Xác cá voi dưới biển sâu trở thành 'thiên đường sự sống'

Khoa học - Ngày đăng : 20:15, 13/07/2023

Khi một cuộc sống kết thúc, cuộc sống khác cũng sẽ tiếp diễn. Xác cá voi sau khi chết có thể thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái hoàn toàn mới dưới đáy biển.
graywhaleunderwater.jpg
Hình ảnh cá voi xám. Nguồn ảnh: Gerard Soury/Getty. 

Kình Lạc (Whale Fall) là một thuật ngữ miêu tả hiện tượng cá voi chết đi và xác của chúng chìm sâu dưới đáy biển. Từ đó, những cái xác này trở thành nguồn thực phẩm màu mỡ cho các sinh vật biển sâu trong hàng thập kỷ.

Xác cá voi nằm sâu dưới vùng biển Bắc Thái Bình Dương đang giúp các nhà khoa học hiểu làm thế nào mà chúng cho phép các hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ đến vậy.

Năm 2009, con cá voi đã chết có kích cỡ khá lớn được nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey phát hiện ở độ sâu 1.250m trong vùng Clayoquot Slope, ngoài khơi bờ biển British Columbia, Canada.

Từ đó, các nhóm nhà khoa học của tổ chức Ocean Networks Canada (ONC) vẫn thường xuyên ghé thăm địa điểm này để theo dõi tốc độ phân hủy của con cá voi xấu số. Đồng thời, tìm hiểu về sự đa dạng của các loại sinh vật biển sống dựa vào việc ăn xác cá voi.

Phần xác chìm 14 năm trước, nay trở thành ốc đảo cho một hệ sinh thái mới. Nguồn video: EV Nautilus.

Lần nghiên cứu gần đây nhất bằng tàu của EV Nautilus do tổ chức Ocean Exploration Trust (OET) thực hiện nhằm kiểm tra các đài quan sát dưới nước tại Clayoquot Slope. ROV Hercules – một tàu lặn điều khiển từ xa, do nhà sinh thái học sinh vật đáy Fabio De Leo của ONC dẫn đầu có nhiệm vụ quay video độ phân giải cao và khảo sát về xác cá voi trong khu vực.

OET viết trong một bài đăng trên blog: “Kình lạc đại diện cho một ốc đảo cung cấp thực phẩm ở đáy biển sâu trong nhiều năm, nơi thường nghèo thức ăn và duy trì một tập hợp đa dạng các sinh vật biển” .

Vào năm 2019, các nhà khoa học của Khu bảo tồn biển quốc gia vịnh Monterey tiếp tục phát hiện ra một con cá voi khác chìm xuống Davidson Seamount với độ sâu 3.200 mét. Sau 4 tháng, có rất nhiều loại sinh vật như bạch tuộc, lươn , giun, cá, cua... tập trung xung quanh tảng thịt lớn.

sea-snail-eggs.jpg
Những con ốc biển xây tháp trứng của chúng trên phần răng hàm của xác cá voi. Nguồn ảnh: EV Nautilus.

Điểm rơi của cá voi Clayoquot nằm ở vùng nước nông hơn, nhưng ngay cả ở đó, đáy biển vẫn bị bao phủ bởi bóng tối vĩnh hằng, vì các tia Mặt trời không thể xuyên qua độ sâu tại khu vực này.

Không rõ con cá voi Clayoquot rơi xuống thuộc loài nào. Tuy nhiên, De Leo lưu ý rằng địa điểm này nằm gần tuyến đường di cư của cá voi xám (Eschrichtius robustus) nên có khả năng đây là xác của một trong số chúng. Bất ngờ hơn, sau 14 năm địa điểm này vẫn tràn đầy sức sống với đa dạng các sinh vật mới.

"Dù chỉ là bộ xương nhưng vẫn hỗ trợ một hệ động vật đáy biển phong phú trong từng ấy thời gian," OET viết.

Việc các loài ốc biển tập trung và sinh sản tại đây cũng giúp làm phong phú hệ sinh thái và gia tăng nguồn thức ăn cho các loài vật xung quanh, chẳng hạn như cua thường hay ăn trứng.

Ngoài cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu cũng lấy các mẫu trầm tích xung quanh khu vực nơi cá voi rơi xuống để thu thập mẫu DNA môi trường (là DNA hạt nhân hoặc ty thể được giải phóng từ một sinh vật vào môi trường). Nhằm giúp xây dựng dữ liệu khảo sát chính xác hơn về các cá thể ẩn nấp, kiếm ăn và phát triển trong bóng tối.

Ngọc Lý TH