Đã thi hành án xong trên 70.000 tỷ đồng trong 9 tháng

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:00, 20/07/2023

Thi hành án dân sự đã thi hành xong 382.000 việc với trên 70.278 tỷ đồng (tăng hơn 18.111 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Từ nay tới cuối năm tập trung thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, sáng 20/7, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực.

Ngành tư pháp đã tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đã thi hành án xong trên 70.000 tỷ đồng trong 9 tháng - 1

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp (Ảnh: Lê Huy).

Bộ Tư pháp tham gia với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật"; tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19.

9 tháng qua (thời gian tính theo tổng kết của năm liền trước), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 382.000 việc (tăng 33.568 việc) với trên 70.278 tỷ đồng (tăng hơn 18.111 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, với 897 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 539 việc, số tiếp nhận mới là 358 việc; đến nay đã thi hành xong 216 việc (tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022).

Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử để triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam; hoàn thành kết nối 58 dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Bộ Tư pháp cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04-CT/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Từ nay tới cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Đặc biệt sẽ tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2023.

Thế Kha