Từ trào lưu Flex: 'Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:20, 18/07/2023
Giới trẻ đang bàn tán sôi nổi về trào lưu "Flex". Vậy đó là gì? Theo định nghĩa nhiều người chia sẻ, "Flex" là từ lóng của tiếng Anh được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990, chỉ sự phô diễn cơ bắp và sức mạnh của bản thân. Từ này được nhiều ca sĩ nhạc Rap sử dụng trong tác phẩm của mình để chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho những người xung quanh.
Với các bạn trẻ thì "Flex" là từ chỉ việc khoe thành tích cá nhân theo nghĩa tích cực, hài hước trên mạng xã hội. Đây là một nhu cầu rất bình thường của con người, nhất là trong môi trường mạng xã hội, khi chúng ta khoe một bức hình chân dung đẹp, một bài thi được điểm cao, một lần về đích mướt mồ hôi trong giải chạy bộ… thì sẽ đón nhận những lượt like, những lời chúc mừng.
Có lẽ vì vậy, một hội nhóm về trào lưu Flex trên Facebook trong thời gian ngắn đã có hơn 1,1 triệu thành viên, vào đây bạn sẽ thấy những cách khoe rất đa dạng của giới trẻ ngày nay. Tuy nhiên giữa việc "khoe" lành mạnh và "khoe khoang", "khoe mẽ" ranh giới lại rất mỏng manh.
Nhìn rộng ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc… thì trào lưu Flex cũng đang trở thành một hiện tượng xã hội. Một bài viết trên báo Dân trí đã chỉ ra đây là cơ hội để người trẻ có thể lan tỏa những điểm sáng của cá nhân, từ đó tạo nên bức tranh đa dạng màu sắc với những thành tựu đáng được ghi nhận. Nhưng mặt khác, trào lưu này cũng dẫn đến việc khoe khoang cuộc sống xa hoa, hàng hiệu, đồ xa xỉ…
Trào lưu Flex làm tôi nhớ lại buổi nói chuyện với một người bạn. Cậu ấy rất giỏi giang, profile (hồ sơ cá nhân) ai nhìn vào cũng rất ngưỡng mộ. Nhưng hôm đó, cậu ấy nói với tôi rằng: "Quanh em nhiều người giỏi quá, đợt này em luôn thấy bị áp lực".
Khi chúng ta ở trong một môi trường nhỏ, chúng ta đạt được thành tựu và cảm thấy tự hào. Nhưng khi bước ra một vùng biển lớn hơn, leo lên một nấc thang cao hơn, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ có thiên hướng "bình thường hóa" những gì mình đạt được. Lúc này, hệ tham chiếu của chúng ta đã khác, những con người chúng ta tiếp xúc cũng khác, và chúng ta thấy mình nhỏ bé hơn.
Việc "bình thường hóa" những thành tựu cá nhân có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Chúng ta trở nên khiêm tốn hơn, thấy mình cần học hỏi nhiều hơn, phấn đấu nhiều hơn. Nhưng đồng thời chúng ta cũng dễ phủ nhận giá trị của những gì mình làm được.
Bản thân tôi cũng đã trải qua giai đoạn đó. Càng đạt được nhiều thành tựu ở lứa tuổi của mình, càng bước lên cao hơn, tôi càng thấy bản thân thật kém cỏi. Điều giúp tôi vượt qua được giai đoạn này là việc nhận ra dù ở bất kỳ một nấc thang nào, một môi trường nào, ai cũng có những tổ hợp trải nghiệm và hiểu biết làm cho họ có những giá trị riêng. Nếu chỉ nhìn ở một góc hạn hẹp, chúng ta sẽ luôn có cái nhìn sai lệch khi đánh giá người khác.
Trào lưu "Flex" khiến nhiều người được nhìn vào những gì mình thực sự đã làm được, nhắc nhở bản thân: Những việc đó rất đáng tự hào, đừng dìm nó xuống.
Nhưng trào lưu này cũng có thể khiến những người khác cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân. "Ồ, người ta thật giỏi, cảm thấy như mình ở dưới cùng của bậc thang thành tựu".
Có lẽ sẽ hay hơn nếu chúng ta có trào lưu "Bình thường một cách đặc biệt" thay vì "Flex".
Có hai câu thơ quen thuộc là "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời / Mỗi số phận chứa một phần lịch sử". Trên trái đất này mỗi người có một thế mạnh riêng, có những thời điểm và lĩnh vực để tỏa sáng riêng. Vì vậy chúng ta không nên vì gặp một ai đó lúc họ đang tỏa sáng mà nghĩ mình bé nhỏ; cũng không nên vì một thời điểm được đứng trong ánh hào quang mà đánh giá thấp người khác.
Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nhìn được như vậy sẽ thấy thực ra mình không cao hơn ai và cũng không ai cao hơn mình.
Tôi bình thường một cách đặc biệt. Và những người quanh tôi cũng bình thường một cách đặc biệt như vậy.
Tác giả: Trần Thị Thùy Trang học Thạc sỹ ngành "Digital Media Design for Learning" tại Đại học New York. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từng làm quản lý chương trình tại Đại học Fulbright.
Hiện Trang giữ vai trò Biên tập viên nội dung cấp cao (Senior Content Editor) mảng Seller Education tại Amazon Global Selling. Trang cũng đồng sáng lập cộng đồng Vietnam Learning Design Group - Cộng đồng chuyên môn về Thiết kế trải nghiệm học ở Việt Nam.