Chưa có 'lối thoát' cho doanh nghiệp công nghệ Mỹ làm ăn tại Trung Quốc
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:08, 16/07/2023
Theo quan điểm của Trung Quốc, "rủi ro của các công ty công nghệ Mỹ cao hơn ở cấp độ điện thoại thông minh hoặc cấp xe điện", nơi họ phải cạnh tranh với các công ty đại lục, trong khi ở chiều ngược lại, "các công ty Trung Quốc thực sự muốn có linh kiện" từ Mỹ, David Wong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu APAC công nghệ tại Nomura cho biết. “Nhưng nguy cơ Mỹ mở rộng các hạn chế xuất khẩu có lẽ cao hơn so với việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế nhập khẩu”.
Vào tháng 5, Bắc Kinh thông báo nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ đã không vượt qua bài đánh giá bảo mật, do đó các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng bị cấm mua hàng từ công ty này
Sanjay Mehrotra, CEO Micron cho biết, tác động của lệnh cấm này vẫn chưa rõ ràng đối với công ty, song một số khách hàng quan trọng và đại diện cơ quan chính phủ tại Trung Quốc đã liên hệ với họ về việc sử dụng những sản phẩm của Micron trong tương lai.
Theo ước tính, doanh thu của Micron tại Trung Quốc chiếm ít nhất tỷ lệ phần trăm hai chữ số trong tổng doanh thu công ty trên toàn cầu. “Khó khăn này ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng và làm chậm quá trình phục hồi của chúng tôi”, Sanjay nói.
Không rút lui hoàn toàn
Để giảm thiểu rủi ro địa chính trị, một số công ty ngành công nghệ Mỹ bắt đầu tổ chức lại hoạt động của họ tại Trung Quốc nhằm nỗ lực ngăn chặn bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào từ các lệnh trừng phạt.
Vào cuối tháng 5, Hewlett Packard Enterprise (HPE) công bố kế hoạch bán cổ phần tại công ty công nghệ Trung Quốc H3C với giá 3,5 tỷ USD. H3C đang là nhà phân phối phần cứng của HP tại Trung Quốc, song công ty Mỹ cho biết, có thể tiếp tục thoái toàn bộ 49% cổ phần còn lại trong thời gian tới.
"Đây là điều tốt nhất cho khách hàng, nhân viên và cổ đông công ty bởi vì rõ ràng, hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp hơn", CEO HP Antonio Neri, cho biết.
Đầu tháng 6, công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ Sequoia Capital tuyên bố họ đã quyết định tách bộ phận Trung Quốc. “Để thực hiện sứ mệnh của mình, chúng tôi quyết định áp dụng phương pháp tiếp cận ưu tiên địa phương toàn diện”, theo đó ba quỹ tại châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ tách riêng và hoạt động độc lập kể từ tháng 3/2023.
Sequoia nổi tiếng là nhà đầu tư ban đầu vào những gã khổng lồ công nghệ thế giới như Apple, Cisco, Oracle, Nvidia và Google. Quỹ đầu tư mạo hiểm này gia nhập thị trường đại lục từ năm 2005 và cũng đạt được thành công với các thương vụ Alibaba, ByteDane (công ty mẹ TikTok) và gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com.
Vào tháng 5, LinkedIn, một nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Microsoft tập trung vào mạng lưới kinh doanh, tuyên bố sẽ đóng cửa các ứng dụng việc làm ở Trung Quốc và cắt giảm hơn 700 vị trí.
Trong khi đó, Amazon.com cũng thông tin sẽ đóng cửa hàng ứng dụng chính thức tại Trung Quốc trong tháng 7. Airbnb, một công ty công nghệ Mỹ khác thì đã dừng hoạt động tại nền kinh tế số hai thế giới từ năm ngoái.
Chưa thấy ánh sáng cuối con đường
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung trở nên kéo dài và căng thẳng hơn đang bắt đầu gây tổn hại cho ngành công nghiệp chủ chốt bên kia bán cầu.
Qualcomm cho biết trong báo cáo thường niên rằng, "một phần đáng kể hoạt động kinh doanh của chúng tôi tập trung ở Trung Quốc và rủi ro của sự tập trung đó càng trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại giữa hai bên”.
Trong khi đó, Apple nói rằng, “căng thẳng Mỹ - Trung dẫn đến hàng loạt thuế quan do Washington áp đặt với hàng nhập khẩu từ đại lục, cũng như các hạn chế kinh doanh khác. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm nói chung. Những chi phí gia tăng này có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của công ty”.
Akira Minamikawa, giám đốc tư vấn cấp cao của công ty nghiên cứu Omdia (Vương quốc Anh), nói rằng "các cơ sở sản xuất thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính cá nhân tập trung nhiều ở Trung Quốc, và do đó, sự phụ thuộc của ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vào Trung Quốc vẫn còn cao." Tuy nhiên, ông nói thêm, "sự phụ thuộc của ngành công nghệ Mỹ vào Trung Quốc sẽ giảm dần."
Trước viễn cảnh u ám trong quan hệ hai bên, CEO IBM Arwind Krishna cùng CEO Microsoft Satya Nadella vẫn lạc quan rằng, vấn đề địa chính trị sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, song giới phân tích nhận định kịch bản này khó xảy ra trong thời gian ngắn. Mỹ sẽ chỉ dừng việc gây sức ép khi nhận thấy sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đã suy yếu.
(Theo Nikkei Asia)