Con trúng tuyển 15 trường đại học, phụ huynh vẫn lo trượt khi Bộ GD&ĐT lọc ảo
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 15:19, 22/07/2023
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 diễn ra sáng nay (22/7), một phụ huynh ở Hà bày tỏ lo lắng dù con đã trúng tuyển sớm vào 15 trường đại học theo các phương thức khác nhau, nhưng gia đình vẫn lo con trượt sau khi đăng ký xét tuyển lên hệ thống chung và chạy lọc ảo của Bộ GD&ĐT.
"Bộ GD&ĐT lọc ảo giống như quay sổ xố", phụ huynh nói và mong các chuyên gia, lãnh đạo Bộ giải đáp thắc mắc về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thứ tự ưu tiên với những thí sinh đã trúng tuyển sớm vào các trường đại học.
Giải đáp lo lắng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Các thí sinh đã trúng tuyển sớm, cần lưu ý vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký lên hệ thống của Bộ và nộp lệ phí đúng quy định.
Theo thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Và các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Vụ trưởng nhấn mạnh thêm, cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển. Theo đó, cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất, đủ điều kiện đỗ.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích chưa trúng tuyển lên trên.
"Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt, quý phụ huynh hãy yên tâm", ông Khánh nhấn mạnh.
Tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh ở khu vực TP.HCM, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường đại học nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng.
Ông đề nghị các thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.
"Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30/7", TS Phạm Như Nghệ nói.