TS Đỗ Đức Cường: Con ong lặng lẽ góp mật cho quê hương

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 17:14, 06/07/2020

Trên 20 năm làm việc liên quốc gia, là chuyên viên cao cấp ngành Ngân hàng ở Mỹ, ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo trong nhiều lĩnh vực.
nsjpveoe(1).jpg

Trên 20 năm làm việc liên quốc gia, là chuyên viên cao cấp ngành Ngân hàng ở Mỹ, ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo trong nhiều lĩnh vực.

Là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, một người có khả năng đặc biệt: viết một lúc hai tay bằng hai thứ tiếng Anh - Pháp, năm 2003, ông trở về Việt Nam làm việc. Với kinh nghiệm, kiến thức và sự am hiểu của mình, nhiều doanh nghiệp lớn tại TP.HCM luôn “săn” đón ông. Nhưng ông chỉ ví mình khiêm tốn như chú ong thợ bay đi bốn phương đã đến lúc trở về góp mật cho quê hương… Ông chính là tiến sĩ Đỗ Đức Cường.

Khước từ 1 triệu USD

Chúng tôi xin gặp ông và trao đổi với ông về giải thưởng “Vinh danh nước Việt” do chuyên san Người Viễn Xứ báo điện tử VietNamNet tổ chức dành cho những Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước, ông trầm ngâm một hồi rồi khẽ bảo: “Xin trao giải cho những người khác. Rất nhiều người Việt có những đóng góp lớn lao cho đất nước. Những gì tôi đã làm cho Việt Nam không phải là cái công mà là trách nhiệm của một người con đối với nòi gióng, tổ tiên. Chúng tôi như những con ong bay đi bốn phương hút mật để trở về làm đầy túi mật cho quê hương mình. Đó là bản năng cuả loài ong chứ không phải là công lao…”. Cuộc nói chuyện với ông đã bị cắt đứt bởi hàng núi công việc đang chờ ông. Và ông mất hút liên lạc.

Tôi đi tìm ông, một người giàu lòng nhân nghĩa, sống hết mình vì người khác, vì quê hương thì sự vinh danh không phải bằng những giải thưởng, những danh hiệu. Với ông, điều có ý nghĩa nhất cuộc đời ông lúc này là làm sao chuyển giao kiến thức, truyền đạt công nghệ, kinh nghiệm mà gần cả đời người ông đã tích luỹ được từ nước ngoài cho trí thức trẻ Việt Nam.

Ở cái tuổi gần 60 chưa phải là già, nhưng với cơn đau tim ngặt nghèo, ông bảo: “Tôi luôn linh cảm những điều không lành. Cảm giác của tôi là đang đi trên đoạn đường xa, trời tối, chỉ sợ những điều bất ổn, tôi hối hả để truyền đạt những gì tôi biết, tôi tích luỹ được vì sợ không còn kịp thời gian”. Và ông lao vào công việc bất kể thời gian, bất kể những cơn đau tim hành hạ, ông làm việc giữa những cơn đau thắt nơi lồng ngực, đến tận giữa đêm khuya khi mọi người yên giấc, ông vẫn cặm cụi ngồi viết những kế hoạch, chương trình…

Suốt đời nghiên cứu khoa học, hết công trình này đến luận án khác chiếm hết thời gian. Năm 2003, tiến sĩ Đỗ Đức Cường về nước lần đầu tiên trong sự hối hận, ray rứt mãi không nguôi: mẹ con không nhận ra nhau. Đó cũng là lúc ông chợt nhận ra: ông có thể có tất cả nhưng người mẹ ruột của ông sau bao năm trời xa cách đang ở ngưỡng “gần đất xa trời”, quê hương Việt Nam của ông vẫn còn trong nghèo nàn, lạc hậu. Với mức lương trên 1 triệu USD/năm cho một chuyên gia như ông, tiến sĩ Đỗ Đức Cường đã từ bỏ để trở về Việt Nam.

awy2h3b3.jpg

“Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Ngân hàng, sao ông không bắt đầu với Ngân hàng Nhà nước?”, tôi hỏi. Tiến sĩ Cường cho biết: “Những người truyền giáo thường không bắt đầu từ Thánh địa của mình. Tôi không cần biết nơi xuất phát của mình từ đâu, với ai. Ngay từ đầu, tôi có ý giúp cho bất kỳ Ngân hàng nào nếu đáp ứng ba tiêu chí: Có một tập thể lãnh đạo không cố chấp; có một định hướng cạnh tranh lành mạnh và không có tiêu cực.

Năm 2003, chủ yếu tôi giúp cho ngành an ninh Việt Nam nhận diện cá nhân bằng hệ thống chống xâm nhập qua dấu vân tay nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22. Sau đó tình cờ trong một bữa cơm, tôi gặp anh Trần Phương Bình - TGĐ Ngân hàng Đông Á và biết vợ chồng anh Bình bỏ một số tiền lớn để giúp đồng bào miền Trung mổ mắt. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của họ và nhận lời làm cố vấn cho Ngân hàng Đông Á. Trước đó, tôi có nghe thông tin Ngân hàng Đông Á cho người sang Mỹ tìm tôi nhưng không gặp, âu cũng là cái duyên!”.

“Không chỉ trong lĩnh vực Ngân hàng, ông còn làm cố vấn cho các công ty khác về nhiều lĩnh vực?”, tôi hỏi. “Vâng! Tôi làm việc với Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng phát triển nhà Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn thương Tín. Còn với các công ty không liên quan đến Ngân hàng như taxi Mai Linh, điện thoại Viettel, Công ty may Việt Tiến, bảo hiểm Bảo Việt, tôi tư vấn cho họ về mô hình của một tập đoàn tài chính".

"Họ có sản phẩm, có khách hàng và thị trường. Nếu liên kết họ lại thì khách hàng sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Ví dụ với một thẻ tín dụng Ngân hàng, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại giảm giá, đi taxi giảm cước, mua hàng giảm giá, gởi tiền Ngân hàng được thấu chi…Cuối cùng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đó cũng là cách gia tăng mãi lực và mục tiêu cuối cùng là tạo động lực phát triển cho quốc gia”.

Người thầy không lộ diện

Hai năm làm việc tại Việt Nam, điều trăn trở nhiều nhất của tiến sĩ Đỗ Đức Cường là xây dựng và đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam biết tư duy, năng động và khát khao vượt qua chính mình. Ông bảo: “Tôi có cảm giác tư duy của người Việt Nam bị đóng khung. 10 năm trước, một công ty có 1.000 công nhân, họ quản lý con người theo kiểu mô hình hợp tác xã, bao cấp nhưng 10 năm sau, số công nhân vượt lên 10.000 người nhưng vẫn áp dụng mô hình quản lý ấy thì sẽ hạn chế sự phát triển của cán bộ công nhân viên, tạo sự ù lì, dễ dẫn đến việc bao che khuyết điểm cho nhau. Tôi đã từng cảnh báo nếu các doanh nghiệp không thay đổi tư duy quản lý thì sẽ trở thành trại huấn luyện công nhân cho các công ty ngoại quốc”.

Và ông trăn trở: “Giới trẻ Việt Nam sinh ra trong thời kỳ sau chiến tranh, họ lớn lên trong thời kỳ bao cấp, họ tốt nghiệp trong thời kỳ đất nước mở cửa. Họ là những con người mà trong một khoảng thời gian ngắn phải trải qua 3 sự thay đổi nhưng chưa có sự chuẩn bị tiếp nhận nên trong họ luôn có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Có điều trí thức trẻ Việt Nam có tinh thần cầu tiến, sự thôi thúc tiến lên rất mãnh liệt và nhờ sự chịu đừng giỏi và có lòng nhiệt huyết cao nên tương lai của đất nước đang chờ đợi họ. Họ như những cánh hoa nở ra vẫn còn những vết sâu rầy nhưng nhưng cánh hoa này sẽ nở đẹp, che lấp và là mau lành những vết thương.

Tôi muốn nói với những người Việt ở hải ngoại và cả những người ngoại quốc rằng, quê hương mà họ vẫn thường chê bai là nghèo nàn, lạc hậu trong tương lai sẽ vượt xa đất nước giàu sang mà họ đang sống. Thật buồn khi trên những chuyến bay về nước, những câu chuyện của các Việt kiều xoay quanh chuyện chê bai mà không có ý niệm chung tay xây dựng phát triển cho quê hương mình. Tôi muốn nói cho họ biết, đất nước đang chuyển động, giới trẻ Việt Nam đủ sức thay thế để đưa đất nước đến chốn phồn vinh”.

Trong kế hoạch đào tạo kiến thức trẻ, tiến sĩ Cường đã điều phối, luân chuyển họ đến nhiều quốc gia để sau ba năm họ sẽ trở thành những cán bộ trẻ rất năng nổ, có nền kiến thức căn bản và họ hơn lớp cha anh ở sự năng động, táo bạo. Ông cho biết phương pháp đào tạo của ông hoàn toàn theo phương thức ngẫu nhiên và không bao giờ để giới trẻ thấy sự xuất hiện của ông với tư cách người thầy. Không để cho họ thấy họ đang bị đào tạo, được đào tạo hoặc đang học. Ông khuyến khích họ nói ra những điều họ nghĩ và ầm thầm sửa sai. Vì vậy ông đang là người thầy, đang hướng dẫn nhưng dưới mắt mọi người, ông chỉ là người bạn “lớn tuổi”.

Tiến sĩ Cường bảo cách tốt nhất để mọi người học và học nhanh là lao vào làm việc cùng họ, ăn ngủ cùng họ: ”Với các bạn trẻ, tôi không phải là một chuyên gia, càng không phải là người xa lạ, đi karaoke với mọi người, tôi lao vào hát dù hay hay dở. Giới trẻ là niềm vui lớn nhất để tôi có thể làm việc từ 14 đến 15 tiếng/ngày mà không cảm thấy mệt mỏi”.

Anh Trần Nguyễn Hoài Thanh, trợ lý Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á bộc bạch: “Từ lúc chú Cường về làm việc với NHĐ Đông Á, chúng tôi như thay đổi hoàn toàn cách tư duy của mình, về phong cách làm việc, về kinh nghiệm quản lý. Trên hết, chú Cường là người bạn lớn của chúng tôi”. Chính TGĐ NH Đông Á Trần Phương Bình cũng nhìn nhận: “Tiến sĩ Cường không chỉ là nhà chuyên môn mà là nhà chiến lược với tư duy làm việc rất đặc biệt. Trên hết, ông ấy làm việc vì cái tâm với trách nhiệm lớn mà không hề tư lợi, chúng tôi cảm nhận và hiểu được tấm lòng muốn cống hiến, đóng góp cho quê hương của mình”.

Ông Hồ Huy, TGĐ công ty cổ phần Mai Linh cho biết: “Với Mai Linh, tiến sĩ Đỗ Đức Cường là người thầy lớn trong nhiều lĩnh vực. Được làm việc với tiến sĩ Cường là một sự may mắn không phải bao giờ cũng gặp được. Tiến sĩ Cường tư vấn cho Mai Linh và nhiều doanh nghiệp khác nhiều kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp rất quý báu mà không hề nhận thù lao. Ông giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam “nối vòng tay lớn”, liên kết nhau để cùng phát triển. Càng làm việc với ông ấy, tôi càng cảm nhận đó là một người rất đáng quý, đáng trân trọng. Dù không bao giờ nói ra nhưng tấm lòng của tiến sĩ Cường dành cho quê hương Việt Nam làm chúng tôi hết sức cảm kích”.

Đường xa sẽ không còn xa

etzf4yj8.jpg
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường với Tổng giám đốc NH Đông Á Trần Phương Bình

Kiên nhẫn tìm ông trong suốt 6 tháng trời, tôi cũng gặp được ông lúc 12 giờ trưa ngày cuối cùng của năm 2005. Một tiếng đồng hồ dành cho tôi, ông vừa trả lời các câu hỏi, vừa check mail, cuộc nói chuyện nửa chừng phải ngưng lại để ông uống thuốc. Ông bảo: “Tối nay tôi phải bay sang Úc để kiểm tra lại sức khoẻ” và ông lặp lại: ”Tôi sợ trời tối đường xa sẽ không còn đủ sức để lo cho các bạn trẻ của mình”.

Bạn Lâm Khánh Uyên, nhân viên Ngân Hàng Đông Á cho biết: “Có khi chỉ cần một trái bắp, một ly cà phê, chú làm việc sáng đêm. Chú tác động đến chúng tôi rất nhiều nhưng giữa chú với mọi người không có khoảng cách. Các bạn vẫn đùa gọi chú là “Cường bắp” ,“Hai lúa”, Giám đốc “chuồng cu” vì chú chọn nơi làm việc của mình dưới chân cầu thang để hàng ngày gặp mặt mọi người. Ở đây ai cũng yêu thương và kính trọng chú vì một trí thức lớn như chú nhưng hết sức giản dị, gần gũi”.

Hai năm làm việc cho đất nước, chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng những đóng góp của tiến sĩ Cường không thể “cân, đo, đong, đếm” được. Ông tâm sự: “Tôi thật sự cám ơn Ngân hàng Đông Á đã mang tôi trở về với quê hương. Tôi cám ơn các bạn trẻ đã cho tôi niềm vui sống và hạnh phúc làm việc nhưng tôi chưa thật sự hài lòng với những gì mình đã làm trong hai năm qua. Tôi chưa phải nặn óc hoặc bức xúc nhiều vì đơn giản những gì tôi truyền đạt cho các bạn chỉ là kinh nghiệm của hơn 20 năm tôi tích luỹ được trên thế giới.

Điều tôi trăn trở, mong muốn nhất là làm sao Việt Nam có nhiều trí thức trẻ năng nổ, khát khao cống hiến. Điều đó không thể tự nhiên mà có. Tôi muốn thế hệ đi trước mạnh dạn nói với các bạn trẻ rằng: lớp người đi trước đã có những lầm lỗi chứ đừng nói với họ những luận cứ bên ngoài và xin đừng biện hộ cho những sai lầm của mình. Quả đất ngày càng thu nhỏ, mọi người ngày càng gần nhau, chia sẻ nhau, học hỏi nhau nên hãy xoá bỏ hết hận thù. Xin đừng khích động giới trẻ, quản trị họ bằng sự sợ hãi. Các doanh nghiệp cũng thế, hãy nên nghĩ đến phương diện cá nhân của con người thì mới phát triển mạnh doanh nghiệp, đó là cái gốc của sự bền vững”.

Sau hai năm làm cố vấn cho Ngân hàng Đông Á, TGĐ Trần Phương Bình thừa nhận: “Ngân hàng Đông Á đã có những thay đổi rất tích cực, tư duy làm việc của cán bộ nhân viên như được thổi một luồng gió mới, một sinh lực mới. Sự phát triển của NHĐÁ trong thời gian gần đấy nhất là trên lĩnh vực ATM có công rất lớn của tiến sĩ Cường”. Với ông, mọi việc đơn giản nhưng rất hiệu quả nên đem lại một kết quả to lớn.

Tiến sĩ Cường cho biết: “Tôi hướng dẫn NHĐÁ theo ba tư duy: 1.Quần chúng hoá các dịch vụ Ngân hàng. 2. Bình dân hoá các ứng dụng Ngân hàng. 3. Hiện đại hoá Ngân hàng”. Và niềm vui của ông mỗi ngày khi thấy chị bán rau biết dùng thẻ ATM đế rút tiền, em bé bán báo biết chuyển tiền về cho gia đình bằng ATM, là sự hữu ích gần gũi nhưng hết sức thiết thực trong đời sống hàng ngày của người dân.

Khi tôi sắp hoàn thành bài viết thì nhận được đề nghị của ông: “Xin hãy mô tả tôi như một người bình thường và tầm thường. Tôi không muốn có một khoảng cách nào nhất là với các bạn trẻ. Ở tuổi này, tôi không còn mơ ước nữa nhưng điều mà tôi trăn trở là liệu Việt Nam có thể trở thành thành viên WTO trong năm nay không? Và nếu được thì liệu các doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng trong sân chơi kinh tế mới mẻ này không?

Riêng với bản thân tôi, tôi chỉ mong được sống và làm việc thêm với các bạn trẻ ở Việt Nam, là đưa hệ thống VNBC (VietNam Bank Card) vào mạng tài chính quốc tế vì đây là sản phẩm “made in Việt Nam”. Tôi mong ước sẽ có thêm nhiều Ngân hàng được “quần chúng hoá, bình dân hoá” để giúp cho đại đa số người dân sử dụng dịch vụ Ngân hàng và gia tăng tiết kiệm, đảm bảo cho cuộc sống gia đình”.