Viện phí trước ngã ba đường
Tin Y tế - Ngày đăng : 22:04, 06/07/2023
Nhạc mẫu tôi bị bệnh kéo dài nhưng cứ dấu con cháu, rồi tự mua thuốc trị uống, lúc đỡ lúc không. Sau con cháu phát hiện ra, quyết tâm đưa bà đi khám bệnh thì phát hiện bị ung thư đại tràng. Khối u đã lớn nhưng may chưa có di căn. Cuộc phẫu thuật được thu xếp nhanh chóng.
Bà vào viện trước cuộc mổ mấy ngày để làm thêm xét nghiệm, được xếp ở phòng một giường, có cửa sổ rộng thoáng, toilet riêng, bàn uống nước cắm hoa tươi mỗi ngày, ghế sô pha cho người nhà đi theo nằm nghỉ. Bác sĩ vào thăm ngày một lần, còn điều dưỡng ra vào hỏi han liên tục. Bệnh nhân ăn 3 bữa tại giường, thực đơn luôn thay đổi.
Ngày trước mổ bà được tắm khử trùng 2 lần bằng dung dịch sát trùng. Phẫu thuật viên chính là một giáo sư nổi tiếng "bàn tay vàng". Khối u bị cắt trọn vẹn cùng đoạn đại tràng. Sau mổ hoàn toàn không có biến chứng gì và ít ngày sau các chức năng đại tràng đã trở lại bình thường. Mấy tháng sau bà lên hơn 10kg, vui yêu đời hơn trước nhiều. Sau một năm soi kiểm tra lại vết mổ chỉ còn là một vết sẹo nhỏ, hoàn toàn không có hiện tượng di căn gì. Có thể nói là ca mổ đã thành công mỹ mãn.
Câu chuyện trên hoàn toàn bình thường, chẳng có gì là kỳ diệu cả. Mọi người khi có bệnh đều phải được đối xử đúng như thế. Đấy là quyền của mỗi công dân bình thường, phải được đối xử tử tế khi không may có bệnh. Họ phải được điều trị tốt nhất cả về thể chất và tinh thần. Ngành y lúc này đúng là từ mẫu, là chỗ dựa cho người dân.
Nhưng, trong thực tế thì câu chuyện trên lại không bình thường. Ta có cảm giác nó như là sao chép từ một bộ phim Mỹ hay chí ít là phim Hàn nào đó. Chứ ở Việt Nam làm gì có chuyện đó.
Đúng thế! Trước hết là bệnh viện bây giờ toàn mấy người một giường, lấy đâu ra phòng riêng. Rồi điều dưỡng, lấy đâu ra nhân lực mà túc trực thăm hỏi liên tục, rồi dinh dưỡng theo chế độ ăn bệnh lý, rồi mổ với chuyên gia… Toàn những thứ viễn tưởng trong điều kiện y tế bây giờ.
Mà cho dù bệnh viện có thực hiện được đi nữa thì cơ chế đâu, ai cho phép làm. Và tiền. Tất cả những cái đó đều có thể quy thành tiền, cộng lại sẽ là một con số lớn, vượt xa bảng giá hiện hữu của ngành y hiện nay.
Tuy nhiên, ca mổ trên đã được thực hiện ở một bệnh viện tư và tổng chi phí là 180 triệu đồng. Số tiền này là lớn so với thu nhập bình quân của đại đa số người Việt, nhưng chúng tôi không ngạc nhiên vì đã nhận được bản kê chi tiết từng khoản chi. Chúng tôi hiểu rằng các điều kiện phục vụ như vậy phải có chi phí tương xứng mới duy trì được, nên không thể dùng từ đắt rẻ ở đây.
Chi phí cho một cuộc mổ đại tràng theo bảng giá bảo hiểm y tế (BHYT) là 6 triệu đồng, cộng thêm tiền giường xét nghiệm và thuốc men thì chi phí cho một ca phẫu thuật cắt đại tràng ở bệnh viện công sẽ vào khoảng dưới 20 triệu đồng. Chênh lệch về giá giữa hai cơ sở y tế tư nhân và công lập là rất lớn. Nhưng đây mới chỉ là giá cả trên danh nghĩa, người bệnh dùng BHYT sẽ còn phải chi thêm nhiều khoản tiền khác không có hóa đơn. Nên nhiều khi đắt mà hóa rẻ, tưởng rẻ lại hóa đắt. Lợi ích người bệnh nhận được khó có thể cân đo đong đếm bằng tiền, nên các bệnh viện tư vẫn tiếp tục đông bệnh nhân và phát triển.
Thực tế trên phản ánh rằng, giá dịch vụ ngành y hay như chúng ta vẫn gọi nôm na là viện phí đang đứng trước ngã ba đường. Duy trì giá dịch vụ thấp và chấp nhận những tồn tại, bất cập "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của ngành y tế? Cải cách giá dịch vụ, nhưng thực hiện như thế nào để đảm bảo tính đúng, tính đủ và minh bạch, không lấy đi cơ hội chữa bệnh của người nghèo?
Bảng giá trong ngành y không chỉ đơn thuần phản ánh tất cả chi phí đầu vào của một hoạt động y tế, mà nó còn phải cõng trên mình sứ mệnh chính trị, sứ mệnh an sinh xã hội…
Nhiều ý kiến cho rằng mức sống của người dân còn thấp nên giá hoạt động y tế càng phải thấp hơn. Tư duy này dẫn đến hậu quả bảng giá trong y tế thoát ly thực tế, triệt tiêu sức sáng tạo trong y khoa, hay nói một cách khác càng làm càng lỗ.
Ngay từ thời chúng tôi còn là sinh viên đã thấy các thầy kêu vá một lỗ thủng dạ dày không bằng tiền một anh thợ sửa xe vỉa hè vá một cái săm xe đạp (ruột xe) thủng. Trong hàng chục năm, bảng giá các thủ thuật phẫu thuật cũng như các công việc khác trong ngành y dựa trên những tiêu chí đã lạc hậu. Sau này bảng giá hoạt động y tế được điều chỉnh nhiều lần, nhưng chưa căn cơ.
Bằng chứng giờ đây bảng giá hoạt động y tế mà BHYT chi trả được thừa nhận là chưa tính đủ các chi phí. Tức là giá đó còn dưới giá trị thật, tức là nếu bệnh viện nào chỉ đơn thuần dựa vào giá y tế của BHYT chi trả, thì chắc chắn bệnh viện đó sẽ lỗ, càng hoạt động mạnh càng lỗ mạnh.
Nhưng thực tế thì những năm qua, chúng ta quan sát thấy rất nhiều bệnh viện lớn mạnh. Như vậy khẳng định các bệnh viện còn nhiều nguồn tài chính khác, cả công khai cũng như không công khai, giúp cho hoạt động bệnh viện được suôn sẻ.
Theo quan sát của tôi thì tài chính của bệnh viện đến từ ba nguồn: Một là nguồn công khai từ chi trả của BHYT và đầu tư của nhà nước. Nguồn thứ hai cũng diễn ra công khai nhưng không được thừa nhận chính thức là nguồn chi trả trực tiếp của người bệnh.
Theo nhiều điều tra được công bố trong phạm vi hẹp thì nguồn bệnh nhân phải chi trả trực tiếp chiếm đến 40% tổng chi phí khám chữa bệnh.
Nguồn thứ ba không bao giờ được công khai, đó chính là tham nhũng trong ngành y. Tham nhũng trong giá thuốc, giá mua sắm máy móc, trong xây dựng cơ bản, trong tuyển dụng nhân sự. Phần nào những tiêu cực của ngành y đã được phơi bày trong các vụ án vừa qua như chúng ta đã chứng kiến.
Từ thực tế trên, ta thấy duy trì mức giá hoạt động y tế thấp một cách danh nghĩa không đem lại lợi ích gì nhiều cho người dân, vì bằng cách này hay cách khác họ vẫn phải chi thêm.
Tổng chi phí y tế không thể định giá thấp một cách duy ý chí. Làm sao các kỹ thuật chúng ta du nhập từ phương Tây về mà lại rẻ hơn họ được?
Máy móc và vật tư chúng ta phải mua ở nước ngoài thì chỉ có thể bằng giá hoặc cao hơn của họ (thậm chí còn cao hơn nhiều nếu có tham nhũng trong đó). Vậy nên cũng kỹ thuật ấy mà chúng ta có giá rẻ hơn họ thì chắc chắn có bớt xén quy trình ở đâu đó, bớt xén khấu hao máy móc, và nhất là bớt xén chi phí đào tạo, bớt xén chi phí lương cho nhân viên y tế, bớt xén chi phí tái đầu tư và phát triển… Nói một cách dân gian thì đó chính là lối ăn vào vốn, bóc ngắn cắn dài.
Như vậy thì giá các hoạt động y tế chắc chắn phải được xây dựng lại một cách căn bản, chứ không thể vá víu như thời gian qua.
Giá đó phải bao gồm các chi phí vật tư máy móc thuốc men đầu vào, mà giá này thì liên thông chặt chẽ với thế giới, ta không thể tùy tiện được. Rồi chi phí tài sản cố định, chi phí điện nước và nhất là chi nhân công y tế xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Chi phí đó còn phải gồm chi phí khấu hao máy móc y tế vốn bị lạc hậu nhanh, chi phí khấu hao nhà cửa… và một tỷ lệ lãi hợp lý để cơ sở y tế có nguồn lực tái đầu tư phát triển.
Cách hình thành giá hoạt động y tế như vậy đã được các cơ sở y tế tư nhân thực hiện và xã hội chấp nhận. Còn với các bệnh viện công thì cơ chế tài chính sẽ khác do có những cấu phần hình thành từ đầu tư, ưu đãi của nhà nước như đất đai, cơ sở hạ tầng… Việc hình thành giá dịch vụ y tế ở cơ sở công lập sẽ phức tạp hơn, nhạy cảm hơn, đòi hỏi giải bài toán một cách tổng thể và căn cơ hơn.
Để dễ hình dung, nếu như một ca mổ ung thư đại tràng ở bệnh viện tư là 180 triệu đồng, bệnh viện công là 20 triệu đồng, thì rõ ràng cần xem xét lại mức 20 triệu đồng này để tính đúng, tính đủ; không thể cao như bệnh viện tư nhưng cũng không thể duy trì một mức giá thấp không có cơ sở thực tế.
Khi tính đúng tính đủ thì mặt bằng giá các hoạt động y tế sẽ tăng lên. Hậu quả trước tiên là quỹ BHYT sẽ không kham nổi. Vì vậy ở đây đặt ra vấn đề cải cách BHYT, cùng với đẩy mạnh chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người nghèo.
Tính đến năm 2022 thì số người tham gia BHYT là 91,1 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số. Như vậy tỷ lệ bao phủ khá cao, tuy nhiên mức thu BHYT của Việt Nam hiện nay quá thấp, chỉ 1,5% mức lương công chức hoặc 4,5% mức lương cơ bản đối với BHYT tự nguyện. Mà mức lương của nước ta thấp nên đóng BHYT với tỷ lệ nhỏ như trên thì số tiền thực tế đóng là khá nhỏ. Vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến là Quỹ BHYT đang đối mặt với thách thức từ sự mất cân đối thu - chi do mức đóng quá thấp, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao… Các cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh mức đóng BHYT một cách phù hợp, linh hoạt hơn, cũng như thêm nhiều loại hình bảo hiểm khác do các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Theo tôi, chính vì mức thu BHYT quá thấp nên có xu hướng cố gắng duy trì bảng giá hoạt động y tế lạc hậu, dẫn đến các hệ lụy khốn khổ cho ngành y tế cũng như cho chính người dân như hiện nay.
Ngành y vừa công bố giá mới cho hoạt động dịch vụ ở các bệnh viện công. Bảng giá này vốn đã được đưa ra từ 2019 nhưng do biến động của dịch Covid-19 nên đến nay mới được chấp thuận áp dụng. Đây là một bước tiến dù nhỏ nhưng đáng quý đến mục tiêu tính đúng tính đủ các hoạt động y tế.
Tuy vậy, bảng giá dịch vụ này chưa giải quyết được những bất cập của ngành y nêu trên mà có khi còn đẩy các mâu thuẫn thêm gay gắt hơn. Thật vậy để có không gian và nhân lực cho khám dịch vụ, các bệnh viện công lại phải ngắt một phần không gian và nhân lực của khối khám chữa bệnh BHYT chuyển sang. Như vậy tình cảnh của khu vực khám BHYT vốn đã quá tải sẽ càng trầm trọng thêm. Và có khi nhiều người bệnh đành phải sử dụng khám dịch vụ dù thật sự không muốn.
Muốn có một bảng giá thật sự phù hợp đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ sâu rộng trong ngành y cũng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!