Ngân hàng ADB Việt Nam có giám đốc mới

Bất động sản - Ngày đăng : 15:15, 24/07/2023

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa thông báo bổ nhiệm ông Shantanu Chakraborty làm giám đốc quốc gia mới tại Việt Nam. Ông Shantanu Chakraborty, quốc tịch Ấn Độ.

Ông Chakraborty kế nhiệm ông Andrew Jeffries, người đã kết thúc nhiệm kỳ giám đốc quốc gia ADB vào ngày 27/4. Ông Chakraborty sẽ lãnh đạo các hoạt động của ADB tại Việt Nam, đại diện cho ngân hàng trong đối thoại chính sách và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ của ngân hàng với chính phủ và các bên hữu quan khác.

Ngân hàng ADB Việt Nam có giám đốc mới ảnh 1
Ông Shantanu Chakraborty, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam.

Giám đốc quốc gia mới của ADB sẽ giám sát việc triển khai chiến lược đối tác quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2023-2026, tập trung vào sự chuyển dịch của Việt Nam sang nền kinh tế xanh, khai thác tiềm lực của khu vực tư nhân.

Ông Chakraborty cho biết, trong 30 năm qua, Ngân hàng ADB là một đối tác tin cậy của Chính phủ và người dân Việt Nam. ADB đang tiếp tục hỗ trợ dưới hình thức cho vay và ngoài khoản vay để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng đều và nền kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt tại Việt Nam, đồng thời xây dựng nền tảng cho quốc gia đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2023.

Ông Shantanu Chakraborty, quốc tịch Ấn Độ, có bằng thạc sĩ quản lý tại Học viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad, Ấn Độ; bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh về tài chính của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York; và bằng kỹ sư của Viện Công nghệ và Khoa học Birla, Pilani ở Ấn Độ.

Tuần trước, ADB công bố điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay xuống 5,8% từ mức 6,5% đưa ra trước đó. Tăng trưởng năm 2024 cũng được điều chỉnh xuống còn 6,2% (trước đó là 6,8%). Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.

Trước đó, trong báo cáo công bố tháng 4/2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 6,5% và tăng lên 6,8% trong năm 2024. Khi đó, ADB nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này.

ADB không phải là tổ chức duy nhất hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo, GDP Việt Nam năm nay dự kiến tăng khoảng 4,7% (thấp hơn 1,1% so với dự báo trước) do nửa đầu năm chịu áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, tác động đến xuất khẩu. Ngân hàng UOB của Singapore dự báo tăng trưởng Việt Nam dự kiến đạt 5,2%, thay vì mức 6% như dự báo hồi đầu năm.

Việt Linh