Có phải IQ của bố và mẹ đều cao thì đẻ con ra chắc chắn sẽ thông minh?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:47, 07/07/2023
"Chồng tôi sắp học lên Tiến sĩ, tôi cũng đã có bằng Thạc sĩ. Tôi khá tự tin với trí thông minh của cả hai vợ chồng. Trước lúc sinh con, chúng tôi đều nghĩ con sinh ra sẽ hưởng trí thông minh của bố mẹ. Nhưng thực tế, con chúng tôi lại rất bình thường, năng lực học tập không mấy nổi trội" - đây là chia sẻ từng nhận được nhiều sự quan tâm của một phụ huynh ở Trung Quốc.
Thực tế, nhiều người vẫn luôn cho rằng, cha IQ cao cộng với mẹ IQ cao thì chắc chắn sinh con ra sẽ rất thông minh. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều người đặt ra tiêu chuẩn cao về trình độ học vấn, chỉ số IQ của bạn đời.
Theo một số nghiên cứu, khả năng IQ của trẻ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền của cha mẹ là khoảng 40%. Cha mẹ có chỉ số IQ cao thì xác suất sinh con có chỉ số IQ cao cũng lớn hơn, nhưng không phải là tuyệt đối.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mối tương quan IQ giữa mẹ và con cao hơn một chút so với cha và con. Tuy nhiên không thể khẳng định rằng chỉ số IQ của con hoàn toàn được thừa hưởng từ mẹ. Thực chất, cả cha và mẹ đều có ảnh hưởng đến chỉ số IQ của con.
Ảnh minh họa
Ngoài vấn đề di truyền từ cha mẹ thì có thêm rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, bao gồm môi trường gia đình, chế độ dinh dưỡng, phương pháp giáo dục của cha mẹ... Dù một đứa trẻ sinh ra rất thông minh, có tài năng nếu không chịu học tập chăm chỉ thì lâu dần cũng mất đi lợi thế, trở nên thua kém bạn bè.
Chính vì vậy, nếu muốn con thông minh, cha mẹ đừng chỉ nghĩ đến mỗi di truyền mà còn phải quan tâm đến con ăn gì, được học gì mỗi ngày.
Theo đó, trong thời thơ ấu, cha mẹ có thể giúp con phát triển trí tuệ như sau:
1. Môi trường gia đình
Một phần lớn sự phát triển trí tuệ của trẻ bắt nguồn từ ảnh hưởng của môi trường gia đình. Cha mẹ có thể giao tiếp nhiều hơn với con cái, cùng con chơi các trò chơi giáo dục... Cha mẹ và con cái càng nói chuyện nhiều thì vốn từ vựng của con càng phong phú. Thực tế, có mối quan hệ nhất định giữa chỉ số IQ ngôn ngữ và vốn từ vựng mà trẻ nghe được khi con nhỏ.
2. Cho trẻ rèn kỹ năng xã hội
Nói chung, trẻ 3 tuổi đã bắt đầu bước ra vùng an toàn của bản thân, và bắt đầu bước vào mẫu giáo để trải nghiệm cuộc sống tập thể. Lúc này trẻ bắt đầu có những biểu hiện ngại giao tiếp xã hội sơ khai nhất. Cha mẹ thông minh nên khuyến khích trẻ ra ngoài chơi với bạn bè cùng trang lứa để được giao tiếp, nói chuyện nhiều hơn.
Chơi với những người bạn cùng tuổi khiến trẻ có phẩm chất tâm lý và kỹ năng giao tiếp tốt, dần dần trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn và trưởng thành một người tích cực.
Kỹ năng xã hội tốt cũng giúp mang lại sức khỏe, sự tự tin và lòng tự trọng cho trẻ. Trong quá trình giao tiếp với người khác, bộ não tư duy cũng không ngừng hoạt động.
3. Cân bằng dinh dưỡng
Đừng coi thường vai trò của việc “ăn uống”. Cân bằng dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vậy nên hãy khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ quả; lượng thịt, trứng, sữa vừa phải, đa dạng thực phẩm; ăn uống phải đủ chất, không được kén ăn.
Từ khi trẻ chào đời đến 6 tuổi là giai đoạn vàng của sự hình thành não bộ và trí tuệ. Hãy quan tâm chăm sóc thật tốt và áp dụng những phương pháp nuôi dạy khoa học để trẻ lớn lên có cuộc đời thành công, suôn sẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam