Xót xa cụ già 90 tuổi bán vé số mưu sinh
Tổ ấm - Ngày đăng : 21:11, 19/07/2023
Khó khăn chồng khó khăn
Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình lại đông anh chị em, nên ngay từ bé bà Hường có tính tự lập, biết cách vun vén.
Lấy chồng khá muộn, khi tuổi bước sang 32 tưởng chừng bà Hường sẽ có một gia đình êm ấm. Nhưng không lâu sau, chồng bỏ theo người mới để một mình bà nuôi 3 người con.
Rồi tới khi người chồng phụ bạc mất đi, bà Hường từ chối tất cả những lời mai mối và tự tay nuôi 3 người con lớn khôn. Tần tảo nuôi con, thử qua nhiều công việc từ đẩy xe bán bánh bèo, bánh bột, cho đến gánh bún riêu, rồi cũng tích góp mua được căn nhà.
Tưởng chừng cuộc sống đến đấy là được yên ổn thì người con trai đầu qua đời, người con gái thứ hai cũng không qua khỏi vì bị bệnh hiểm nghèo. Bao nhiêu tiền trong nhà đều dồn hết cho viện phí, khi đó bà phải đi xin tiền hàng xóm để lo đám tang cho con.
Thế rồi cụ và con gái phải ở nhà thuê đến tận bây giờ, “Tôi già rồi, người ta không có cho ở, người ta bảo già rồi sợ chết trong nhà người ta nên người ta không cho ở nữa, người ta đuổi đi" cụ Hường nói.
Phải chuyển đi hết nơi này đến nơi khác mà chẳng ai cho 2 mẹ con cụ ở vì sợ mang phiền, may sao cũng chuyển được đến chỗ ở hiện tại, rộng rãi và mát mẻ hơn. Tuy nhiên, mẹ con cụ Hường cũng phải trả số tiền nhiều hơn, mỗi tháng phải chi gần 4 triệu đồng tiền nhà.
Con trai đầu và con gái út của bà cũng có con cái nhưng vì điều kiện kinh tế chẳng mấy khá giả nên cũng không giúp được nhiều. Người con thứ là cô Vũ Thị Huệ (63 tuổi) thì cũng ở vậy nên chỉ có 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau.
“Phải đi chứ, không đi bán lấy gì mà sống"
Cân nặng vỏn vẹn 29kg, đầu tóc bạc trắng, da dẻ chi chít đồi mồi, giọng thì run rẩy, nhưng mỗi ngày cụ Hường vẫn đều đặn đi bán từ 9h sáng đến 12h trưa, có ngày bán được 50.000 có ngày 70.000.
Dẫu sức khỏe già yếu, đi lại khó khăn nhưng cụ cũng chẳng dám nghỉ bán ngày nào: “Cũng ráng mà lăn lóc phụ giúp với con, bán được đắt thì mừng chứ bán ế không đủ tiền nhà người ta nói nặng nói nhẹ, khổ lắm" cụ Hường chia sẻ.
Một bên mắt bị hỏng hoàn toàn còn một bên thì chỉ nhìn thấy được 30%, tai thì không nghe rõ, phải nói lớn. Tuổi già ăn uống khó khăn, lo nghĩ nhiều nên thường xuyên mất ngủ.
“Con bới cho chén cơm ăn tối ngày, ăn được một hoặc hai miếng thì cất đi, khi nào đói ăn tiếp, ăn 3,4 lần mới hết chén cơm nhỏ, nuốt không xuống có canh cũng không có xuống” cụ kể.
Còn cô Huệ, con gái giữa của cụ, nối nghiệp bán bún riêu tới nay cũng được gần 20 năm. Mỗi tô 15.000- 25.000, bán từ 12h trưa mỗi ngày đến khi hết hàng. Tiền lời chỉ khoảng 200.000 đồng. Ngoài chi phí nhà trọ, cơm nước, hai mẹ con thỉnh thoảng tốn thêm tiền thuốc men.
Mái tóc cũng bạc hết nửa đầu, cô Huệ tâm sự: "Nhìn mẹ già mà phải đi bán tôi cũng đau lòng lắm mà biết sao bây giờ. Tôi khuyên ở nhà vì trời nắng quá, mà má nói đi bán cho khuây khỏa người, lại có thêm tiền đóng tiền nhà".
Dẫu cuộc sống có vất vả, chỉ còn có 2 mẹ con ngày ngày bên nhau, nhưng may mắn hàng xóm luôn nhiệt tình giúp đỡ. Cụ Hường cũng được hưởng trợ cấp người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo với mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng. Ngoài ra, phường cũng hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hai mẹ con.
Bày tỏ về ước muốn lớn nhất của mình, cụ Hường chỉ mong khoẻ mạnh để đi bán nuôi sống bản thân và phụ giúp con gái.