 1.220 điểm. Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đồng loạt hướng lên cho thấy lực cầu vẫn đang tham gia thị trường tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ báo đều đã ở vùng quá mua.
Thêm vào đó, VN-Index cũng đang hướng lên khu vực 1,0 của thang đo Fibonacci mở rộng tương ứng với vùng điểm 1.250-1.260 điểm và trong quá trình đi lên, thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện những nhịp điều chỉnh mạnh và bất ngờ hơn
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn, bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang có xu hướng thu hút dòng tiền như bất động sản, dầu khí và chỉ giải ngân thêm tối đa 30% so với tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Một số cổ phiếu như CEO, QCG, POW có thể cân nhắc mua vào
CTCK AIS
VN-Index giữ được động lực tăng điểm tích cực sau khi vượt mốc 1.200 điểm. Đồng thời, thanh khoản liên tiếp được cải thiện và sự luân chuyển “nhịp nhàng” giữa các nhóm ngành khác nhau đã giúp cho tháng 7 là tháng tăng điểm ấn tượng.
Kết thúc tháng 7, có tháng tăng điểm tốt thứ hai tính từ đầu năm 2023 khi tăng gần 103 điểm (+9,17%). Tháng tăng tốt nhất là tháng 1 khi +104 điểm, tương đương +10,34%.
Ngưỡng 1.250 điểm sẽ là ngưỡng mục tiêu ngắn hạn gần nhất của VN-Index. Khi tiếp cận ngưỡng mục tiêu này tốc độ tăng điểm có thể chậm lại hoặc sẽ xuất hiện tuần giảm điểm nhẹ.
Với hoạt động đầu tư ngắn hạn: Một số cổ phiếu như CEO, QCG, POW có thể cân nhắc mua vào. CTD là cổ phiếu được khuyến nghị bán ngắn hạn.
Chờ đợi thị trường rung lắc để giải ngân
CTCK SHS
Trong ngắn hạn thị trường tiệm cận kháng cự quanh mốc 1.230 điểm và có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể kiên nhẫn chờ đợi thị trường rung lắc để giải ngân vào những mã thu hút dòng tiền bởi xu hướng trung hạn vẫn tích cực.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng nhà đầu tư có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Bán hạ tỷ trọng tại các nhịp vượt đỉnh
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Lực mua chủ động gia tăng tiếp tục áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số VN-Index có một phiên chớm phá ngưỡng cản mạnh quanh 1.22x điểm.
Mặc dù áp lực rung lắc sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn trong quá trình đi lên, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục và mở rộng đà tăng điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.200 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị giao dịch cân bằng, bán hạ tỷ trọng tại các nhịp vượt đỉnh và chỉ mở mua trở lại khi chỉ số về quanh ngưỡng hỗ trợ.
- Có tới 14 ngân hàng đi lùi lợi nhuận nửa đầu năm, tổng nợ xấu tăng 11%
Đến thời điểm này, đã có 28 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng lợi nhuận tăng 3% so với cùng kỳ, song giảm 1,2% so với quý I/2023.
Tổng lợi nhuận của các ngân hàng quý II/2023 vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, tuy suy giảm 1,2% so với quý I/2023.
Ngoài Big 4, đã có 24 ngân hàng TMCP tư nhân công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với 50% công bố lợi nhuận 6 tháng suy giảm so với cùng kỳ. Các ngân hàng có mức lợi nhuận 6 tháng suy giảm mạnh là BVBank, ABBank, EximBank, Techcombank, NCB, SeABank, LPBank…
Mặc dù vậy, theo thống kê của SSI Research, tổng lợi nhuận của các ngân hàng quý II/2023 vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, tuy suy giảm 1,2% so với quý I/2023.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng chững lại nửa đầu năm nay là do sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, trong khi NIM co hẹp (NIM giảm 15 điểm phần trăm so với quý trước) và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng (tổng nợ xấu tăng 11 điểm phần trăm so với quý trước).
Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt trong quý II/2023 là ACB, OCB, MBB và VPB. Động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này là: tín dụng cho ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây xựng (MB); cho vay sản xuất kinh doanh và bất động sản (VPBank); cho vay tài trợ vốn lưu động ACB). Dư nợ tài chính tiêu dùng tiếp tục suy giảm tại FeCredit & MCredit trong khi tăng nhẹ trở lại ở HDSaison.
Điểm tích cực trong báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA đã tạo đáy trong quý I/2023 đối với hầu hết các ngân hàng.
Báo cáo tài chính ghi nhận chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng suy giảm. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại nhà nước (big 4), tại ACB, MBB và OCB đã chậm lại đáng kể so với hai quý trước.
Nếu chỉ tính riêng khối ngân hàng TMCP, top 10 lợi nhuận hợp nhất các ngân hàng tính tới thời điểm cuối tháng 6/2023 là: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, SHB, VIB, HDBank, VPBank. So với cùng kỳ năm ngoái, Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất không thay đổi song thứ tự xếp hạng đã có sự thay đổi đáng kể.