Thoát hiểm cho nhà ống
Nhịp sống - Ngày đăng : 00:10, 17/07/2023
Liên tiếp những vụ cháy nhà gần đây ở Hà Nội khiến người dân bàng hoàng vì những cái chết quá thương tâm, đặc biệt là với những em nhỏ.
Ngày 13/5, vụ hỏa hoạn ở phố Thành Công, quận Hà Đông đã khiến 4 bà cháu tử vong, trong đó 3 cháu nhỏ mới từ 4-10 tuổi. Mới đây nhất, ngày 8/7, đám cháy trong ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội, khiến hai người con tuổi niên thiếu và một người cháu vừa tốt nghiệp lớp 12 của chủ nhà thiệt mạng.
Đặc điểm chung của những đám cháy để lại hậu quả quá đau lòng đó, là hỏa hoạn bùng lên trong những ngôi nhà ống, rất điển hình trên các ngõ phố của Hà Nội và nhiều thành phố, khu đô thị khác. Ngôi nhà cháy ở ngõ Thổ Quan có 4 tầng, chỉ với một mặt tiền rộng hơn 2 mét vây kín khung sắt chống trộm và sâu hơn 20 mét.
Quá trình chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nhiều chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã kiệt sức do nhà quá hẹp, sâu, nhiều tầng, lại có nhiều đồ vật là hóa chất làm đẹp. Còn nơi xảy ra đám cháy khiến 4 bà cháu thiệt mạng ở phố Thành Công, Hà Đông cũng là căn nhà ống, có tum thoáng nhưng mặt tiền duy nhất đã hàn khung sắt chống trộm. Quá trình chữa cháy, cảnh sát đã phải dùng kìm cắt khung sắt để dẫn vòi rồng vào trong nhà.
Sau mỗi đám cháy, nhìn vào những ngôi nhà ống chen chúc trong các ngõ phố chật hẹp, lại bao kín là những khung sắt "chuồng cọp", ý nghĩ về nguy cơ hỏa hoạn lại khiến nhiều người rùng mình. Nhưng những giải pháp thoát hiểm cho nhà ống nhằm giảm bớt thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn thì vẫn chưa được chú trọng.
Nhà ống là loại nhà chỉ có duy nhất một cửa ra vào phía trước. Khi thiết kế xây dựng những căn hộ như vậy, chủ nhân thường chú ý đảm bảo yếu tố ngăn người bên ngoài đột nhập, mà ít coi trọng việc làm thế nào để người bên trong thoát ra dễ dàng khi gặp nguy hiểm.
Vì thế nhà ống vốn đã thiếu mặt thoáng, mặt tiền duy nhất lại thường bị rào kín bằng song sắt, chặn lối thoát nạn của người nhà khi xảy ra hỏa hoạn và cũng chặn lối để người bên ngoài vào ứng cứu.
Nói rộng hơn thì không chỉ nhà ống, mà nhiều khu chung cư cũ hay các khu tập thể, nhà tái định cư, bất chấp nguy hiểm nhiều người dân vẫn tự ý mở rộng sàn nhà, dựng "chuồng cọp" để tăng diện tích sử dụng, mà không lường trước nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra.
Những đám cháy gây hậu quả vô cùng đau lòng nói trên đã một lần nữa gióng lên hồi chuông nhức nhối về yêu cầu thoát hiểm cho nhà ống. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã triển khai công tác phòng cháy đến từng hộ gia đình.
Các phường, cụm dân cư tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân về việc trang bị bình chữa cháy và các phương tiện cứu nạn cứu hộ như mặt nạ phòng độc, búa, kìm phá dỡ, thiết bị báo cháy... Đó là những bước đi rất đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn cần một biện pháp mạnh mẽ, triệt để hơn cho vấn đề thoát hiểm trong nhà ống nói riêng và các công trình nhà ở khác nói chung.
Có thể thấy, các quy định cấp phép xây dựng hiện nay đã chú trọng đặc biệt cho khâu thoát hiểm khi xảy cháy. Theo đó chủ đầu tư phải dành một diện tích không gian nhất định sau nhà làm lối thoát. Nhưng nỗi lo vẫn nằm ở vô số những ngôi nhà ống cũ, thiên về phòng trộm mà lơ là phòng "bà hỏa".
Theo Bộ Công an, số lượng vụ cháy, số người thương vong trong những năm 2012 - 2022 thường rơi vào trường hợp nhà diện tích nhỏ, kết hợp sản xuất kinh doanh và không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, hoặc không thuộc trường hợp phải thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Nhóm công trình này chiếm từ 42 - 60% số vụ cháy, và từ 70 - 90% thương vong về người.
Hiện nay, quy chuẩn 06:2022/BXD về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình đang áp dụng với các tòa nhà lớn, nhà xưởng, chung cư cao tầng, nhưng chưa được người dân quan tâm khi xây mới hay sửa chữa nhà ở riêng lẻ.
Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy hầu hết công trình nhà ở riêng lẻ hiện nay. khu vực ban công, lô gia hay lối lên mái đều bị bịt kín bằng kết cấu kiên cố không có lối thoát nạn hoặc rất khó thoát nạn. Đây là nguyên nhân chính gây chết người khi xảy ra cháy tại các công trình nhà ống riêng lẻ ở các khu đô thị thời gian qua.
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì bộ tiêu chuẩn quốc gia nhà ở riêng lẻ mới chỉ khuyến khích áp dụng, chưa nâng lên quy chuẩn để mang tính bắt buộc tuân thủ. Vì thế, muốn bảo đảm an toàn phòng cháy cho nhà ở riêng lẻ cần đưa tiêu chuẩn này vào quy chuẩn để bắt buộc áp dụng rộng rãi.
Bên cạnh đó, song song với việc vận động, yêu cầu các gia đình tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, thì việc tuyên truyền, hướng dẫn và thực hành cho các thành viên gia đình, bao gồm cả người già và trẻ em những kỹ năng phòng cháy và thoát hiểm là vô cùng cần thiết, cấp thiết. Câu chuyện người Việt thiếu kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí trong chính ngôi nhà thân quen của họ, vẫn chưa được giải quyết.
Hơn lúc nào hết, chính quyền các cấp phải vào cuộc mạnh mẽ; quán triệt tới từng ngõ hẻm, từng hộ gia đình về kỹ năng PCCC và thoát hiểm. Các trường học cũng cần đẩy mạnh một cách thực chất những nội dung giáo dục PCCC và kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn cho học sinh, thông qua những tình huống, nội dung thực hành cụ thể, thay vì những bài lý thuyết xuông, rồi đến khi lâm nạn thì các nạn nhân vẫn lúng túng.
Nhà là nơi bảo vệ con người, vì thế tất cả chúng ta hãy biến nó thành nơi thật an toàn trong mọi tình huống. Rõ ràng, trước khi muốn bảo vệ tài sản của gia đình, ta cần biết bảo vệ sinh mạng của mọi người trước "giặc lửa" vốn không trừ một ai.