Điểm tin kinh doanh 23/7: Giá vàng đợi tín hiệu của Fed

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/07/2023

Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới; Cổ đông lớn nước ngoài đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu của Vinamilk
gia-vang-hom-nay-77-giam-manh-sau-bao-cao-viec-lam-tai-my-1431.jpg

- Giá vàng đợi tín hiệu của Fed

Giá vàng trong nước và thế giới đã ghi nhận tuần khởi sắc nhờ đà tăng trước đó.

Tới đây, giá vàng đang đợi cơ hội tăng trong bối cảnh Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) được cho sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/7 tới.

Giá vàng SJC hôm 22/7 tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,4 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,5 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng trong nước giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (17/7), liên tiếp sau đó là những phiên giao dịch tăng giảm đan xen đến cuối tuần.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.962,85 USD/ounce, rời khỏi mức cao nhất 2 tháng ghi nhận vào phiên 19/7. Tuy nhiên, giá kim loại này vẫn tăng 0,4% trong cả tuần qua. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ mất 0,2%, xuống 1.966,60 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD đã tăng 0,2% trong phiên này, lên mức cao nhất trong hơn một tuần sau khi Mỹ công bố dữ liệu khá tích cực về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.

Chiến lược gia Thị trường cấp cao Daniel Pavilonis tại Công ty Môi giới đầu tư RJO Futures cho biết: "Thông thường, chúng ta sẽ thấy thị trường vàng trầm lắng trước khi Fed công bố quyết sách về lãi suất. Tôi nghĩ rằng lãi suất sẽ vẫn tăng trong tương lai gần".

Chiến lược gia Daniel Pavilonis, ngoài ra, giá vàng đang gặp khó khăn khi vượt mốc 2.000 USD/ounce và kim loại này đang mắc kẹt ngay giữa phạm vi 1.900-2.000 USD/ounce trong một thời gian khá dài.

Fed được cho sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/7 tới. Giới phân tích cho rằng, đây sẽ là lần tăng cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian qua của Fed, qua đó đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong khoảng hai tháng vào ngày 19/7.

Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường Han Tan của Công ty quản lý tài sản toàn cầu Exinity cho biết: "Nếu Fed dội một gáo nước lạnh vào quan điểm rằng lộ trình tăng lãi suất của họ sắp kết thúc, điều đó có thể khiến giá vàng xóa sạch gần như các mức tăng gần đây và quay trở lại mức giữa 1.900 USD/ounce".

- Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới

Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Thông tin này được đưa ra tại diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM.

Cụ thể, theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,546 tỷ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 35,9% so với kế hoạch năm 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6 xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do suy giảm kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ chậm; lạm phát và lãi suất tăng cao tại Mỹ, EU, Hàn Quốc; tồn kho nhiều, các nhà nhập khẩu ráo riết giải phóng hàng tồn; các nước Indonesia, Ecuador thu hoạch sớm tôm với sản lượng và kích cỡ tôm cạnh tranh với tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành tôm Việt cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh; nguồn giống còn bị phụ thuộc nhiều, khó kiểm soát chất lượng; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; liên kết chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, hiệu quả…

- Cổ đông lớn nước ngoài đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu của Vinamilk

Công ty Fraser and Neave, Limited (sở hữu 100% vốn của Công ty F&N Dairy Investments Pte. Ltd, cổ đông lớn của Vinamilk) lại đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM sau nhiều lần mua hụt.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk- mã chứng khoán VNM) vừa công bố ông Lee Meng Tat (quốc tịch Singapore) đã đăng ký mua vào 20,9 triệu cổ phiếu.

Theo đó, ông Lee Meng Tat là Giám đốc Fraser and Neave, Limited. Đơn vị này hiện sở hữu 100% vốn của F&N Dairy Investments Pte. Ltd (là cổ đông sở hữu 17,69% cổ phiếu VNM). Thời gian mua vào dự kiến từ ngày 26-7 đến 24-8. Nếu giao dịch thành công, nhà đầu tư này sẽ nâng số cổ phiếu VNM sở hữu lên 390.652.413 cổ phiếu, tương ứng 18,69%.

Trước đó, đầu tháng 12-2022 và đầu tháng 1-2023, đơn vị này cũng đã đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM, nhưng giao dịch bất thành do điều kiện thị trường không phù hợp. Đây không phải là lần đầu đơn vị này mua hụt cổ phiếu VNM mà tháng 11-2022, họ đã đăng ký nhưng cũng chưa được.

Một cổ đông lớn khác là Platinum Victory Pte Ltd cũng liên tục đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM nhằm tăng sở hữu từ 10,62% lên 11,62% vốn điều lệ nhưng bất thành.

Năm 2022, số lần đăng ký mua vào cổ phiếu VNM của cả 2 đơn vị này lên tới 12 - 14 lần nhưng đều không thành. Tỉ lệ sở hữu vẫn như cũ, ở mức 17,69% với F&N Dairy Investments và 10,62% với Platinum Victory Pte. Ltd.

Có thể nhận định việc đăng ký sẵn thông tin của 2 đơn vị này nhằm mục đích sẽ mua ngay khi thị trường có biến động xấu, giá cổ phiếu giảm để không bị vi phạm quy định của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, VNM thực tế không giảm nhiều trong thời gian qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VNM nằm ở mức giá 73.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá đầu năm 2023. Còn trong năm 2022, dù nhiều cổ phiếu toàn thị trường giảm sâu nhưng VNM chỉ giảm nhẹ chưa tới 6%.

Vinamilk cũng vừa thông báo ngày 4-8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền cho đợt cuối năm 2022 và đợt 1 năm 2023, với tỉ lệ 24,5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VNM được nhận 2.450 đồng). Ngày thanh toán dự kiến là ngày 5-10 tới.

Trước đó, chiều 6/7, Vinamilk sau 47 năm đã công bố nhận diện thương hiệu mới nhằm nâng tầm với chiến lược và định vị mới.

Việt Báo (Tổng hợp)