Cây chò nghìn năm tuổi chết khô vẫn sừng sững giữa rừng Cúc Phương
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:17, 17/07/2023
Rừng Cúc Phương (Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình) có một con đường dài 18km đi sâu vào vùng lõi, song để đến được vị trí cây chò nghìn năm vẫn phải đi bộ trong rừng rậm thêm 7km.
Cây chò này có hai thân, phần gốc cực lớn, chu vi uớc tính 20 người ôm. Người dân sống ở khu vực này cho biết, cây đã chết khô từ khoảng 5 năm về trước, nguyên nhân có thể do cây đã quá già cỗi.
Phần thân trên cây chia làm ba nhánh lớn, thân vươn thẳng, độ cao đạt 50m. Cây chò xanh ngàn năm có tên khoa học là Terminalia myriocarpa. Ảnh chụp từ trên cao cho thấy hai thân có phần ngọn đã bị gãy, thân rỗng, mục ruỗng.
Một nhánh khác nhô cao hẳn trên các tán cây xung quanh, cũng khẳng khiu, trụi lá.
Cây chò xanh nghìn năm tuổi này được biết đến là một trong những cây cổ thụ lớn nhất và có tuổi đời cũng lớn nhất ở Việt Nam.
Hình ảnh tương quan với con người cho thấy độ to lớn của phần gốc cây chò nghìn năm tuổi.
Thời điểm trước, khi cây có dấu hiệu đang chết dần, một hàng rào được dựng lên ngăn không cho du khách tiếp cận quá gần thân cây để tạo điều kiện cho cây phục hồi và cũng tránh cho du khách bị nguy hiểm khi cành cây chò khô gãy rơi xuống.
Thân cây mục, rỗng không còn sự sống.
Cây Chò ngàn năm đã trở thành một biểu tượng, giống như linh hồn của Cúc Phương, ngay cả khi đã chết, vẫn sừng sững, hiên ngang, kỳ vĩ giữa khu rừng nguyên sinh kỳ bí.
Cây chò chết khô giữa rừng lá xanh tươi tốt khiến cho bất cứ ai yêu thiên nhiên cảm thấy luyến tiếc.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Một số loài cây cổ thụ lâu năm ở đây được biết đến như: Chò; đăng; sấu... đều có độ cao từ 50m trở lên.
Dù đã chết song thế cây vẫn tỏ ra vững chãi, phần rễ lan rộng chu vi hàng chục mét. Cây chò này vẫn là một điểm phải đến khi thăm Vườn Quốc gia Cúc Phương.