Cận cảnh kênh đào lớn nhất Việt Nam trị giá 100 triệu USD Nhịp sống - Ngày đăng : 23:00, 25/07/2023
Dự án kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ trị giá 100 triệu USD vừa chính thức cho tàu thuyền lưu thông trong sáng 25/7. Đây là kênh đào có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Chiều 25/7, Bộ GTVT tổ chức lễ thông luồng dự án kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ (tỉnh Nam Định). Đây là công trình kênh đào có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Ngay sau khi công bố luồng đường thủy, các tàu trọng tải lớn đã xếp hàng lưu thông qua kênh Đáy - Ninh Cơ.
Trong ảnh là một tàu chở cát thủy tinh trọng tải 2.650 tấn đang lưu thông qua âu tàu của kênh đào. Đây cũng là mức trọng tải tàu gần tối đa mà kênh đào có thể phục vụ.
Hạng mục giá trị nhất của kênh đào là âu tàu với bề rộng 17m, dài 179m, sâu 7m.
Âu tàu vận hành tương tự kênh đào Panama. Khi có tàu vào, cửa âu phía sau đuôi tàu sẽ đóng kín. Cửa phía trước mở ra cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc tới dự lễ thông luồng đường thủy qua kênh Đáy - Ninh Cơ.
Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định đây là dự án giao thông phức tạp, do kết hợp nhiều hạng mục như cầu vượt kênh (thuộc đường bộ), kênh đào (thuộc đường thủy) và đê kè (thuộc thủy lợi). Trong đó, riêng hạng mục âu tàu được xác định lớn nhất Việt Nam.
Trên luồng đường thủy này, phương tiện vận tải chủ yếu chở nguyên vật liệu công nghiệp và vật liệu xây dựng. Đối với tàu 2.000-3.000 tấn, kênh đào này giúp tiết kiệm quãng đường di chuyển lên tới 100km, tương ứng khoảng 8 giờ lưu thông.
Công trình kênh đào gồm một nhà điều hành, camera giám sát và hệ thống loa thông báo. Sắp tới, Ban quản lý dự án Đường thủy sẽ bàn giao công trình để Cục Đường thủy Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, vận hành.
Dự án kênh Đáy - Ninh cơ có tổng mức đầu tư 100 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.
Từ nay, tàu vận tải ven biển có thể đi vào cửa sông Ninh Cơ rồi rẽ sang sông Đáy thông qua kênh đào. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh cửa sông Đáy bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào khó khăn.
Ngọc Tân