Điểm tin kinh doanh 19/7: Vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước đứng giá

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/07/2023

Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh, VN-Index rung lắc dữ dội ở vùng 1170; Một công ty muốn mua hơn 124 triệu cổ phiếu ngân hàng VIB
gia-vang-hom-nay-18-7-1-1689645643-246-width1400height933.jpg

- Vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước đứng giá

Ngày 18/7, giá vàng nhẫn trong nước giữ nhịp ổn định trong 1 ngày qua, trong khi giá vàng thế giới tăng nhẹ do sự mất giá của đồng USD.

Sáng ngày 18/7, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ ổn định so với hôm trước.

Cụ thể, vàng miếng SJC 9999 loại 1 lượng trở lên niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng miếng SJC 9999 loại 5 chỉ có giá bán ra là 67,22 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC 9999 loại 2 chỉ trở xuống bán ra 67,23 triệu đồng/lượng.

Với các loại vàng khác, giá vàng nhẫn SJC 9999 cũng không có biến động trong 1 ngày qua. Giá niêm yết vàng nhẫn 9999 loại 1 chỉ trở lên hiện ở mức 55,7 triệu đồng/lượng mua vào và 56,7 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn SJC 9999 loại 0,5 chỉ có giá bán là 56,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới sáng ngày 18/7 theo giờ Việt Nam giao dịch tại mức 1.958 USD/ounce trên sàn giao dịch vàng Kitco, tăng 6 USD so với hôm trước.

Tại thị trường thế giới, đồng USD giảm giá hỗ trợ phần nào cho giá vàng. Chỉ số USD Index đã giảm hơn 2% trong tuần trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh sau khi dữ liệu lạm phát được công bố vào hôm 12/7. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của đồng Đô la Mỹ.

- Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh, VN-Index rung lắc dữ dội ở vùng 1170

Sau khi liên tục tăng điểm khá tốt trong những phiên gần đây, thị trường chứng khoán trong nước đã gặp phải áp lực bán tương đối lớn trong ngày hôm nay khiến cho đà tăng của VN-Index phần nào bị chững lại.

Đầu phiên vẫn có những sự tích cực nhất định khi thị trường mở cửa trong sắc xanh. Mặc dù vậy, áp lực điều chỉnh đã nhanh chóng xuất hiện khiến thị trường gặp khá nhiều khó khăn. Thậm chí có lúc VN-Index còn quay đầu giảm điểm. Phải đến những phút cuối thì thị trường mới có thể lấy lại được sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1174.09, tăng nhẹ 0.96 (+0.08%). Thanh khoản có sự sụt giảm so với phiên trước đó khi có hơn 800 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn nghìn 16 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đóng cửa trong sắc xanh nhưng sắc đỏ lại chiếm ưu thế lớn hơn trong ngày hôm nay với 272 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm là 188, còn lại là 59 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

VN30 hôm 18/7 có phần tích cực hơn một chút khi có cho mình mức tăng 2.24 điểm (+0.19%). Tuy nhiên toàn nhóm hôm nay lại có đến 17/30 mã giảm điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là NVL (-1.95%) và PDR (-1.28%) là hai cổ phiếu có mức giảm lớn nhất trong nhóm. Bên cạnh đó còn có một vài cái tên đáng chú ý khác như MWG (-1.23%), VRE (-1.22%) hay VJC (-1.02%). Ở chiều hướng ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp nâng đỡ chỉ số cho cả nhóm và toàn thị trường. Một ai cổ phiếu nổi bật có thể kể đến như TPB (+3.84%), VPB (+2.44%) hay STB (+1.61%).

Nhóm cổ phiếu tăng điểm tốt nhất trong ngày hôm nay chính là ngân hàng. Ngoài những cổ phiếu ở trong nhóm VN30 thì còn có nhiều cái tên đáng chú ý khác như SHB (+3.28%) hay LPB (+0.94%).

Ngoài nhóm ngân hàng thì không có nhóm cổ phiếu tăng điểm thực sự nổi bật do áp lực bán bất ngờ tăng mạnh. Sắc xanh trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ một vài cổ phiếu riêng lẻ, tuy nhiên mức tăng cũng không quá đáng kể.

Ở chiều hướng giảm điểm, thép là nhóm cổ phiếu có mức giảm đáng chú ý nhất trong ngày hôm 18/7. Cả ba cổ phiếu đầu ngành của nhóm là HSG (-2.27%), NKG (-1.80%) và HPG (-0.37%) đều đồng loạt giảm điểm khá mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung.

Bên cạnh thép thì bất động sản cũng là nhóm giảm điểm khá đáng kể. Ngoài NVL (-1.95%) và PDR (-1.28%) ở trong rổ VN30 thì hàng loạt cổ phiếu khác trong nhóm cũng giảm tương đối mạnh. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như HQC (-1.58%), SCR (-1.39%), CII (-1.28%).

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay với giá trị vào khoảng hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, VNM (+185.73 tỷ) là cổ phiếu được tham gia mua ròng đáng chú ý nhất toàn thị trường. Ngoài ra còn có một vài cổ phiếu đáng chú ý khác như VHM (+73.26 tỷ), HCM (+43.34 tỷ), VIC (+39.46 tỷ). Ở chiều hướng ngược lại, VPB (-62.23 tỷ) và TPB (-49.71 tỷ) là hai cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất toàn thị trường.

Khối tự doanh cũng tiếp tục mua ròng trong ngày hôm 18/7 với giá trị đạt mức hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, VCB (+50.03 tỷ) và STB (+38.34 tỷ) là hai cái tên được mua ròng đáng kể nhất. Bên cạnh đó còn có một vài cổ phiếu khác như FPT (+31.60 tỷ), PNJ (+25.42 tỷ) hay CTG (+22.82 tỷ). Ở chiều hướng bán ròng, không có cái tên nào quá đáng chú ý trong ngày hôm 18/7.

- Đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn giai đoạn đến năm 2030

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải tại cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Tổng vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng 27.000 – 42.000 tỉ đồng.

Các cảng cạn là trung tâm kiểm hóa tập trung, tập kết container điểm thông quan loại hàng hóa xuất nhập khẩu cho các tỉnh, thành trong khu vực.

TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải tại cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng này đến năm 2030 khoảng 27.400 – 42.380 tỉ đồng.

Trong đó, tại miền Bắc gồm 42 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,2 – 5,5 triệu TEU (đơn vị quy đổi tương đương một container tiêu chuẩn 20 feet)/năm; miền Trung-Tây Nguyên có 16 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,66 – 0,95 triệu TEU/năm; miền Nam có 43 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8 – 9,3 triệu TEU/năm.

- Một công ty muốn mua hơn 124 triệu cổ phiếu ngân hàng VIB

Công ty cổ phần Funderra vừa đăng ký mua hơn 124 triệu cổ phiếu VIB để đầu tư, trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục tăng mạnh.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của người có liên quan của người nội bộ. Theo đó, Công ty cổ phần Funderra (trụ sở tại TP HCM) là tổ chức có liên quan của người nội bộ là ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB.

Công ty Funderra đăng ký mua hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB tương ứng 4,916% tỉ lệ cổ phiếu ngân hàng này để đầu tư. Dự kiến giao dịch thực hiện từ 21/7 đến 21/8 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Giá trị giao dịch tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VIB ngày hôm nay 20.550 đồng sẽ là khoảng hơn 2.500 tỉ đồng.

Trong một diễn biến khác, cũng theo công bố thông tin của VIB, con trai ông Đặng Khắc Vỹ là Đặng Quang Tuấn đăng ký bán hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB để thay đổi tài chính cá nhân. Phương thức thực hiện là thỏa thuận hoặc khớp lệnh trong thời gian từ 21-7 đến 20-8.

Không chỉ công ty Funderra, một sếp của ngân hàng này cũng vừa đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu VIB. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh là thành viên độc lập của HĐQT VIB, vừa đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu của ngân hàng này để đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 25/7 đến 25/8 theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

- Fed để ngỏ khả năng nâng lãi suất trong nửa cuối của năm 2023

Mặc dù các quan chức Fed thấy tín hiệu tích cực từ việc giá cả giảm bớt áp lực trong tháng trước nhưng họ có vẻ không có ý định tuyên bố chấm dứt cuộc chiến kiểm soát lạm phát kéo dài dai dẳng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7/2023 và vẫn để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất từ nay đến cuối năm.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed để ngỏ khả năng nâng lãi suất sau lần tăng lãi suất đã dự kiến trong tháng 7.

Mặc dù các quan chức Fed thấy tín hiệu tích cực từ việc giá cả giảm bớt áp lực trong tháng trước nhưng họ có vẻ không có ý định tuyên bố chấm dứt cuộc chiến kiểm soát lạm phát kéo dài dai dẳng.

Kinh nghiệm sai lầm của những năm 1970 là lạm phát đã tăng cao lên mức 2 con số khi Fed dừng kiểm soát lạm phát sớm.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng tại cuộc họp cuối tháng này, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này là do tốc độ tăng lạm phát đã giảm nhiều hơn kỳ vọng.

Việt Báo (Tổng hợp)