'Chuyến bay giải cứu' và tình thế doanh nghiệp đưa hối lộ
Pháp luật - Ngày đăng : 07:28, 21/07/2023
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước vào thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng là chủ trương nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Chủ trương đúng đắn, kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập và cũng là giúp công dân Việt Nam được trở về nước trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Nhưng một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp này của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để chi phí, “bôi trơn”, đưa hối lộ...
Doanh nghiệp gặp khó
Tại tòa, nhiều doanh nghiệp không giấu được thái độ bức xúc khi trình bày về việc mình bị “vòi tiền”. Trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa, bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An) trình bày: Nếu bị cáo không chấp nhận chi tiền hối lộ thì sẽ có nguy cơ không được cấp phép chuyến bay.
“Đối với khách lẻ, nếu không chi phí, chắc chắn không được phê duyệt cấp phép chuyến bay. Khách lẻ cũng từng nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng nhưng không xin được”, bị cáo Vũ Minh Thắng khai.
Theo lời khai của bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasu), dù bị gây khó khăn, nhưng lúc đầu bị cáo nhất quyết không đưa tiền. Khi nhận ra việc nếu không “bôi trơn” thì không thể kinh doanh, cuối cùng bị cáo phải liên hệ, xin gặp ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế).
Khi đó, ông Kiên đã quát bị cáo, nói rằng đã nộp cho anh Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 150 triệu đồng/chuyến thì cũng phải đưa cho ông Kiên số tiền tương tự.
Còn ông Vũ Anh Tuấn thì nói với bị cáo rằng, nếu không nộp tiền cho ông ta thì không được cấp phép chuyến bay và nếu bị cáo không đưa 150 triệu đồng/chuyến bay, ông Tuấn không có gì để đưa cho sếp.
Chiều 20/7, trong phần tự bào chữa, bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hàng không Minh Ngọc) trình bày: Vì muốn kiếm thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên công ty, bị cáo đã nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay.
Tuy nhiên, 2-3 lần bị cáo nộp hồ sơ lên Cục Lãnh sự nhưng không được cấp duyệt. Thời điểm đó, bị cáo đã xuống tiền đặt cọc thuê máy bay, khách sạn, việc không được cấp phép chuyến bay khiến bị cáo rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Cuối cùng, bị cáo Hồng đã phải chi tiền hối lộ để được cấp phép chuyến bay. Theo cáo buộc, bà Hồng đã đưa hối lộ 21 lần, số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Võ Thị Hồng, luật sư cho rằng, thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các công ty, doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn. Khi Chính phủ có chính sách đưa người Việt Nam về nước bằng những chuyến bay combo khiến các công ty du lịch như “trời hạn gặp mưa rào”.
Theo luật sư, đa số những bị cáo là đại diện các doanh nghiệp bị đưa ra xét xử họ đều không muốn phải đưa tiền hối lộ, bởi vốn dĩ tiền đối với doanh nghiệp đã quý báu, trong hoàn cảnh đó còn quý báu hơn rất nhiều.
Nhưng các doanh nghiệp đã từng nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay mà không có kết quả. Họ cũng không được giải thích vì sao hồ sơ của công ty không được phê duyệt. Rồi vì tính cấp thiết của doanh nghiệp, vì những mong muốn đưa được công dân về nước, các đại diện doanh nghiệp đã phải đưa hối lộ và họ phải đứng trước tòa hôm nay. Theo đại diện VKS, các doanh nghiệp muốn tìm kiếm lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh, họ có ý thức trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt. Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin - cho của một số đối tượng trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.