Nhiều nước chỉ trích việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine
Tin thế giới - Ngày đăng : 09:09, 09/07/2023
Theo RT, cả Ottawa và London đều cho biết họ phản đối việc sử dụng loại vũ khí này trên chiến trường. Đây là những quốc gia phương Tây mới nhất lên tiếng bày tỏ lo ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.
Cả hai nước đã tái khẳng định cam kết của họ đối với một thỏa thuận của Liên hợp quốc về việc cấm vũ khí bom đạn chùm và lên tiếng phản đối việc sử dụng chúng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Ukraine với Nga.
“Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom, đạn chùm”, chính phủ Canada nói với đài truyền hình quốc gia CTV hôm 8/7. Ottawa “cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom, đạn chùm đối với dân thường – đặc biệt là trẻ em”, tuyên bố viết.
Ngoài ra, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với các nhà báo rằng London cũng không ủng hộ việc sử dụng bom chùm. “Vương quốc Anh là một bên ký kết công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng”, ông giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua các biện pháp khác.
Canada cho biết họ “hoàn toàn tuân thủ” công ước của Liên hợp quốc về cấm vũ khí bom đạn chùm, được thông qua vào năm 2008. Hơn 110 quốc gia đã tham gia thỏa thuận kể từ đó.
Bom chùm mang bom, đạn con nổ nhỏ hơn, có thể được thả trong một chuyến bay và phân tán khắp khu vực mục tiêu, đồng thời thường được sử dụng để chống lại người và xe bọc thép hạng nhẹ. Chúng cũng có xu hướng để lại đằng sau những quả bom chưa kích nổ, có thể tồn tại trong các khu vực xung đột trong nhiều thập kỷ.
“Mọi người vẫn đang tiếp tục chết vì loại vũ khí này", Earl Turcotte, một nhà ngoại giao Canada kỳ cựu và một nhà hoạt động giải trừ quân bị, nói với CTV. Vị cựu quan chức này dẫn đầu phái đoàn Canada tại các cuộc đàm phán về công ước về bom, đạn chùm năm 2008, và hối thúc Ottawa “lên tiếng” cụ thể về quyết định của Mỹ.
Ông Turcotte nói: “Phải đưa ra quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ rằng dù có bất kỳ lợi ích quân sự tức thời nào, những tác động do bom, đạn chùm mang lại sẽ bị vô hiệu hóa và vượt xa tác động nhân đạo đối với công dân Ukraine trong thời gian dài”.
Tuy nhiên, Washington có một quan điểm khác. Khi được hỏi về khả năng gây hại cho dân thường mà những quả bom do Mỹ sản xuất có thể gây ra ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng “điều tồi tệ nhất đối với dân thường ở Ukraine là Nga sẽ chiến thắng”.
Động thái được Mỹ công bố trong tuần này đã làm dấy lên mối lo ngại giữa nhiều quốc gia, bao gồm một số đồng minh của Mỹ, cũng như tại Liên hợp quốc. Đức tái khẳng định cam kết đối với hiệp ước của Liên hợp quốc về cấm bom, đạn chùm. Áo cũng cảnh báo rằng phương Tây sẽ gửi tín hiệu sai bằng cách đưa vũ khí như vậy đến khu vực xung đột, trong khi Tây Ban Nha nói rằng Ukraine không nên sử dụng loại vũ khí này “trong bất kỳ trường hợp nào”.
Moskva đã lên án quyết định của Washington là một hành động “tuyệt vọng” sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đang diễn ra của họ, nhưng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho những người không tham chiến. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm thứ Bảy rằng Mỹ sẽ "hoàn toàn có trách nhiệm về cái chết… của cả trẻ em Nga và Ukraine”.