Bộ GD&ĐT: Thí sinh có thể kiện trường nếu không công nhận kết quả trúng tuyển sớm
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 18:13, 22/07/2023
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra sáng nay (22/7), nhiều phụ huynh lo lắng đặt câu hỏi về việc thí sinh trúng tuyển sớm mà không được các trường đại học gọi.
"Con có giấy thông báo trúng tuyển sớm của trường, liệu sau khi đăng ký lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT con có bị trượt khỏi ngành đã xét tuyển sớm đó không?", nhiều phụ huynh hỏi.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy khẳng định, với thí sinh đã có thông báo trúng tuyển sớm cần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trên hệ thống chung của Bộ. Thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển.
"Trong trường hợp trên, nếu thí sinh không được trường đại học gọi nhập học thì phụ huynh, các em có thể làm đơn kiện gửi lên Bộ GD&ĐT. Chúng tôi sẽ giải quyết đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh", bà Thủy nhấn mạnh.
Đặc biệt, Vụ trưởng lưu ý thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Và các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Theo bà, cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.
Một phụ huynh khác băn khoăn "giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, các trường có xét tuyển bình đẳng không hay ưu tiên nguyện vọng 1 trước?".
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy thông tin, về phía các trường, trong đợt 1 tuyển sinh thì nguyện vọng 1 hay nguyện vọng 10, nguyện vọng 100 đều xét tuyển như nhau. Việc xét tuyển sẽ từ điểm cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu.
Việc xếp thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Vì hệ thống xét tuyển sẽ chạy lọc ảo, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Vì thế, thí sinh cần lưu ý xếp những nguyện vọng mình thích, thấy phù hợp lên trên, bà Thuỷ nói.
Hiện cả nước có 390.000 thí sinh đã đăng ký nguyện vọng, còn khoảng hơn 550.000 thí sinh chưa đăng ký. Các em còn 8 ngày nữa để tiếp tục đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng.
Với những thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng, bà Thủy cho rằng các em nên bổ sung thêm nhiều nguyện vọng khác vì nếu có rủi ro, hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Thí sinh nên xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất và cảm thấy phù hợp nhất lên đầu.