Sống bất an trong cảnh 'chạy đá' ở Yên Bái
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:43, 13/07/2023
XEM CLIP:
Bất an vì cảnh "đá bay"
Nhiều năm nay, người dân hai thôn Hin Lò và Làng Thọc (xã Yên Thắng, huyện Lục Yên) cho rằng họ "mất ăn, mất ngủ" vì sợ cảnh đá bay vào nhà khi sống cạnh mỏ đá bản Nghè do Công ty TNHH XDSX và TMDV Hùng Đại Sơn (Công ty Hùng Đại Sơn) vận hành, khai thác.
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Lương Văn Quyết (36 tuổi, thôn Hìn Lò, xã Yên Thắng) cho biết anh và gia đình suốt thời gian dài phải sống cảnh bất an vì chứng kiến cảnh đá rơi vào khu vực gần nhà. Theo anh Quyết, anh từng cận kề nguy hiểm khi trải qua việc chạy trốn "đá lạc" văng ra từ mỏ đá của Công ty Hùng Đại Sơn quản lý.
"Cuối năm 2022, khi đang đi phát nương rẫy, tôi và bố phải bỏ lại xe máy để tháo chạy khi thấy đá trút xuống từ đỉnh mỏ đá do Công ty Hùng Đại Sơn khai thác. Khi quay lại lấy xe máy thì thấy chiếc xe bị đá văng vào gây biến dạng", anh Quyết kể lại.
Theo anh Quyết, diện tích đất rừng của gia đình anh tiếp giáp với mỏ đá bản Nghè do công ty này quản lý nên việc đá lăn vào khu vực gần nhà là "chuyện không hiếm gặp". Vì quá lo sợ đá văng vào nhà, gia đình anh phải chuyển chỗ ở.
Cách nhà anh Quyết khoảng 2km, gia đình anh Hoàng Văn Quyền (thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng) liên tục hứng chịu cảnh đá bay vào nhà. Anh Quyền cho biết, từ phòng ngủ, nhà tắm, thậm chí là ban thờ của gia đình anh đều hứng chịu đá lạc.
"Từ khi mỏ đá của Công ty Hùng Đại Sơn đi vào hoạt động, chúng tôi sống trong cảnh nguy hiểm khi chứng kiến cảnh đá thường xuyên văng vào nhà. Gia đình nơm nớp lo sợ", anh Quyền chia sẻ.
Mẹ anh Quyền là bà Hoàng Thị Tính cho hay, có hôm gia đình đang nấu cơm tối thì bất ngờ nghe tiếng động lớn, khi chạy ra thì thấy hòn đá đường kính lớn xuyên thủng mái tôn nhà tắm.
"May mắn lúc đó tôi và người thân không sử dụng nhà tắm, nếu không hậu quả sẽ thế nào", bà Tính nói.
Anh Hoàng Văn Khải - Trưởng thôn Làng Thọc (xã Yên Thắng) cho biết, từ lúc nhận nhiệm vụ làm trưởng thôn, anh thường xuyên nhận được phản ánh của bà con về việc đá văng vào khu vực dân cư.
"Việc đá văng vào nhà dân diễn ra thất thường. Có hôm nửa đêm nghe người dân gọi điện thoại, tôi cũng phải có mặt để ghi nhận sự việc. Đa phần đá văng vào nhà dân khi mỏ san ủi đá thải xuống chân núi", anh Khải nói.
Theo anh Khải, mỗi lần người dân có phản ánh về đá văng, anh cùng đại diện Công ty Hùng Đại Sơn và người dân lập biên bản sự việc để có căn cứ xử lý.
"Đến nay tôi không nhớ đã phối hợp lập bao nhiêu biên bản về việc này. Có nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng đá văng vào bể nước, có nhà đá gây lún cả nền, có nhà phải thay mái tôn vì lỗ thủng do đá văng gây ra quá lớn", Trưởng thôn Làng Thọc thông tin.
Anh Khải cho hay, sau mỗi lần nhà dân bị ảnh hưởng, phía công ty có hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên việc đền bù không phải là cách để bà con vơi đi nỗi lo sợ.
Ruộng bạc màu, nước đầu nguồn nổi váng
Hàng chục hộ dân ở xã Yên Thắng đồng loạt phản ánh đến VietNamNet về việc đất ruộng bị tác động tiêu cực từ khi các mỏ đá đi vào hoạt động.
Bà Mông Thị Thách (64 tuổi, thôn Làng Thọc) cho biết, trước khi các mỏ đá đi vào hoạt động, khu dân cư nơi bà sinh sống luôn trong lành với đồi núi xanh mướt, nguồn nước suối dồi dào, cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, khi các mỏ đá trên địa bàn đi vào khai thác rầm rộ, mọi thứ bị xáo trộn.
Theo bà Thách, mỏ đá hoạt động gây tác động tiêu cực đến ruộng nương và nguồn nước - kế sinh nhai của đồng bào người Tày trên địa bàn xã Yên Thắng.
Không chỉ thôn Làng Thọc mà rất nhiều hộ dân thôn Hin Lò cũng chung nỗi lo khi nguồn nước và đất ruộng bị tác động tiêu cực lúc mỏ đá đi vào hoạt động.
Anh Dương Văn Thu, Bí thư chi bộ thôn Hin Lò (xã Yên Thắng) chia sẻ, thời điểm mỏ đá chưa hoạt động thì các hộ dân trong thôn sử dụng nguồn nước đầu nguồn từ núi đá bản Nghè. Tuy nhiên sau khi mỏ đá đi vào khai thác, nguồn nước bị chặn lại bởi đá thải và nổi váng. Ở các ao cá, người dân phản ánh có hiện tượng cá chết bất thường.
Trước thực trạng nêu trên, người dân xã Yên Thắng đã phản ánh đến chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đến nay vẫn chưa cải thiện và tình trạng đá văng vào nhà vẫn chưa dừng lại; đất canh tác chưa thể cải tạo.
Chủ tịch xã: "Mỏ đá không ảnh hưởng gì"
Chiều 10/7, trả lời báo VietNamNet, ông Mông Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng nói, việc hoạt động của mỏ đá do Công ty Hùng Đại Sơn khai thác "không ảnh hưởng gì" đến người dân. Đồng thời, lãnh đạo xã Yên Thắng nhấn mạnh, việc đá văng là "không có".
Còn ông Phùng Trung Hải - Chánh Văn phòng UBND huyện Lục Yên thì cho hay, huyện chưa nhận được báo cáo nào về phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động của mỏ đá tại xã Yên Thắng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, đã nắm bắt được phản ánh của người dân về hoạt động của mỏ đá do Công ty Hùng Đại Sơn khai thác ở xã Yên Thắng và hiện giao UBND tỉnh Yên Bái kiểm tra.
Chiều 11/7, VietNamNet liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Đại Sơn nhưng ông Hùng báo bận và từ chối trả lời các nội dung liên quan.