Có nên dán phim cách nhiệt tối màu?
Xe - Ngày đăng : 09:18, 11/07/2023
Có những loại phim cách nhiệt màu gì?
Phim cách nhiệt hiện tại có 2 loại: phim một màu và phim có 2 mặt 2 màu khác nhau, trong đó phổ biến nhất đó là màu trắng và màu đen. Ngoài ra còn thêm một số các loại màu khác như xanh rêu, xanh biển xám bạc hay ánh xanh, ánh đỏ, ánh bạc..
Tùy theo sở thích, phong cách của mỗi người mà có sự lựa chọn cho phù hợp với kiểu dáng, màu sắc của xe. Và màu trắng được đánh giá là phù hợp nhất.
Lựa chọn màu phim cách nhiệt tùy vào sở thích của mỗi cá nhân, nhưng nhiều tài xế cho rằng không nên chọn màu tối. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên nếu bạn muốn chọn màu tạo phong cách "ngầu", mới mẻ thì có thể chọn phim cách nhiệt màu đen. Bạn muốn màu phá cách hơn thì có thể dùng loại màu xám bạc.
Vì sao không nên dán phim cách nhiệt tối màu?
Theo các chuyên gia, việc dán phim cách nhiệt quá tối màu có thể mang lại hiệu quả chống nóng nhưng sẽ khiến giảm tầm nhìn của tài xế, đặc biệt trong đêm.
Anh Đoàn Văn Trình (Long Biên, Hà Nội) cho biết, bản thân anh dán phim cách nhiệt tối màu ngay khi mua xe một năm trước. Đến nay, anh phải ra cửa hàng để lột phim vì khó quan sát khi lái xe trong đêm.
" Tôi dán loại phim tốt, tối màu nên đỡ nóng. Lái xe ban ngày không vấn đề gì nhưng đến tầm chiều tối trở đi rất khó nhìn từ trong xe ra ngoài, khó quan sát xung quanh và nhiều lần suýt va chạm với xe máy cặp sát hông ", anh chia sẻ.
Phim cách nhiệt là phụ kiện phổ biến với người dùng ô tô tại Việt Nam, vì đặc thù khí hậu nhiều nắng nóng. Một số hãng còn dán sẵn phim cách nhiệt ngay tại nhà máy trước khi giao đến tay khách. Xe dán phim cách nhiệt có ưu điểm là mát hơn, kín đáo hơn và một số có khả năng chống ánh sáng chói từ các đèn xe khác.
Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định liên quan đến phim cách nhiệt cho ô tô và cũng không có luật về xử lý, xử phạt đối với chủ xe dán phim cách nhiệt quá tối. Do đó, người dùng có thể chọn lựa loại phim cách nhiệt có độ xuyên sáng tùy ý.
Độ xuyên sáng (Visible Light Transmittance - VLT) biểu thị cho lượng ánh sáng nhìn thấy được có thể đi xuyên qua lớp phim cách nhiệt và vào trong khoang xe. VLT được đo bằng phần trăm, VLT thấp có nghĩa ít ánh sáng chiếu xuyên qua hơn. Tại các quốc gia cho phép dán phim cách nhiệt trên kính lái, độ xuyên sáng tối thiểu thường là 70%, đây là mức nhỏ nhất để đảm bảo không ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Để xe mát hơn, nhiều chủ xe ở Việt Nam thường dán loại có VLT dưới 70%, tức lượng ánh sáng qua ít hơn 70%. Với loại phim này, tài xế sẽ mát hơn khi đi trời nắng gắt, không gian trong xe cũng riêng tư hơn. Nhưng cũng bởi ánh sáng truyền qua ít, tài xế bị giảm tầm quan sát, nhận biết sai lệch về ánh sáng thực tế trên đường, có thể gây tai nạn cho mình và người khác. Phim cách nhiệt lúc này trở thành "con dao hai lưỡi".
Rủi ro chưa dừng ở việc dán phim mà khi lột phim ra cũng ảnh hưởng không nhẹ. Anh Trình sau nhiều lần suýt tai nạn thì quyết định chọn phim cách nhiệt có độ xuyên sáng cao hơn. Nhưng khi lột phim cũ, những dây đồng nhỏ gắn sẵn trên kính sau, đan thành lưới để sưởi kính cũng bị tróc theo. Nhân viên kỹ thuật đã tư vấn trước, anh Trình vẫn chấp nhận vì ít khi dùng tới tính năng này.
Trả lời VTC News , anh Trần Văn Chung, Giám đốc gara ô tô Trần Chung (Đinh Núp, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, muốn dán phim cách nhiệt loại nào, chủ xe nên thử thực tế trên chính mẫu xe đang sở hữu tại các trung tâm dán phim.
“ Chủ xe nên thử vào buổi sáng, lúc nắng gắt, nhiều ánh sáng mặt trời nhất để thấy hiệu quả cách nhiệt, và thử vào ban đêm để kiểm tra độ tối của phim có phù hợp với mắt cũng như hiệu quả giảm lóa của phim tới đâu. Ngoài ra, nên thử phim trên tất cả phần kính, bao gồm cả kính bên hông và đằng sau xe ”, anh Chung nói.
Hiện tại các trung tâm dán phim thường tư vấn dán phim kính lái có độ xuyên sáng 55-80%, kính trước bên tài và phụ 20-60%, các kính còn lại tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ngoài kính lái, kính cửa hai bên hàng ghế trước cũng là nơi không nên sử dụng phim có độ xuyên sáng thấp, vì tài xế sẽ thường xuyên phải quan sát gương chiếu hậu qua lớp kính này.
Theo vtc.vn