Điểm tin kinh doanh 25/7: Giá vàng giảm dần đều
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 25/07/2023
- Giá vàng giảm dần đều
Việc Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất đang khiến giá vàng lao dốc.
Phiên giao dịch hôm 24/7, giá vàng thế giới chỉ còn 1.960 USD/ounce, tương đương 56,4 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong suốt 1 tuần qua, giá vàng đã liên tục giảm khi đạt đỉnh cao nhất là 1.978 USD/ounce, tương đương 56,9 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, việc giá vàng giảm cũng không phải quá lo lắng vì mức giảm thấp và nằm trong kỳ vọng giới đầu tư. Sức ép lên giá vàng lúc này vẫn là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố quyết định lãi suất vào ngày mai. Hầu hết giới chuyên gia đều đồng thuận Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%.
Tuy nhiên, xu hướng giá vàng trong tương lai vẫn nằm ở việc Fed sẽ có quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2023 hay sẽ quay đầu cắt giảm lãi suất.
Ông Ryan McKay, chuyên gia phân tích Ngân hàng TD Securities, cho biết đến tháng 9, Fed sẽ có quyết định lãi suất tiếp theo. Do đó, tổ chức này có nhiều thời gian để theo dõi và phân tích dữ liệu kinh tế. Tương đồng, giá vàng cũng sẽ có khoảng lặng và khó tăng mạnh mẽ trong thời gian này. Nhưng một khi Fed ra tín hiệu kết thúc tăng lãi suất, vàng sẽ tăng tốc.
Hôm 24/7, vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường là 57,1 và 67,1 triệu đồng/lượng.
- DKSH và SciGen hợp tác cung cấp thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam
Vừa qua, DKSH đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với SciGen, công ty dược phẩm sinh học trong hoạt động cung cấp sản phẩm Zometa tại thị trường Việt Nam. Sau khi nhập khẩu, các sản phẩm sẽ được phân phối bởi các đối tác địa phương của DKSH tại Việt Nam.
Theo đó, sản phẩm Zometa của SciGen sẽ được tiếp cận một cách rộng rãi ở thị trường Việt Nam nhờ vào khả năng cung cấp các dịch vụ phát triển thị trường của DKSH. Sản phẩm Zometa (Zoledronic acid), hoạt chất trúng đích đến xương điều trị các biến chứng liên quan đến xương trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư và đa u tuỷ. Sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở tại Châu Âu.
Tiến sĩ Shazli Ahmed Khan, Giám đốc Thương mại Khu vực cho các Thị trường Phát triển tại Châu Á của SciGen, cho biết: “SciGen đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mở rộng trên khắp khu vực Châu Á với mục tiêu nâng cao độ nhận diện của sản phẩm cho người dùng có nhu cầu. Vì Việt Nam là một thị trường quan trọng của SciGen tại châu Á, nên công ty nỗ lực hợp tác với các tổ chức y tế địa phương để đạt được mục tiêu mang đến lợi ích cho bệnh nhân”.
- Doanh số bán xe của thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1 triệu ô tô vào năm 2028, đạt 3,5 triệu ô tô vào năm 2040
Đó là thông tin dự báo được bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam chia sẻ tại buổi giới thiệu Triển lãm ngành công nghiệp dịch vụ ô tô 2023 diễn ra cách đây không lâu.
Đánh giá về xu hướng ngành ô tô, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo Việt Nam, bà Bùi Thị Hồng Hạnh cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam luôn lớn hơn kim ngạch nhập khẩu, cho thấy cán cân thương mại luôn xuất siêu. Trong trị giá hàng xuất khẩu hơn 70% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong số đó 70% được cung cấp từ các nhà sản xuất. Qua đó thể hiện doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn về công nghiệp hỗ trợ, tạo ra được giá trị lõi, có chuyên môn và chất lượng hơn.
“Từ số liệu dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), quyền sở hữu sẽ đạt một triệu ô tô vào năm 2028, đạt 3,5 triệu ô tô vào năm 2040, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sản xuất xe điện ngày càng tăng”. - Bà Hạnh thông tin.
Bên cạnh đó, theo bà Hạnh, số lượng ô tô bán ra thị trường mỗi năm một tăng, chỉ tính riêng năm 2022, số lượng ô tô bán ra thị trường trên 510.000 chiếc; dự kiến đến năm 2025, số lượng xe ô tô bán ra sẽ đạt 890.000 xe.
Tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, lắp ô tô trong nước cũng tăng mạnh. Nhà nước đã ban hành ưu đãi thuế cho xe điện trong vòng 3 năm, đưa thuế Tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe điện sản xuất trong nước về 3%, giảm phí trước bạ về 0% đối với các dòng xe điện.
- Walmart tìm kiếm 6 ngành hàng trước thềm sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023
Walmart ưu tiên tìm kiếm 6 ngành hàng trước thềm đại sự kiện thu mua tại chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023.
Trong quá trình làm việc với Walmart để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Vietnam International Sourcing 2023 tổ chức từ ngày 13-15/9 tới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông lớn trong ngành bán lẻ Hoa Kỳ sẽ tập trung thu mua sản phẩm tại 6 ngành hàng chính, đồng thời cũng đưa ra hàng loạt lời khuyên cho doanh nghiệp trong nước có mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị của Tập đoàn.
Theo thông tin mới nhất, 6 lĩnh vực mà Walmart mong muốn tìm đối tác thông qua chuỗi sự kiện này bao gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Ban tổ chức cho biết, Walmart là một trong rất nhiều như tập đoàn lớn sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…
Bên cạnh các tập đoàn lớn, sự kiện cũng có sự góp mặt của khoảng 150 đoàn thu mua quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác mua hàng trong nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...
- Giá gạo tăng vọt sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Giá gạo trắng thông dụng 5% tấm đang tăng giá mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, các bên giao dịch thận trọng chờ thiết lập mặt bằng giá gạo
Ngày 24/7, một thương nhân xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho biết các loại gạo trắng thông dụng (OM18, IR50401) vừa tăng thêm 500 đồng/kg gạo nguyên liệu sau khi Ấn Độ chính thức có lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo.
Trước đó, khi có tin đồn Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì mặt hàng này đã tăng 500 đồng/kg.
Như vậy từ khi xuất hiện tin đồn đến nay, giá gạo nguyên liệu trong nước đã tăng 1.000 đồng/kg. Quy ra giá xuất khẩu, gạo 5% tấn đã tăng khoảng 50 USD/tấn, tương đương khoảng 580 – 590 USD/tấn.
"Doanh nghiệp (DN) nào có sẵn hàng trong kho thì mới mạnh dạn chào giá và ký hợp đồng. Còn lại tiếp tục chờ mặt bằng giá được xác lập" – thương nhân này nói.
Đây là mức giá rất cao khi giá bình quân gạo xuất khẩu của Việt Nam 5 tháng đầu năm là 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo thương nhân này, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thương mại toàn cầu nên có thể nước này chỉ cấm xuất khẩu tạm để ổn định giá gạo trong nước. Sau đó, Ấn Độ sẽ dỡ bỏ dần lệnh cấm trước sức ép an ninh lương thực nhiều nước.
- Xuất khẩu 7 tháng bằng cả năm 2022, ngành rau quả kỳ vọng xác lập kỷ lục mới
Với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022 (3,16 tỷ USD), ngành hàng rau quả Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới.
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022.
Nguyên nhân là do nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, xuất khẩu toàn ngành rau quả chịu ảnh hưởng nặng bởi chính sách Zero-Covid để phòng chống dịch của Trung Quốc, chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021.
Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.