Chuyên gia: Nếu không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, dễ dẫn đến oan sai
Pháp luật - Ngày đăng : 07:40, 27/07/2023
Nguồn gốc của nguyên tắc suy đoán vô tội
Suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng văn minh, nguyên tắc này là thành tựu tiến bộ của nền văn minh nhân loại trong tố tụng hình sự, nguyên tắc này khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng hơn, khách quan quan hơn trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ để buộc tội đối với người phạm tội.
Bởi vậy, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự như một nguyên tắc cơ bản để hướng đến việc giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, công bằng, hướng đến bảo vệ công bằng, lẽ phải.
Suy đoán vô tội là từ ghép bắt nguồn từ hai từ là "suy đoán" và "vô tội". Nguồn gốc của thuật ngữ "suy đoán" bắt nguồn từ tiếng Latin "praesumptino" hay trong tiếng Anh "presump" được hiểu là coi vấn đề, hiện tượng nào đó là đúng đắn cho đến khi chưa có lý do bác bỏ vấn đề, hiện tượng đó.
Theo từ điển Longman trong lĩnh vực luật, "presump" được hiểu là "chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng".
Còn "vô tội" là không có tội. Không có tội ở đây là quy định mặc nhiên. Mọi người được mặc nhiên là không có tội cho đến khi cơ quan có thẩm quyền bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, những chứng cứ được thu thập dựa trên những trình tự thủ tục mà pháp luật cho phép để chứng minh một con người nào đó đã thực hiện hành vi phạm tội.
Khi chưa chứng minh được một người phạm tội thì mặc nhiên người đó không có tội và trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ "suy đoán vô tội" được dịch từ "presumption of innocence" trong các tài liệu khoa học hay cụm từ "the right to be presumed innocent" trong các văn kiện quốc tế về quyền con người.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thuật ngữ này trong tố tụng hình sự như một nguyên tắc nền tảng cơ bản, định hướng cho quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự, gắn trách nhiệm với cơ quan công quyền trong việc thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm.
Cội nguồn của nguyên tắc này từ thời La Mã cổ đại khi Hoàng đế La Mã Justinian (thế kỷ VI trước công nguyên) ban hành một bản tóm lược Luật La Mã được gọi là "Digest of Justinian", trong đó có quy định về nguyên tắc chung liên quan đến chứng minh thuộc về bên tố tụng (dân sự) "Ei incumbit probatio qui didt, non qui negat" - có nghĩa là "chứng minh là công việc thuộc về anh ta, người khẳng định, chứ không phải là người phủ định".
Theo đó, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo và người nào đi kiện thì người đó chứng minh trước. Sau đó, các triều đại La Mã đã áp ụng nguyên tắc này trong quá trình xét xử hình sự và bắt đầu khẳng định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội và một hệ quả tất yếu là bị cáo luôn được coi là vô tội.
Suy đoán vô tội là đòi hỏi pháp lý, yêu cầu hướng đến sự công bằng, lẽ phải đã được các luật gia, các chính trị gia nhắc đến từ lâu, tuy nhiên nó chỉ thực sự trở thành nguyên tắc khi có dấu ấn của luật gia người Pháp Jean Lemonie khi ông đưa ra quan điểm mang tính pháp lý rằng hầu hết mọi người không phải là tội phạm, yêu cầu và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan công quyền.
Sau này, quan điểm về suy đoán vô tội được nhiều người thừa nhận, được luật hóa trở thành những nguyên tắc trong tố tụng hình sự ở nhiều quốc gia.
Ngày nay, suy đoán vô tội được ví như là nguyên tắc "vàng" trong tố tụng hình hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Suy đoán vô tội là thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người và là nguyên tắc định hướng cho hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự.
Nguyên tắc này đã được thể hiện và được quy định trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền như Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Cộng hòa Pháp; Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966.
Tư tưởng về suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc pháp luật khi Cách mạng tư sản Pháp thắng lợi cùng với đó là đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội cần phải có biện pháp hạn chế, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán xâm phạm thô bạo quyền con người từ phía nhà nước, ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập.
Suy đoán vô tội là kim chỉ nam trong việc chứng minh tội phạm
Trước yêu cầu bảo vệ quyền con người và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, suy đoán vô tội (hay giả định vô tội) - một trong những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được ghi nhận và áp dụng rộng rãi trong nền tư pháp của nhiều quốc gia văn minh, trong đó có Việt Nam.
Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, lần đầu tiên quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau:
"Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay, nguyên tắc này không chỉ thể hiện qua Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự mà còn là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự, đối với việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự.
Điều 15 quy định về chứng minh, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án cũng nêu rõ: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội xuất phát từ chính sách pháp luật hình sự ở Việt Nam đã có những thay đổi trong thời gian gần đây.
Từ những thay đổi trong chính sách, Khoản 1, Điều 31, Hiến pháp 2013 cũng quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" .
Như vậy, pháp luật tố tụng về hình sự Việt Nam hiện nay đã coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, là kim chỉ nam trong việc chứng minh tội phạm.
Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội
Nếu không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự thì vụ án có thể được đẩy theo hướng buộc tội chủ quan, theo ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng, dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường
Nguyên tắc suy đoán vô tội đặt ra những đòi hỏi mà tố tụng hình sự phải đảm bảo không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được cơ quan tiến hành tố tụng (nhà nước) chứng ninh theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Nguyên tắc này chính thức thừa nhận rằng người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật tố tụng hình sự quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Việc chứng minh tội phạm, theo trình tự thủ tục luật định, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự.
Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng yêu cầu phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội đối với người đó.
Quy định này rất tiến bộ, sẽ mang đến cái nhìn khách quan cho những người tiến hành tố tụng khi thực hiện các hoạt động tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tránh những định kiến, suy luận chủ quan thiếu căn cứ đối với người bị buộc tội.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bên buộc tội). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.
Những quy định này bổ trợ, làm tăng tính chặt chẽ trong chứng minh tội phạm và suy luận là nghi phạm không có tội cho đến khi được chứng minh bởi cơ quan tiến hành tố tụng theo trình tự thủ tục luật định.
Những quy định này có thể loại bỏ được tư duy áp đặt, chủ quan, suy đoán có tội dẫn đến việc giải quyết vụ án có thể không khách quan, gây ra oan sai cho các bị cáo.
Để đảm bảo cho nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện trên thực tế thì pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam cũng quy định: "Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong các quy trình thu nhập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Lời nhận tội của bị can, bị cáo không được coi là căn cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án".
Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng yêu cầu bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội. Kết quả giải quyết vụ án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa chứ không chỉ dựa vào kết quả điều tra, truy tố của bên buộc tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội gắn liền với nguyên tắc về chứng minh, nguyên tắc về tranh tụng trở thành những kim chỉ nam định hướng cho hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam.
Việc suy luận trong tố tụng hình sự phải dựa trên nguyên tắc là theo hướng có lợi cho bị can bị cáo chứ không được phép suy luận theo hướng bất lợi.
Khi có những nghi ngờ về pháp luật (về lỗi của bị can, bị cáo) và chứng cứ xuất hiện nếu không chứng minh làm rõ được thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên toà xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc xuyên suốt, được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự chứ không chỉ áp dụng tại phiên tòa. Mục đích của tố tụng hình sự là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Tuy nhiên, để không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm thì việc chứng minh tội phạm đòi hỏi phải thận trọng, khách quan của những người tiến hành tố tụng và phải dựa trên khoa học pháp lý.
Nếu không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự thì vụ án có thể được đẩy theo hướng buộc tội chủ quan, theo ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng, dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định, vận dụng trong tố tụng hình sự sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Ghi nhận và tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ làm cho việc chứng minh tội phạm trở nên khách quan, việc giải quyết vụ án hình sự sẽ đảm bảo công bằng, việc chứng minh tội phạm trên cơ sở các chứng cứ khách quan, dựa vào khoa học pháp lý chứ không chỉ dựa vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, sẽ đảm bảo được các quyền cơ bản của bị cáo, đảm bảo được quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc suy đoán vô tội cùng với các nguyên tắc khác trong tố tụng hình sự như nguyên tắc tranh tụng; nguyên tắc về chứng minh tội phạm, xác định sự thật; nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của những người tiến hành tố tụng; nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng, bất khả xâm phạm về thân thể...
Sẽ đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự được diễn ra một cách khách quan, công bằng, văn minh, tiến bộ, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật một cách chính xác nhất, khoa học nhất, làm cơ sở để áp dụng pháp luật hình sự đúng đắn, hướng đến công bằng và lẽ phải.