Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng cõng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi bệnh viện
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:12, 26/07/2023
Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời lúc 2h30 chiều 25/7, trong sự tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp. Theo đó, lễ tưởng nhớ ông sẽ diễn ra vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).
Là một người làm việc cùng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường khá nhiều, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây ký, cây tùy bút rất hay, có thể nói sau Nguyễn Tuân là đến Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Người ta thường nói ký khó viết, nhưng để viết hay thì khó gấp nhiều lần, nhất là tùy bút, vì viết được thì tác giả cần vốn sống, vốn văn hóa, phong cách văn chương, ba yếu tố này thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đều có.
Đọc ký của ông, người ta thấy được một người thích triết học, có chất văn, am hiểu văn học, văn hóa phương Đông và phương Tây. Đặc biệt, văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đậm chất Huế: Từ phong cảnh, con người, đến lịch sử, văn hóa ở vùng đất này nên rất hấp dẫn", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Theo ông Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có cách nói chuyện rất cuốn hút, vì ông Tường là người thông kim bác cổ, những kiến thức ông thu nhận, được ông nói ra bằng cách nói của mình, có sự chiêm nghiệm của bản thân chứ không phải nói chuyện kiểu sách vở.
Năm 1992, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng đồng nghiệp sáng lập ra tạp chí Cửa Việt - một ấn phẩm gây tiếng vang thời đó. Tạp chí này nhận được sự đóng góp bài vở của nhiều nhà văn, nhà thơ trong cả nước.
"Đây là một ấn phẩm rất "chịu chơi" - vì là một tạp chí văn học địa phương, nhưng tầm cả nước. Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo ra sức hấp dẫn của tờ báo đó từ cái tài, cái tâm của mình. Tôi là người cộng tác bài vở khá nhiều, cũng sung sướng khi chờ đợi những tác phẩm của mình in trên mặt báo", ông Phạm Xuân Nguyên kể lại.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ về người anh, người thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường của mình là một người nhỏ nhắn, nhưng luôn vui vẻ, hòa đồng. Hai người có quãng thời gian làm việc với nhau đủ lâu để hiểu và trân trọng nhau.
"Năm 1998, ông Tường bị tai biến, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đưa chồng ra Hà Nội chữa bệnh. Khi đó, Hội Nhà văn cho vợ chồng họ mượn một căn phòng ở trụ sở 65 Nguyễn Du để tiện đi lại. Lần đó, ông Tường trở bệnh, Mỹ Dạ gọi nhà văn Trung Trung Đỉnh và tôi đi cùng.
Tôi còn trẻ và khỏe nên đã cõng ông Tường từ tầng 1 lên tầng 3, tầng 4 bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Ông ngồi vắt vẻo trên lưng tôi nói chuyện về triết học, văn thơ, tôi thì đưa ông đi các phòng để làm xét nghiệm", ông Phạm Xuân Nguyên tâm sự.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông, viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông