Bị cáo vụ 'chuyến bay giải cứu' day dứt vì đẩy vợ vào con đường phạm tội
Xã hội - Ngày đăng : 12:28, 20/07/2023
Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh tự bào chữa.
Sáng 20/7, ngày làm việc thứ tám của phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", các luật sư tiếp tục bào chữa cho hành vi phạm tội của các bị cáo.
Bào chữa cho 2 bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, và Vũ Thuỳ Dương - Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, luật sư Nguyễn Khánh Toàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoàn toàn đồng ý với tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố, luận tội đối với 2 thân chủ của mình.
Sau khi trình bày hàng loạt sự đóng góp đối với xã hội của Công ty Lữ Hành Việt nói chung, thân chủ của mình nói riêng trong thời điểm dịch COVID-19, luật sư Nguyễn Khánh Toàn nhấn mạnh, hoàn cảnh của gia đình Nguyễn Tiến Mạnh và Vũ Thuỳ Dương đặc biệt éo le.
"Bị cáo Mạnh và bị cáo Dương đang sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng, hôm nay lại cùng đứng ở vành móng ngựa. Điều này quá xót xa và đau lòng", vị luật sư nói.
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn giải thích thêm, trên thực tế bị cáo Mạnh và bị cáo Dương sống với nhau, đã có con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn.
"Chúng tôi đã có đơn đề nghị với Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, đáng lẽ thực hiện việc kết hôn trong quá trình bị tạm giam, trong hoàn cảnh cực đoan nhưng không thực hiện được việc này", ông Mạnh nói thêm và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh cũng nêu rõ, tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Vũ Thuỳ Dương là vợ của bị cáo.
"Tại thời điểm dịch COVID-19, bị cáo Dương đang nuôi con nhỏ 1 tuổi. Tất cả hành vi bị cáo Vũ Thuỳ Dương thực hiện đều do sự chỉ đạo của bị cáo, điều này đã thể hiện trong cáo trạng. Có thể có nhiều cách diễn đạt nhưng sự thật là bị cáo sai khiến bị cáo Dương làm việc đó. Chính bị cáo đã đẩy vợ bị cáo vào con đường phạm tội", bị cáo Mạnh nhấn mạnh.
Một lần nữa khẳng định bản thân đã đẩy vợ vào vòng lao lý, phạm tội, bị cáo Mạnh nghẹn giọng: "Bị cáo kính mong HĐXX nhân văn, nhân đạo, rộng lượng với gia đình bị cáo, cho vợ bị cáo là Vũ Thuỳ Dương được ở ngoài xã hội để làm công dân, làm nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, làm bổn phận của vợ đối với chồng đi tù".
Nói về hành vi phạm tội, Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, chuyến bay ngày 24/11/2020 (hạ cánh tại sân bay Vân Đồn) và ngày 25/3/2021 (hạ cánh sân bay Đà Nẵng) được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá với kết quả cao, có những tiêu chí thể hiện bằng con số đều trên 98%. Những công dân đi trên các chuyến bay này cũng rất tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bị cáo Mạnh cho hay, sau những chuyến bay thành công như vậy, bị cáo nhận được rất nhiều cuộc gọi của công dân đăng ký về trên các chuyến bay giải cứu. Với những kinh nghiệm có sẵn, để việc xin cấp phép chuyến bay thuận lợi, bị cáo đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu chọn khách sạn, làm việc với địa phương, đào tạo nhân viên, thuê máy bay...
"Bị cáo cũng rất chú ý đến tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, người già, người có bệnh nền... Bị cáo đã lập danh sách hơn 1.000 công dân đáp ứng các tiêu chí và tin tưởng rằng dù xét duyệt bằng hình thức nào thì doanh nghiệp mình cũng sẽ được cấp phép", Mạnh kể.
Nhưng theo lời Mạnh, hồ sơ cấp phép chuyến bay của Công ty Lữ Hành Việt không được xét duyệt, bị cáo thất vọng và không biết trả lời với công dân đã đăng ký như thế nào. Vậy nên bị cáo quyết tâm mình phải cố gắng xin bằng được chuyến bay để đưa công dân về.
"Trước HĐXX bị cáo khẳng định chính những hành vi mập mờ trong khâu xét duyệt đã thúc ép bị cáo cũng như các đồng nghiệp đứng ở đây ngày hôm nay", bị cáo Mạnh nói về hành vi đưa hối lộ.
Cũng theo Mạnh, trong suốt quá trình xin cấp phép, bị cáo không tiếp xúc với ai có thẩm quyền cấp phép chuyến bay mà thông qua bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) với tư cách là người làm dịch vụ, cộng tác viên của Công ty Lữ Hành Việt. Bị cáo Mạnh giao cho Kiếm đi xin cấp phép chuyến bay.
"Mục đích của bị cáo chỉ mong muốn có được việc làm, có được chuyến bay đưa công dân về nước. Cho đến khi cơ quan an ninh điều tra công bố kết luận thì bị cáo mới biết bị cáo Kiếm dùng một phần tiền mà bị cáo đưa cho để hối lộ cho một số tổ chức, cá nhân cấp phép. Bị cáo nhận thức rất rõ đó là hành vi phạm tội", Mạnh nói và mong muốn HĐXX công tâm xem xét quá trình, động cơ của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trước đó, sáng 17/7, sau khi công bố bản luận tội, Viện Kiểm sát đưa ra mức án đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, mức án 7-8 năm tù với hành vi đưa hối lộ gần 28 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Thùy Dương - Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa hối lộ hơn 24 tỷ đồng bị đề nghị mức án 2-3 năm tù.