Đại dịch COVID-19 làm chậm quá trình phát triển của trẻ 5 tuổi
Tin tức - Ngày đăng : 11:17, 12/07/2023
Trẻ em bị ảnh hưởng do việc giãn cách phòng COVID-19. (Nguồn: Reuters)
Một công trình nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản mới đây cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 khiến sự phát triển của trẻ 5 tuổi bị chậm trung bình 4,39 tháng.
Nhóm các nhà nghiên cứu - chủ yếu đến từ Đại học Kyoto và Đại học Tsukuba - đã kiểm tra tình trạng phát triển của trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở một thành phố thuộc khu vực đô thị Tokyo.
Kết quả đã được công bố trên bản điện tử của Tạp chí Nhi khoa JAMA, một tạp chí y khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Trong nghiên cứu, các giáo viên tại các trường mầm non đã đánh giá về tình trạng phát triển trí tuệ của 447 trẻ 1 tuổi, 440 trẻ 3 tuổi tại tất cả các nhà trẻ đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia tại khu vực được điều tra trong hai giai đoạn: Giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn sau đó 2 năm.
Để đánh giá tình trạng phát triển của trẻ trong 8 lĩnh vực, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu các giáo viên đánh giá khả năng trẻ có thể thực hiện 130 kiểu hành động.
Kết quả, những trẻ trong độ tuổi từ 3-5 trong thời kỳ đại dịch COVID-19 có dấu hiệu phát triển chậm hơn 4,39 tháng so với bình thường.
Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân của sự chậm phát triển có thể là do giảm tương tác với người khác, chủ yếu vì các nhà trẻ bị đóng cửa trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19.
Mức độ chậm đặc biệt rõ trong các hành động liên quan đến kỷ luật (chậm 6,41 tháng) và giao tiếp (chậm 5,69 tháng).
Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi từ 1-3 trong thời kỳ đại dịch không có dấu hiệu phát triển chậm hơn bình thường.
Thậm chí, nhóm này có khả năng hiểu được một số khái niệm trừu tượng như giao tiếp với người lớn và phân biệt tình trạng đồ sạch với đồ bẩn nhanh hơn bình thường, lần lượt là 3 và 3,79 tháng.
Thành viên của nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư Koryo Sato của Trường Đại học Kyoto nhận định kết quả này có thể chỉ ra rằng “trẻ 5 tuổi có ít cơ hội tương tác với người khác vào giai đoạn các bé cần tích lũy các kỹ năng xã hội, trong khi trẻ 3 tuổi có nhiều thời gian tương tác hơn với bố mẹ đang thực hiện chế độ làm việc từ xa.”
Nhà khoa học Sato cho rằng cần phải tăng cường giúp đỡ những trẻ có quá trình phát triển trí tuệ bị chậm lại do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, điều chỉnh môi trường nuôi dạy trẻ phù hợp với tình trạng của các trẻ nói trên, đồng thời vẫn chú trọng đến việc phòng ngừa mắc COVID-19./.