Người khỏe mạnh đột tử sau khi tắm: Những sai lầm cần tránh
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:26, 13/07/2023
Ding Yahui, Trưởng khoa Tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), từng chia sẻ về một bệnh nhân đột tử sau khi tắm nước lạnh.
Trước đó, người đàn ông được đánh giá có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, sau khi tắm, anh bắt đầu cảm thấy tức ngực dai dẳng. Lúc đầu, anh chỉ nghĩ mình bị say nắng nên không đến bệnh viện.
Vài giờ sau, anh thấy tình trạng ngày càng nặng hơn, tức ngực. Khi nhập viện, bệnh nhân được xác định bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng. Bệnh viện địa phương nhanh chóng cấp cứu, đặt stent cho người bệnh và chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, khi vào tới Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang, trái tim người này đã ngừng đập.
Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc lạnh đột ngột, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Những vụ tai nạn tương tự xảy ra gần như mỗi mùa hè.
Liaoshen Evening News từng đưa tin, một người đàn ông 40 tuổi ở Thẩm Dương đã tắm nước lạnh sau khi chạy bộ buổi sáng dẫn đến đau tim. Anh ngã trong phòng tắm và không qua khỏi. Một thanh niên 19 tuổi ở Bắc Kinh cũng ngừng tim sau khi tắm.
Dưới đây là những sai lầm cần tránh khi đi tắm:
Nhiệt độ nước quá nóng hoặc quá lạnh
Để bảo vệ da, nhiệt độ nước không được quá cao và phải gần với nhiệt độ cơ thể. Nói chung, nước ấm ở 35-40 độ C là phù hợp.
Nếu nhiệt độ nước quá cao, mạch máu biểu bì của cơ thể sẽ giãn nở, lưu lượng máu đến tim và não giảm, xảy ra tình trạng thiếu oxy. Nếu nhiệt độ nước quá thấp, lỗ chân lông trên da sẽ đột ngột đóng lại, mạch máu co lại đột ngột, quá trình bài tiết mồ hôi và tản nhiệt sẽ bị cản trở.
Một số người đặc biệt thích tắm nước lạnh vào mùa hè, nhưng đột ngột tiếp xúc với nước lạnh từ môi trường nóng rất dễ gây ra sự cố.
Thời gian tắm không hợp lý
Sau khi uống rượu: Tắm nước ấm sẽ tăng lưu lượng máu ngoại vi trong khi lượng máu lưu thông ở các cơ quan nội tạng giảm. Gan chuyển hóa rượu thành axit axetic và chức năng này suy yếu khi lưu lượng máu đến gan ít đi. Do đó, khi bạn đi tắm, tốc độ chuyển hóa rượu trong cơ thể yếu dần.
Ngoài ra, cảm giác chếnh choáng sau khi uống rượu có thể gây nguy cơ trơn trượt ngã, tai nạn trong phòng tắm.
Ngay sau khi tập thể dục: Nước ấm kích thích sẽ khiến mạch máu của cơ và da giãn nở, tăng lượng máu đến cơ và da, dẫn đến không đủ máu cung cấp cho các cơ quan khác, đặc biệt là tim và não.
Đối với những người cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch vành, khi tim và não bị thiếu máu trầm trọng sẽ dễ gây ra những cơn bệnh cấp tính.
Khi ốm mệt: Liu Jiang, bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu Bắc Kinh, chia sẻ, khi người già bị cảm và yếu, rất dễ xảy ra bất trắc khi tắm. Họ nên đợi cho đến khi khỏe mạnh rồi mới tắm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ cho rằng bệnh nhân bị sốt vẫn có thể tắm. Theo Times of India, bác sĩ Suranjit Chatterjee, Bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ), giải thích khi bạn tắm, nước giúp giải phóng nhiệt từ cơ thể. Sau đó, bạn lưu ý lau khô người và tóc nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông khuyến cáo, không phải mọi trường hợp sốt đều an toàn khi tiếp xúc sớm với nước. Bệnh nhân sốt sau mổ cần hạn chế tắm để tránh tổn thương.
Ngay sau bữa ăn: Bác sĩ Liu Jiang cho rằng trong vòng 1 giờ sau ăn, máu chủ yếu tập trung ở đường tiêu hóa. Tắm vào thời điểm này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu cơ tim.
Nhiều người có thói quen thích ngâm mình trong bồn tắm lâu để thư giãn và làm sạch. Nhưng đây không phải thói quen tốt. Thời gian tắm tốt nhất là trong vòng 30 phút, người già, trẻ em và bệnh nhân tim mạch tối đa không quá 20 phút.
Nếu tắm quá lâu, nhịp tim và huyết áp tăng cao, gánh nặng cho tim cũng tăng lên.