Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'?

Ẩm thực - Ngày đăng : 06:31, 14/07/2023

Kết hợp từ hàng chục loại nguyên liệu độc đáo, tạo cảm giác lạ miệng, món đu đủ đâm Campuchia từ lâu đã trở thành đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến du lịch Tri Tôn, An Giang.

Nhờ vậy "con đường đu đủ đâm" dần hình thành, trở thành nơi buôn bán đông đúc, thu hút thực khách tứ phương đến thưởng thức món ngon nức tiếng này.

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 1

Món ăn dù dân dã nhưng lại mang hương vị độc đáo, ngon "xoắn lưỡi"

Tại sóc Phnôm Pi - nơi có "con đường đu đủ đâm" nức tiếng thuộc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chúng tôi bắt gặp hàng chục hàng quán nằm san sát nhau mở bán cùng một món đặc sản đu đủ đâm Campuchia hay còn gọi là gỏi đu đủ. Tuy nhiên, quán đu đủ đâm có tên Ri Na của chị Néang Srây Ny (29 tuổi, người dân tộc Khmer) là quán đầu tiên bày bán, tạo nên đặc sản đu đủ đâm cho sóc Phnôm Pi. Quán Ri Na lúc nào cũng tấp nập thực khách dù chỉ là ngày thường.

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 2

Mỗi dĩa đu đủ đâm chỉ từ 20.000 đồng, ăn kèm xiên thịt bò nướng béo ngậy chỉ với 5.000 đồng

Nói về bí quyết làm nên tên tuổi món ngon đu đủ đâm ở sóc, chị Néang Srây Ny cho biết, ngoài nguyên liệu chính là đu đủ, món gỏi này còn có rau muống, đậu đũa, cà chua, rau thơm, củ hành tím, chanh hòa trộn với các gia vị như đường, ruốc, đậu phộng. Đặc biệt không thể thiếu mắm ruốc pha theo công thức gia truyền, đây chính là điểm nhấn giúp món đu đủ đâm đậm đà, thơm ngon hơn.

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 3

Các nguyên liệu chế biến món ăn được bỏ vào cối đâm cho đều gia vị

Để món ăn ngon, đu đủ chế biến phải là loại đu đủ mỏ vịt, khi lấy về không bị dập và có màu sắc tự nhiên. Sau đó được bào lấy sợi ướp cùng với đá để giữ lại vị giòn, ngọt. Khi có khách gọi món, chủ quán lần lượt cho các nguyên liệu gồm: đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt và một miếng chanh vào cối rồi đâm cho đều. Sau đó, cho thêm ít cọng rau muống và các loại rau thơm, quế. Các nguyên liệu tiếp tục được đâm với lực nhẹ hơn để không bị nát.

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 4

Nguyên liệu tươi, giòn là bí quyết “giữ chân khách” đến quán

Đặc biệt, khi ăn kèm sẽ thêm trứng vịt vữa - loại trứng có lòng trắng và lòng đỏ hòa vào nhau. Vị béo của trứng vịt hòa với nước sốt gỏi, đu đủ giòn sần sật, vị mặn vừa phải của mắm, vị chua của chanh, vị béo của đậu phộng rang và vị cay cay từ những miếng ớt hòa quyện vào nhau. Ăn đến đâu, tê đầu lưỡi đến đó.

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 5

Ăn kèm với món đu đủ đâm là món bò nướng cũng ngon không kém

Trung bình mỗi ngày quán của chị Néang Srây Ny bán từ 60kg đu đủ cho khoảng 200 đĩa. Riêng lễ, Tết quán bán từ 100 - 200kg đu đủ cho cả nghìn dĩa mỗi ngày. Ngoài đu đủ đâm, quán còn bán thêm bò nướng, một trong những đặc sản An Giang nức tiếng. .

Món đu đủ đâm bán hàng trăm phần mỗi ngày ở An Giang có gì mà 'vạn người mê'? - 6

Món gỏi đầy đủ màu sắc và hương thơm của gia vị nhìn thôi cũng đã thấy thèm

Không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong chế biến mà món đu đủ đâm còn là sự giao thoa tinh túy về ẩm thực và văn hóa của người dân miền Tây, là món đặc sản dân dã nhất định du khách phải thử khi ghé thăm vùng đất biên giới Tri Tôn, An Giang.

Văn Chương