Tân Sơn Nhất kiểm soát chim trời, mèo hoang để đảm bảo an toàn bay

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:48, 19/07/2023

Đó là một trong các nội dung Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sơ kết an toàn đường cất hạ cánh 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó còn một loạt tồn tại liên quan đến an toàn bay.

Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, thời gian qua, sân bay không có vụ việc uy hiếp đến an toàn đường cất hạ cánh (CHC); đồng thời kiểm soát tốt theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và chỉ số an toàn đạt mục tiêu.

Tân Sơn Nhất kiểm soát chim trời, mèo hoang để đảm bảo an toàn bay - 1

Qua thống kê so với cùng kỳ năm 2022, lượng khách qua cảng tăng 52,2% kéo theo số lượt CHC tăng 28,2% (Ảnh: Ip Thiên).

Tuy nhiên, các đơn vị tại cảng đề cập đến nhiều vấn đề còn tồn tại và yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp đặc biệt. Trong đó bao gồm vi phạm an toàn tĩnh không (các trường hợp thả flycam hay vật thể bay); kiểm soát động vật hoang dã, chó mèo hoang trong khu vực hoạt động bay.

Theo đó, cảng tiếp tục duy trì phối hợp các đơn vị quân đội (F370, F367), Cảng vụ Hàng không miền Nam và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền và xử lý hiệu quả các trường hợp nuôi thả chim bồ câu tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), chó nuôi tại khu vực đóng quân canh phòng.

Các đơn vị cũng tăng cường biện pháp kiểm soát mèo hoang trong khu vực hoạt động bay. Do sân bay tiếp giáp nhiều khu dân cư, động vật từ bên ngoài có thể lọt vào khuôn viên. Ngoài ra, tại khu vực nhà để xe và nhiều ngóc ngách quanh các nhà ga cũng có mèo hoang xuất hiện.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng đèn laser chiếu vào tàu bay, sử dụng tàu bay mô hình, flycam, các phương tiện bay siêu nhẹ như diều vào khu vực cấm, tiếp cận 2 đường CHC sẽ bị xử lý theo pháp luật bởi Bộ Tư lệnh, Công an TPHCM, Cảng vụ, Cảng hàng không và chính quyền địa phương.

Tân Sơn Nhất kiểm soát chim trời, mèo hoang để đảm bảo an toàn bay - 2

Máy bay của hãng T'way Air Hàn Quốc bị vật thể bay lạ va đập gây lõm móp khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2019 (Ảnh: Cảng HKQT TSN).

Tháng 11/2019, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm cấm bay flycam 8km quanh các sân bay sau 2 sự cố tàu bay Việt Nam bị móp mũi che rađa, đề phòng rủi ro, đe dọa của vật thể bay chưa xác định đối với hàng không dân dụng.

Còn vào tháng 5/2021, máy bay chuẩn bị hạ cánh trên đường băng Tân Sơn Nhất đã phải điều chỉnh tiếp cận để tránh chiếc diều ngay bên trái tàu bay để tránh va chạm nguy hiểm.

Quá trình điều khiển phương tiện, trang thiết bị của cán bộ, nhân viên các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, phục vụ kỹ thuật tàu bay sẽ được giám sát, đặc biệt phải kịp thời phát hiện và xử lý hành vi cắt đuôi tàu bay tại các "điểm đen" (hot spots - vị trí từng hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm hoặc xâm nhập đường CHC).

Trong thời gian từ 15/7 đến 30/8 là cao điểm Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (vật thể lạ, vật ngoại lai), các đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, thu gom và loại bỏ FOD khu vực bay, đặc biệt là trên đường CHC.

Cũng tại nội dung sơ kết, về nội dung ngăn ngừa và giảm các sự cố tàu bay trong quá trình khai thác, cảng đã chủ động đưa ra phương hướng cho các hãng hàng không cần thông tin đến tổ lái phải tuân thủ nghiêm về việc vận hành, khai thác tàu bay.

Cụ thể, công tác được chú trọng là hướng dẫn tạm thời nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm thời gian chiếm dụng đường CHC, nâng cao hiệu suất sử dụng đường CHC, ví dụ phi công .

Ngoài ra, công tác chống ngập úng khu hoạt động bay cũng được cảng phối hợp cùng Cảng vụ kiểm tra các khu vực trạm trộn bê tông lắng đọng, gây ách tắc dòng chảy mương Nhật Bản nhánh 1 và mương M1 dọc đường lăn V, nhằm đảm bảo phòng chống ngập khu hoạt động bay trong mùa mưa năm nay.

Theo báo cáo công tác đảm bảo an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 41 sự cố, trong đó có 1 vụ tai nạn hàng không, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 9 sự cố).

Theo thống kê của Ban An toàn, Chất lượng thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), số sự vụ hoạt động bay bị ảnh hưởng bởi thời tiết chiếm 50-60% tổng số sự vụ hoạt động bay trong báo cáo an toàn hàng năm, gồm các sự cố như bay chậm, bay chờ, vòng tránh ra ngoài vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam, tiếp cận hụt, quay lại hoặc đi sân bay dự bị…

Tâm Linh