Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ 'trở thành một di sản'

Dòng chảy - Ngày đăng : 13:56, 12/07/2023

Trong câu chuyện với phóng viên , Nhà sử học Dương Trung Quốc kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, vừa kể được câu chuyện của hiện tại.

Nhà hát Hồ Gươm với trang thiết bị hiện đại nhất nước, do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội xây dựng, đã khánh thành sáng 9/7.

Công trình khởi công tháng 10/2021, được xây dựng trên khu đất hơn 5.000 m2, gồm sảnh lớn và sảnh nhỏ đón khách, khu vực hậu trường, hầm để xe, không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao...

Nhà hát Hồ Gươm được kỳ vọng kết nối với các công trình văn hóa, lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông kỳ vọng công trình sẽ trở thành một di sản, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, vừa kể được câu chuyện của hiện tại.

Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản - 1

Sảnh chính của nhà hát Hồ Gươm được lấy ý tưởng của bầu trời đầy sao đêm (Ảnh: Toàn Vũ).

"Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau"

Thưa ông, việc bổ sung thêm nhà hát quy mô tầm cỡ quốc tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại với 900 chỗ ngồi ở khán phòng lớn và 500 chỗ ngồi ở khán phòng nhỏ, sẽ có ý nghĩa thế nào đối với Hà Nội?

- Kể từ khi xây dựng Nhà hát Lớn năm 1911 đến nay, Hà Nội chưa có thêm một nhà hát tầm cỡ thành phố nào. Dù thành phố đã có thêm nhiều không gian biểu diễn khác nhau, nhưng thực tế các địa điểm đó vẫn còn hạn chế về vị trí, hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng.

Như khi chúng ta tiếp quản Nhà hát lớn, người Pháp nói rằng chưa hoàn thiện xong công trình, nhiều yếu tố hiện đại về mặt kỹ thuật vẫn chưa được đưa vào. Sau đó, công trình này từng được tu sửa rất công phu, nhưng do một số hạn chế nên chưa thể hoàn thiện được ở mức đỉnh cao.

Tôi được biết, Nhà hát Hồ Gươm ngoài việc đầu tư cho phần "vỏ" kiến trúc thì phần "lõi" - tức cơ sở vật chất âm thanh, ánh sáng, loa đài… cũng được chú trọng đặc biệt, để trở thành một nhà hát đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe, tiêu chuẩn ngày càng cao của âm nhạc hiện đại.

Trong đó, vấn đề công nghệ là yếu tố quan trọng, giúp chúng ta bắt kịp và hội nhập với trình độ âm nhạc tiên tiến của thế giới. Điều đó cũng cho thấy, bên cạnh phát huy những giá trị truyền thống, thì Việt Nam cần sớm hội nhập để theo kịp tốc độ phát triển hiện đại, nâng cao chất lượng nền âm nhạc Việt Nam.

Chúng ta từng có nhiều dự tính về xây dựng các nhà hát và điều trăn trở là hiệu quả hoạt động của chúng ra sao? Làm gì để nhà hát luôn luôn "đỏ đèn" và phát huy được đúng vai trò?

Chúng ta đã đầu tư vào đây, dù là ngành nào đầu tư đi chăng nữa, cũng trở thành tài sản chung của xã hội. Như vậy, Nhà hát Hồ Gươm sẽ là yếu tố thúc đẩy đời sống âm nhạc, văn hóa của thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản - 2

Nhà hát Hồ Gươm ứng dụng công nghệ tân tiến hàng đầu thế giới về âm thanh, ánh sáng, hệ thống điều khiển hội trường và khán phòng… (Ảnh: Toàn Vũ).

Có thể nói, sau hơn 100 năm xây dựng Nhà hát Lớn, đến nay chúng ta mới lại có thêm một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, vừa kể được câu chuyện của hiện tại.

Công trình được xây dựng ngay trong không gian đậm văn hóa lịch sử, tạo nên sự hài hòa cho không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, kết nối chặt chẽ giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.

Chúng ta có quyền hy vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà "thánh đường nghệ thuật" Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội vậy.

Việc xây dựng một nhà hát quy mô, tầm cỡ, được đầu tư hiện đại đạt tiêu chuẩn biểu diễn tất cả loại hình nghệ thuật từ khó nhất như opera đến nhạc giao hưởng và các loại hình khác, có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa nghệ thuật quốc gia, thưa ông?

- Nhà hát Hồ Gươm sẽ tạo ra không gian và môi trường phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Đây không chỉ là nơi đón nhận các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ tới biểu diễn, giới thiệu những điều mới mẻ. Chúng ta còn mượn chính những công trình này để lan tỏa những giá trị truyền thống ở một trình độ cao, khi đã có sự hỗ trợ về không gian và công nghệ.

Tôi kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ được quản lý để phát huy đúng chức năng, mục tiêu, sẽ luôn "đỏ đèn" và mang lại giá trị tích cực. Chúng ta không thể đo đếm giá trị văn hóa một cách thuần túy bằng vật chất, nhưng để thiết chế văn hóa vận hành thì phải hướng tới hiệu quả kinh tế.

Chúng ta từng xây dựng những công trình không quá tốn kém, nhưng lại không phát huy được, hoặc sai mục đích, công năng ban đầu.

Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản - 3

Nhà hát Hồ Gươm được đặt tại một vị trí đắc địa, cách hồ Hoàn Kiếm mấy trăm mét, nghĩa là đang nằm trong "lõi" của thành phố, của quận Hoàn Kiếm - nơi chúng ta luôn coi là địa điểm giàu giá trị văn hóa, mang bản sắc điển hình nhất của thủ đô.

Với vị trí ấy, nhà hát sẽ thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc để tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội.

Sự đánh giá khách quan nhất sẽ đến từ chính khán giả.

Xây dựng nhà hát mang tính biểu tượng tại Hà Nội đã là câu chuyện được bàn từ rất lâu. Song chúng ta vẫn chỉ có Nhà hát lớn - có thể được gọi là một biểu tượng, dù vẫn còn khoảng cách lớn với thế giới.

Thưa ông, điều gì đã khiến giấc mơ về một nhà hát quy mô, tầm cỡ quốc tế vẫn mãi chưa thể thành hiện thực?

- Một công trình nhà hát đòi hỏi đầu tư tâm huyết, công sức, trí tuệ và tích hợp thành tựu nhân loại. Nhưng để tạo nên giá trị cho nhà hát không chỉ có vậy.

Điều quan trọng hơn cả, đó là nhà hát sẽ tác động như thế nào đến đời sống tinh thần của nhân dân? Người dân đến đây được thụ hưởng những giá trị gì?

Nhà hát Hồ Gươm trong tương lai sẽ không chỉ phát huy thế mạnh vị trí đắc địa hay cấu trúc hiện đại. Quan trọng hơn, công trình này phải là nơi nâng cao giá trị tinh thần, làm phong phú, giàu có thêm cho đời sống văn hóa của người dân thủ đô.

Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, trung tâm âm nhạc, trung tâm trình diễn của cả nước, rộng lớn hơn là với khu vực và thế giới.

Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành chỉ trong 22 tháng. Ông đánh giá thế nào về vai trò tiên phong của bộ, ngành công an cũng như thành phố trong việc đầu tư dự án này?

- Việc Bộ Công an và thành phố Hà Nội tăng cường hơn nữa những yếu tố văn hóa trong đội ngũ của mình là rất tốt, vì những dự án này không chỉ phục vụ ngành, người dân, mà còn đóng góp cho cộng đồng, mang lại lợi ích chung cho xã hội.

Đã có một thời kỳ xa xưa, những người say mê thể thao nghĩ đến đội bóng đá của ngành công an hay quân đội (đội bóng đá Thể Công - PV) với niềm tự hào chung.

Vì vậy, việc tăng thêm "hàm lượng văn hóa" cho lực lượng vũ trang là điều hết sức quan trọng, bởi văn hóa - nghệ thuật - thể thao cũng thể hiện chức trách của ngành, để người dân thấy hình ảnh thân thiện, đúng như chúng ta mong muốn "công an là bạn nhân dân".

Những người bạn ấy không chỉ đồng hành trong đảm bảo an ninh trật tự, mà quan trọng hơn là hiện diện vào mọi mặt trong đời sống văn hóa.

Nhà hát Hồ Gươm đi vào vận hành một thời gian thì chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi nói trên. Song tôi mong rằng công trình này sẽ tương xứng với những điều chúng ta kỳ vọng, tương xứng với tổng mức đầu tư, có thể tạo ra tác động, tạo nên chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc.

Sự đánh giá khách quan nhất sẽ đến từ chính khán giả.

Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản - 4

Khu vực biểu diễn nghệ thuật là "trái tim" của Nhà hát Hồ Gươm, có 2 khán phòng (sức chứa 500 và 900 chỗ), đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt biểu diễn cho các loại hình nghệ thuật khác nhau (Ảnh: Toàn Vũ).

Bên cạnh Nhà hát Hồ Gươm, Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội cũng vừa hoàn thành việc trùng tu di tích cổng trại Bảo An Binh nằm trên phố Hàng Bài. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?

- Cổng trại Bảo An Binh là một dấu tích rất hiếm hoi của sự kiện Cách mạng tháng 8. Tuy nhiên theo thời gian, cổng trại bị xuống cấp trầm trọng. Giới sử học đã nhiều lần lên tiếng về tính cần thiết của việc tôn tạo, tu bổ. Đến nay, điều đó mới thành hiện thực.

Việc trùng tu cổng Trại Bảo An Binh thể hiện tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn những giá trị của lịch sử. Công tác trùng tu được nhà đầu tư tiến hành rất bài bản, từ phương án tu bổ sử dụng các vật liệu truyền thống, thợ lành nghề từ các làng quê Bắc Bộ, cho tới việc xin ý kiến để phục dựng lại diện mạo của kiến trúc này vào đúng thời điểm cách đây 78 năm.

Dòng chữ "Garde Indigène" được giữ lại và đề rất rõ ở đó dòng giới thiệu một kiến trúc của chế độ cũ. Qua đó gợi nhớ một sự kiện lịch sử trọng đại dù nó đang nằm giữa những công trình mới đang trên đà phát triển tương xứng với thời đại của chúng ta ngày hôm nay.

Cùng với Nhà hát Hồ Gươm, tôi đánh giá đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa rất đáng quý. Chúng tôi mong rằng lãnh đạo thành phố sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ, xác nhận cổng trại này là một di tích để bảo tồn lâu dài. Công trình còn có giá trị kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông Dương Trung Quốc: Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản - 5

Cổng Trại Bảo An Binh nằm bên cạnh Nhà hát Hồ Gươm cũng được tu sửa (Ảnh: Hữu Nghị).

Việt Nam có đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú, song vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn với tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới ở tất cả lĩnh vực như hội họa, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh.... Bên cạnh đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất, chúng ta cần làm gì thêm để thu hẹp khoảng cách này? 

- Tôi chưa thể so sánh về mặt trình độ, nhưng về chính sách và chủ trương thì nhà nước đã và đang rất quan tâm đến đời sống văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng, "văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi".

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng Việt Nam còn cách khá xa thế giới về mặt tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong lĩnh vực âm nhạc và văn hóa.

Nếu chúng ta rút ngắn được khoảng cách này, đầu tư được, quản lý tốt và hiệu quả, không lãng phí, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công lớn.

Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Quỳnh Lâm