Trợ lý HLV Park: 'Tuyển nữ Việt Nam cần nhìn bài học từ Thái Lan'
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 07:47, 13/07/2023
Đội tuyển nữ Việt Nam sắp sửa bước vào tranh tài tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2023, giải đấu diễn ra từ ngày 20/7 đến 20/8 tới tại Australia và New Zealand.
Nằm trong bảng đấu nặng ký cùng đương kim vô địch Mỹ, đương kim Á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha, thật khó kỳ vọng thầy trò Mai Đức Chung tạo nên bất ngờ. Có cơ hội chạm trán với những đội bóng hàng đầu thế giới là cơ hội tuyệt vời để tuyển nữ Việt Nam cọ xát, học hỏi, từ đó trưởng thành hơn nữa trong tương lai.
Trước nhất, cần xác định tư tưởng rằng chiến tích lần đầu tiên giành vé tham dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới là mốc son chói lọi và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Song, dự World Cup không phải đích đến mà là dấu mốc trên hành trình phát triển.
Khi đã có lần đầu tiên, không lý gì không có lần thứ hai, thứ ba... Nói dễ hơn làm. Hãy nhìn Thái Lan để rút ra bài học. Tuyển nữ của xứ sở chùa Vàng đã lần đầu tiên giành vé tham dự World Cup từ năm 2015, sau đó tiếp tục giành vé dự vòng chung kết năm 2019.
Tuy nhiên, từ "mốc son chói lọi" cũng như đi trước các đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á ấy, bóng đá nữ Thái Lan không tạo ra được cú hích để bứt phá lên tầm châu lục. Ngược lại, tuyển nữ Thái Lan ngày càng sa sút. Minh chứng rõ nhất là đội bóng này chỉ giành tấm huy chương đồng tại kỳ SEA Games 32 vừa qua và không có vé dự World Cup 2023.
Bóng đá nữ không thu hút nhiều sự quan tâm như bóng đá nam. "Cơn sốt" chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Để duy trì sức hút cần những "cú hích" thường xuyên, đặc biệt tại các giải đấu hàng đầu. World Cup ở đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với Asian Cup hay SEA Games, tuy nhiên chênh lệch trình độ không đồng nghĩa chỉ cọ xát cho biết.
Thành tích hiện tại chưa quan trọng, quan trọng hơn là vượt lên chính mình và thể hiện được nỗ lực, ý chí vì màu cờ sắc áo. Để thành tích trở thành điều quan trọng trong tương lai, không chỉ đội tuyển quốc gia (ĐTQG) mà cả các nhà quản lý bóng đá cần xem việc tham dự World Cup là cơ hội mở mang và học hỏi ở các nước có nền bóng đá nữ tiên tiến, từ cách tổ chức thi đấu giải trong nước, đầu tư cơ sở vật chất cho đến đào tạo nguồn nhân lực...
Phát triển bóng đá cần sự quan tâm và hỗ trợ lớn lao, trước hết là từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), nơi cần đưa ra kế hoạch hợp tác toàn diện và hệ thống hóa mọi nguồn lực hỗ trợ cho bóng đá nữ Việt Nam. Ngoài ra, các nhà quản lý nên chuẩn bị cả phương án xử lý các vấn đề xuất hiện sau giải đấu.
Thực tế nếu thi đấu không tốt và để thua quá đậm, cú sốc tâm lý sẽ xảy ra đối với các cầu thủ lẫn người hâm mộ. Bởi vậy, tuyển nữ Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần tốt, biết mình, biết người để đưa ra mục tiêu và đấu pháp hợp lý.
Trong bóng đá hiện đại, thay đổi lớn nhất là tốc độ trận đấu ngày càng cao, kèm theo sự phát triển biến hóa và đa dạng về chiến thuật thi đấu. Ngoài ra, việc sử dụng hiệu quả đấu pháp dựa trên nền tảng thể chất cũng rất quan trọng. Các đội tuyển nữ hàng đầu thế giới hiện nay có thể nói chơi bóng với tốc độ và sức mạnh không hề kém cạnh cánh mày râu.
Khi đối đầu với các đối thủ đến từ châu Á, những đội bóng Âu - Mỹ thường áp dụng chiến thuật high-pressing (gây áp lực quyết liệt tầm cao) để ngăn chặn đối phương phản công cũng như tăng cường khả năng kiểm soát bóng, từ đó liên tục tổ chức các đợt tấn công nhanh, mạnh để ghi bàn.
Nguyên do là các đội bóng châu Á vốn thua kém về thể chất và thường chọn lối chơi phòng ngự phản công. Nếu các đội bóng Âu - Mỹ duy trì áp lực tấn công và khả năng kiểm soát trung tuyến sẽ khiến các đội bóng châu Á nhanh chóng xuống sức. Vì vậy, thế trận càng trở nên một chiều.
Và khi bị đẩy quá sâu về phần sân nhà, các đội tuyển châu Á càng không đủ quân số lẫn thể lực để đưa bóng tiếp cận khung thành đối phương. Mọi đợt tấn công nhỏ lẻ sẽ dễ dàng bị bẻ gãy và sớm muộn cũng nhận bàn thua trước sự áp đảo tuyệt đối của đối phương.
Một khía cạnh khác, nếu nhận bàn thua sớm và cố gồng lên tìm bàn gỡ, các đội bóng châu Á dễ dàng vỡ trận bởi phải chia sẻ lực lượng cho mặt trận tấn công để tìm bàn gỡ, không còn đảm bảo đủ độ kiên cố cho hàng phòng ngự. Trong khi đó, chênh lệch trình độ lẫn thể chất đơn giản là quá lớn.
Để có thể tạo được áp lực lên hàng thủ đối phương, các đội bóng châu Á phải có sự chuẩn bị kỹ càng về thể lực lẫn các phương án phòng ngự lẫn tổ chức tấn/phản công. Thật sai lầm nếu cho rằng có thể hy vọng giữ sạch lưới bằng cách phòng ngự co cụm (low-block: kéo đội hình xuống sát khung thành) cũ kỹ.
Khả năng luân chuyển bóng, sự vượt trội trình độ tạo nên ưu thế ở các tình huống đấu tay đôi, hay đơn giản là lợi thế thể hình sẽ sớm được các đội bóng Âu - Mỹ cụ thể hóa thành bàn thắng.
Vì vậy, khi trình độ và thể chất thua kém, điều phải làm là chú trọng tổ chức hệ thống phòng ngự từ giữa sân (mid-block: tổ chức phòng ngự từ trung tuyến).
Trong chiến thuật này, các tiền đạo phải di chuyển xuống tuyến hai cũng như tiền vệ phòng ngự được đẩy cao hơn để có đủ quân số chống chọi khả năng kiểm soát bóng của đối phương trong không gian chật hẹp trung tuyến. Muốn đáp ứng lối chơi này đòi hỏi phải có sự di chuyển đồng bộ, nhanh chóng, kỹ chiến thuật đủ tốt để đoạt và cầm bóng.
Thể lực đóng vai trò tiên quyết trong lối chơi này. Ngoài ra, trước đối thủ vượt trội về thể chất lẫn kỹ thuật, khả năng xảy ra các tình huống hụt hơi là không thể tránh khỏi. Thế nên cần tinh thần đồng đội và ý thức chiến thuật cực cao để hỗ trợ bọc lót cho nhau, bên cạnh việc xây dựng các phương án phản công hiệu quả và nhanh chóng.
Cũng cần ngăn chặn tác động chiến thuật từ ưu thế thể chất và trình độ của cá nhân xuất sắc bên phía đối phương bằng cách phòng ngự hợp tác. Đặc biệt, trong các tình huống không chiến, để hạn chế sự thua kém về chiều cao, các cầu thủ phải bắt chặt người, thậm chí truy cản từ trước thời điểm đối thủ kịp ra chân dứt điểm hoặc tạt bóng.
Bóng đá hiện đại được đặc trưng bởi khái niệm đa vị trí/đa vai trò. Các cầu thủ không còn thi đấu ở vị trí hay vai trò cố định mà thực hiện một lúc nhiều nhiệm vụ, đồng nghĩa các tình huống dàn xếp phối hợp trở nên phức tạp, khó lường hơn.
Chẳng hạn như các hậu vệ trước đây chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng ngự, nhưng trong bóng đá hiện đại, các hậu vệ cần có kỹ năng cầm bóng và hỗ trợ tấn công nhiều hơn. Vị trí wing-back (cầu thủ chạy cánh) là ví dụ điển hình.
Để có thể đương đầu với những đội bóng hàng đầu thế giới, vốn vượt trội về khả năng gây sức ép và hình thể, các đội bóng châu Á vốn yếu về thể lực nhưng có ưu điểm kỹ thuật và tốc độ phải đảm bảo được: sự cơ động và tốc độ, sức đối kháng trong các tình huống một chọi một, khả năng thoát pressing, khả năng gây áp lực mạnh mẽ suốt trận đấu, sự ăn ý và nắm vững chiến thuật ban huấn luyện đề ra.
Những yếu tố vừa nêu là cách thông thường để chống chọi lại các đối thủ mạnh. Tuy nhiên, trong những trận đấu tầm cỡ thế giới, không dễ để một đội bóng dưới cơ gây bất ngờ chỉ nhờ cải thiện kỹ chiến thuật.
Đặc biệt trong bối cảnh ở bóng đá nữ, những cầu thủ có chiều cao và sức mạnh vượt trội sẽ có lợi thế tuyệt đối trong các tình huống tranh chấp bóng bổng. Vì vậy, các đội bóng Âu - Mỹ thường tận dụng ưu thế này để ghi bàn từ các tình huống tạt bóng.
Các tuyển thủ Việt Nam vẫn còn thấp bé nhẹ cân so với các đội bóng châu Âu và châu Mỹ. Ngoài ra, kỹ chiến thuật cũng chưa sánh được. Do đó, cần cải thiện tốc độ và sự chính xác trong các đường chuyền để thoát pressing từ đối thủ có thể chất vượt trội.
Để duy trì nền tảng kỹ thuật lâu dài, việc cải thiện thể chất là cần thiết, nhưng quan trọng hơn nữa là kết nối cùng các bài tập chiến thuật và chuyển hóa thành lối chơi hiệu quả.
Đặc biệt, bóng đá là chuỗi liên hoàn các tình huống một chọi một từ đầu đến cuối trận. Vì vậy cần phải cải thiện khả năng đối kháng. Các cầu thủ cần được tiến hành nhiều bài tập để cải thiện kỹ năng tấn công và phòng thủ một chọi một. Khi quyền kiểm soát bóng chuyển sang đối thủ, từ đó bật chế độ phòng ngự tổng thể.
Đội tuyển nữ Nhật Bản từng vào tới chung kết World Cup 2015 và chỉ chịu thua Mỹ với tỷ số 2-5 bằng chiến thuật như vậy. Họ quấy rối và gây sức ép lên đội hình đối phương bằng những pha di chuyển liên tục. Lối chơi phản công phát huy được hiệu quả thông qua khả năng chuyển trạng thái nhanh chóng từ phòng ngự sang tấn công và những đường chuyền chuẩn xác.
Sự thua kém về hình thể trước các đối thủ Âu - Mỹ được khỏa lấp bằng lối chơi có tổ chức. Sức bền và sự linh hoạt được tận dụng để hình thành lối chơi tấn công.
Vốn hạn chế chiều cao, tuyển Nhật ngăn chặn đối phương tung ra quả tạt thay vì co cụm thụ động trong vòng cấm để rồi phải tranh chấp bóng bổng. Ngoài ra, họ cản phá cơ hội ghi bàn của đối phương bằng phản ứng nhanh ở các tình huống bóng hai (bóng bật ra sau các pha tranh chấp tay đôi) sau các tình huống tranh chấp bóng bổng.
Kết quả, tuyển nữ Nhật Bản đã bù đắp được nhược điểm thông qua tác động kép từ sức bền và kỹ thuật. Đó là lý do tại sao giá trị của chất lượng thể chất lẫn kỹ thuật đem lại kết quả tốt. Cải thiện sức bền và kỹ thuật sẽ sớm trở thành yếu tố quan trọng trong việc tìm giải pháp căn bản cho tương lai của bóng đá nữ Việt Nam.
Trận thua chỉ với tỷ số 1-2 trước tuyển Đức cách đây không lâu đã làm người hâm mộ nức lòng. Dù thua New Zealand 0-2 ở trận giao hữu gần đây nhất, tuyển nữ Việt Nam cũng chơi tốt trước đối thủ to cao. Không chỉ là kết quả, tuyển nữ Việt Nam đã trình diễn lối chơi chững chạc, hiện đại và hợp lý.
Như tờ Bild (Đức) phải thừa nhận: "Những cô gái Việt Nam thật dũng cảm và nhanh nhẹn để nhiều lần khiến thủ thành Merle Frohms phải cứu thua trong tình thế ngặt nghèo. Vào cuối trận, Việt Nam đã có được bàn thắng ở những phút bù giờ. Nguyễn Thị Thanh Nhã đã hoàn thành một pha phản công và phát hiện ra điểm yếu của hàng phòng ngự Đức để khai thác ghi bàn".
Phân tích thêm về trận giao hữu với tuyển Đức để thấy rõ hơn cơ hội ghi bàn của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup. Ở trận đấu này, các học trò của HLV Mai Đức Chung không hề phòng ngự theo kiểu co cụm và chịu trận.
Tuyển nữ Việt Nam phòng ngự hiệu quả từ trung tuyến và gây ra nhiều khó khăn cho đối phương bằng các pha dàn xếp tấn công sắc bén. 8 pha dứt điểm và một bàn thắng minh chứng cho sự lợi hại của những cô gái kim cương của bóng đá Việt Nam. Đơn cử trong bàn thắng của Thanh Nhã, tuyển nữ Việt Nam đã tổ chức được đợt phản công vỗ mặt vô cùng lợi hại.
Bóng được luân chuyển nhanh bằng những đường chuyền chính xác từ phần sân nhà, sau khi đoạt bóng trong tình huống dâng cao hãm thành của đối phương, và cuối cùng Thanh Nhã tận dụng tốc độ tuyệt hảo để băng xuống sút tung lưới tuyển Đức trong tình huống đối mặt thủ môn.
Việc giành bóng đồng nghĩa hệ thống phòng ngự đã phát huy tác dụng. Và vì đối thủ đang dồn quân tấn công, nên việc tổ chức đội hình phòng ngự trở nên khó khăn. Nói cách khác, đội hình đối phương đang mất cân bằng trong khâu phòng ngự.
Do đó, việc tổ chức phản công lập tức phải diễn ra. Khả năng chạy chỗ của các tiền đạo và những đường chuyền nhanh, chuẩn xác của các tiền vệ sẽ đem lại cơ hội đáng kể.
Mở rộng vấn đề, tuyển nữ Việt Nam không chỉ chơi phản công trong 90 phút. Các học trò của HLV Mai Đức Chung tổ chức tấn/phản công nhanh và đa dạng, từ đánh biên cho đến phối hợp trung lộ. Một khía cạnh ít được đề cập nhưng cực kỳ quan trọng là chọn thời điểm chuẩn xác để pressing đoạt bóng và quyết định phương án tấn công hợp lý.
Không phải tình huống nào cũng đẩy bóng thật nhanh lên phía trên để phản công, có những tình huống cần cầm chắc trái bóng để tiếp cận khung thành. Tuyển nữ Việt Nam đáng khen ngợi bởi yếu tố này chứ không chỉ phản công và ghi bàn vào lưới tuyển Đức.
Cuối cùng, yếu tố không thể không đề cập là tinh thần chiến đấu và tính đoàn kết của toàn đội. Chính sức mạnh tinh thần đã góp phần không nhỏ để tuyển nữ Nhật Bản làm nên điều kỳ diệu và thầy trò Mai Đức Chung cũng sở hữu phẩm chất này.
Thế nên, World Cup có thể vẫn là sân chơi quá sức nhưng bằng những mục tiêu vừa sức, với lối chơi hợp lý và tinh thần bất khuất đã là phẩm chất vàng của phụ nữ Việt Nam, những cô gái kim cương đã sẵn sàng làm rạng danh Tổ quốc tại đấu trường lớn nhất hành tinh.
Tác giả: Bae Ji Won
Thiết kế: Patrick Nguyễn