Quân sự thế giới hôm nay (13-7): Nga cáo buộc NATO kéo dài xung đột ở Ukraine, thúc đẩy “Chiến tranh Lạnh”
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:12, 13/07/2023
* Nga cáo buộc NATO leo thang xung đột ở Ukraine, thúc đẩy “Chiến tranh Lạnh”
Ngày 13-7, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin Nga cáo buộc NATO đang theo đuổi “kế hoạch Chiến tranh Lạnh”, kéo dài xung đột và leo thang căng thẳng thông qua việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và tìm cách chia rẽ thế giới dựa trên sự khác biệt về ý thức hệ. Cáo buộc gay gắt này của Moscow được đưa chỉ vài giờ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-7 ở Litva bàn nhiều nội dung liên quan an ninh và tương lai của Ukraine trong khối. Tại đây, Ukraine đã được các quốc gia thành viên hứa hẹn về an ninh lâu dài và đảm bảo rằng Ukraine cuối cùng sẽ được mời gia nhập NATO nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Nga cáo buộc NATO thúc đẩy “Chiến tranh Lạnh”. Ảnh: DPA |
Bộ Ngoại giao Nga cho biết những cam kết tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine của NATO cho thấy một “lộ trình leo thang xung đột có chủ đích”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Họ đã đưa ra nhiều hứa hẹn mới, cung cấp cho chế độ Kiev các loại vũ khí tầm xa và ngày càng hiện đại hơn nhằm kéo dài cuộc xung đột tiêu hao”.
Tuyên bố cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO đã chứng tỏ “tổ chức này đã hoàn toàn quay trở lại với các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh” và các cường quốc phương Tây đã quyết tâm chia rẽ thế giới và mục tiêu của chính sách này là nhằm vào Nga.
* 12 binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố
Theo Reuters, 12 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công do phiến quân khủng bố thực hiện, trong đó có một cuộc tấn công nhằm vào một trong những căn cứ quân sự ở tỉnh Balochistan.
Theo các quan chức quân sự Pakistan, 9 binh sĩ đã thiệt mạng tại căn cứ khi bị các chiến binh Hồi giáo được trang bị súng bộ binh, lựu đạn và rocket tấn công; 3 binh sĩ khác thiệt mạng trong cuộc đọ súng với các tay súng khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng ở huyện Sui trong tỉnh. Toàn bộ 5 tay súng tấn công căn cứ quân sự và 2 tay súng khủng bố trong cuộc đọ súng ở huyện Sui đã bị tiêu diệt. Nhóm thánh chiến mới được thành lập có tên Tehreek-e-Jihad Pakistan (TJP) đã nhận trách nhiệm và tuyên bố sẽ công bố hình ảnh và video về các chiến binh tham gia các vụ tấn công này.
Nhóm thánh chiến Tehreek-e-Jihad Pakistan đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Ảnh tư liệu: Reuters |
Balochistan là một khu vực giàu khoáng sản giáp với Afghanistan và Iran. Đây là khu vực liên tục nổ ra các cuộc nổi dậy của sắc tộc Baloch kéo dài hàng thập kỷ qua. Các chiến binh Hồi giáo với mục tiêu lật đổ chính quyền Pakistan và thiết lập luật Hồi giáo hà khắc ở quốc gia 220 triệu dân chủ yếu là người Hồi giáo này cũng hoạt động tích cực ở khu vực Balochistan.
Nhiều cuộc tấn công khủng bố đã nổ ra kể từ cuối năm 2022, trong đó có vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar khiến hơn 100 người thiệt mạng. Chính phủ Pakistan cho biết các chiến binh này đã chuyển căn cứ hoạt động sang lãnh thổ Afghanistan nhưng Taliban đã phủ nhận thông tin này.
* Hôm nay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trong hôm nay (13-7) để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày hôm qua (12-7). Cuộc họp sẽ được chủ trì bởi Vương quốc Anh - Chủ tịch luân phiên hiện tại của hội đồng.
Trước đó, ngày 12-7, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa ra ngoài khơi bờ biển phía Đông. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết tên lửa đã bay trong 74 phút ở độ cao hơn 6.600km và đi được quãng đường khoảng 1.000km. Đây là tên lửa có thời gian bay dài nhất từ trước đến nay trong các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, dài hơn thời gian bay 71 phút của tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng Hwasong-17 trong vụ phóng thử năm ngoái.
Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-18 vào ngày 12-7. Ảnh: KCNA |
Ngày 13-7, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận đã phóng tên lửa Hwasong-18 một ngày trước. Đây là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn khó bị phát hiện và đánh chặn hơn so với các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi Hwasong-18 là vũ khí mạnh nhất trong lực lượng chiến lược của mình.
Vụ phóng thử tên lửa diễn ra sau những cáo buộc gay gắt từ Triều Tiên cho rằng máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận nước này và lên án việc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình của Mỹ cập cảng Hàn Quốc.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG (thực hiện)