Rạn nứt âm ỉ phía sau vụ nổi loạn của Wagner ở Nga
Tin thế giới - Ngày đăng : 10:00, 07/07/2023
Để hiểu rõ hơn về mâu thuẫn giữa Wagner và Bộ Quốc phòng Nga, giới quan sát phải quay lại các sự kiện của năm ngoái. Vào thời điểm đó, Wagner, lực lượng tham chiến ở cả châu Phi và Trung Đông, được đề nghị giúp Nga giành quyền kiểm soát Popasnaya và sau đó là Bakhmut, tiếp đến là Donbass. Quy mô của chiến dịch này lớn đến mức Wagner về cơ bản đã trở thành một quân đoàn độc lập, tức là một đơn vị chiến đấu với nguồn lực, chỉ huy và chiến thuật riêng.
Bằng cách tận dụng các đơn vị tấn công nhỏ như Wagner cùng sự hỗ trợ bằng pháo binh, bộ chỉ huy Nga muốn phá vỡ thế bế tắc của chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những chiến thuật như vậy không chỉ được sử dụng bởi Wagner mà còn bởi các đơn vị như Quân đoàn Donetsk thứ nhất. Hơn nữa, kinh nghiệm chiến đấu rút ra từ các hoạt động tấn công suốt một năm qua đã dẫn đến việc thành lập "Storm Z", các đơn vị tấn công hoạt động với chiến thuật giống Wagner và có cấu trúc tương tự.
Tuy nhiên, Wagner vẫn là ví dụ điển hình nhất về một stormtrooper, đội quân xuất phát từ loạt phim "Chiến tranh giữa các vì sao". Điều này phần lớn là nhờ các nguồn truyền thông độc lập cũng như sự thành công của họ. Vào thời điểm cuộc chiến tại Bakhmut về cơ bản hoàn tất, Wagner hy vọng có được vị thế là một tổ chức độc lập, tự chủ khỏi Bộ Quốc phòng Nga.
Rạn nứt âm ỉ
Sự cạnh tranh nội bộ trở thành một trong những lý do chính dẫn đến mâu thuẫn giữa Wagner và Bộ Quốc phòng Nga. Đầu năm nay, Wagner bị hạn chế tuyển quân tình nguyện từ các nhà tù. Nguồn nhân lực này được giao cho các đơn vị chính quy, trong đó có Storm Z. Theo đó, trong những tháng gần đây, Wagner chỉ có thể trông cậy vào các văn phòng tuyển mộ bình thường và buộc phải cạnh tranh từng ứng viên. Với tình hình giao tranh khốc liệt ở Bakhmut, mỗi tân binh giờ đều trở nên vô giá.
Để thu hút người về phía mình, ông trùm Yevgeny Prigozhin đã phát triển "thương hiệu" Wagner và tăng cường sự hiện diện của họ trên các phương tiện truyền thông của mình.
Khi đã sử dụng hết các phương pháp tiếp thị thông thường, ông Prigozhin đã sử dụng chiêu trò để giành được tân binh từ đối thủ cạnh tranh của mình. Các phương tiện truyền thông của ông Prigozhin đã thêu dệt nên hình ảnh quân đội chính quy của Nga là những đơn vị quan liêu, kém cỏi và có khả năng rút lui. Đỉnh điểm của chiến dịch bôi nhọ này là vào những ngày cuối cùng của trận chiến tại Bakhmut.
Ông Prigozhin và các phương tiện truyền thông của ông đã cố tình phóng đại một số vấn đề nhất định trong quân đội Nga để thu hút nguồn lực quý giá nhất, là những người sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu.
Đây không phải là lần đầu tiên Wagner và ông trùm Prigozhin sử dụng các chiêu trò như vậy. Trường hợp tương tự trước đó đã xảy ra với lực lượng dân quân của Novorossiya.
Trong thời gian giao tranh tương đối tạm lắng sau khi ký kết Hiệp ước Minsk, Wagner đã tuyển dụng các cựu chiến binh Donbass (từ cuộc giao tranh năm 2014) cho các hoạt động quân sự ở Trung Đông và châu Phi, gây bất lợi cho lực lượng địa phương. Bằng việc thuyết phục các binh sĩ ngừng mạo hiểm tính mạng vì đồng lương ít ỏi, ông Prigozhin khuyến khích họ gia nhập Wagner để nhận thù lao cao hơn.
Kết quả là mâu thuẫn kéo dài đã xảy ra giữa Wagner và các quan chức hàng đầu của quân đội Nga.
Sau khi Nga giành quyền kiểm soát Bakhmut, các đơn vị Wagner lui về doanh trại của họ để luân chuyển và bổ sung binh sĩ. Các binh sĩ của Wagner dự kiến phục hồi vào tháng 7 và hoạt động như một lực lượng dự bị tiến quân theo hướng Zaporizhia (miền Nam Ukraine), nơi mà nhiều nhà phân tích Nga coi là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi cuộc phản công của Ukraine.
Tuy nhiên, trên thực tế, quân đội Nga ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi họ chiêu mộ được hàng trăm nghìn tân binh. Một số là tình nguyện viên, những người khác là theo diện nhập ngũ. Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu siết kiểm soát các công ty quân sự tư nhân, bao gồm cả Wagner. Lúc này, ông Prigozhin nhận ra vị thế của mình đang bị đe dọa, và điều đó dẫn đến vụ nổi loạn của Wagner cuối tháng trước.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau vụ nổi loạn bất thành, ông Prigozhin dường như đã chuyển hướng đến Belarus theo thỏa thuận đạt được với chính phủ Nga nhằm tránh nguy cơ bị truy tố.
Moscow đã cho các thành viên Wagner 3 lựa chọn: ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng và trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang Nga, hoặc chuyển đến Belarus, hoặc trở về với gia đình.
Vào tháng 6, Wagner có khoảng 25.000 lính, không tính các đơn vị trực thuộc Lực lượng Vũ trang Nga, ví dụ như Lữ đoàn Pháo binh 305. Rất có thể phần lớn tập đoàn Wagner sẽ được sáp nhập vào các sư đoàn quân đội khác, hoặc có thể giữ lại một phần quyền tự chủ nhất định. Tuy nhiên, họ sẽ cắt đứt quan hệ với ông Prigozhin. Tất cả điều này sẽ đòi hỏi thời gian.