Kinh tế vĩ mô suy thoái và thiếu nhân công tại Mỹ, TSMC bị khó khăn 'bủa vây'
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 18:31, 22/07/2023
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết họ sẽ lùi thời gian bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở Arizona đến năm 2025 do thiếu công nhân lành nghề và kỹ thuật viên cần thiết để lắp đặt thiết bị chuyên dụng.
Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn quan trọng để xử lý và lắp đặt một số "thiết bị tiên tiến nhất" tại cơ sở sản xuất chip hiện đại đầu tiên ở Mỹ. Trước đó, công ty dự kiến bắt đầu vận hành nhà máy vào cuối năm sau.
“Chúng tôi đang gặp phải một số thách thức nhất định do không đủ số lượng công nhân lành nghề với chuyên môn chuyên sâu cần thiết để lắp đặt thiết bị trong một cơ sở cấp chất bán dẫn”, Liu nói rằng TSMC đang phải điều động kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm từ Đài Loan sang để xử lý vấn đề này.
“Chúng tôi hy vọng lịch trình sản xuất của công nghệ xử lý N4 sẽ được đẩy sang năm 2025", chủ tịch hãng đúc chip hợp đồng lớn nhất thế giới cho biết, đề cập đến công nghệ sản xuất chip 4 nanomet.
“Phong vũ biểu” của ngành công nghệ
TSMC, công ty sản xuất chip cho các tên tuổi lớn toàn cầu như Apple, Qualcomm và Nvidia, được coi là phong vũ biểu của ngành công nghệ nói chung. Trong tuần này, nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan một lần nữa giảm triển vọng tăng trưởng cả năm do thị trường Trung Quốc phục hồi chậm và bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài.
Hiện tại, công ty dự kiến doanh thu sẽ giảm 10% so với năm 2022. Vào tháng 4, công ty đã cắt giảm mục tiêu doanh thu hàng năm từ mức tăng trưởng nhẹ xuống mức giảm “trung bình một chữ số”.
Kết quả kinh doanh quý mới nhất, nhà đúc chip hợp đồng lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận giảm kể từ năm 2019 khi thị trường điện tử tiêu dùng suy giảm. Cụ thể, trong quý II/2023, TSMC ghi nhận doanh thu 15,68 tỷ USD, thấp nhất trong 5 quý trở lại đây và thấp hơn 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cũng giảm 23,3% so với một năm trước đó.
“Tất cả liên quan đến kinh tế vĩ mô. Thực tế, lạm phát cao và lãi suất tăng tác động đến tất cả phân khúc thị trường trên thế giới. Sự phục hồi của Trung Quốc cũng chậm hơn kỳ vọng của chúng tôi”, C.C. Wei, CEO TSMC cho biết. “Ngay cả sự gia tăng nhu cầu đối với AI cũng không thể bù đắp chi phí chung trong hoạt động kinh doanh”.
AI “gồng gánh” doanh thu
Bất chấp sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, TSMC đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo do ChatGPT dẫn đầu. Điện toán AI yêu cầu bộ xử lý đồ họa mạnh mẽ do Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) sản xuất, cả hai đều là khách hàng chủ chốt của TSMC.
Giám đốc điều hành AMD Lisa Su, người đang ở Đài Bắc trong tuần này để thăm khách hàng và nhà cung cấp, nói với các phóng viên rằng AI sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong vài năm tới.
"AI đang trong giai đoạn sơ khai của một sự tăng trưởng rất lớn, và là một lĩnh vực đầu tư quan trọng đối với chúng tôi", Su nói. "Chúng tôi tin rằng trong vòng ba đến bốn năm tới thị trường này có thể đạt hơn 150 tỷ USD".
TSMC là nhà sản xuất duy nhất nền tảng MI300 mạnh mẽ của AMD dành cho điện toán hiệu năng cao và điện toán đám mây lớn, được coi là đối thủ chính với H100 từ Nvidia. Trong khi đó, CEO Nvidia Jensen Huang cũng cam kết lâu dài với TSMC xung quanh quy trình sản xuất H100.
Bên cạnh đó, Mark Li, chuyên gia phân tích tại Bernstein Research, cho biết TSMC có thể hưởng lợi từ các đơn đặt hàng bộ xử lý iPhone trong quý hiện tại và sẽ thấy nhu cầu rõ ràng hơn liên quan đến AI trong quý cuối cùng của năm 2023.
"Các đơn đặt hàng AI tăng đột biến vào cuối quý đầu tiên và đầu quý hai", Li nói, đồng thời cho biết thêm "sẽ mất gần sáu tháng để biến những đơn đặt hàng đó thành doanh thu." Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nhu cầu từ PC, điện thoại thông minh Android và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác vẫn thấp hơn dự kiến, điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu của TSMC trong năm nay.
(Theo Nikkei Asia)