Mọi ánh mắt dồn vào mỏ đất hiếm Mountain Pass
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 22:03, 06/07/2023
Mỏ đất hiếm Mountain Pass nằm ở sa mạc miền Nam tiểu bang California. Sau hàng chục năm đóng cửa, Mountain Pass đang hồi sinh và hoạt động ngày càng nhộp nhịp.
Tại Mountain Pass, công nhân mặc đồng phục in hình quốc kỳ Mỹ. Quà lưu niệm tại đây là các khối tinh thể quặng màu cam tặng khách tới thăm với dòng chữ "Made in USA".
"Sứ mệnh của chúng tôi là khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng đất hiếm tại Mỹ", MP Materials, công ty sở hữu mỏ đất hiếm Mountain Pass, cho biết trên website, theo Nikkei Asia.
Trung Quốc thống trị ngành đất hiếm
Việc khôi phục hoạt động khai thác đất hiếm ở Mountain Pass là kết quả của những toan tính cả về chính trị lẫn thương mại của Mỹ. Khu mỏ giúp mang lại loại quặng có ý nghĩa chiến lược, phục vụ sản xuất thiết bị quân sự cũng như dân dụng đặc biệt cần thiết cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.
Mountain Pass đang nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, bao gồm các khoản tài chính từ Bộ Quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington khôi phục vị thế của Mỹ trên thị trường đất hiếm toàn cầu vốn từ lâu bị Bắc Kinh thao túng nhờ giá sản xuất rẻ.
Mỏ đất hiếm Mountain Pass tại California. Ảnh: Reuters. |
Các loại khoáng chất trong đất hiếm đang chi phối sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Chúng được sử dụng trong nhiều thiết bị, sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh cho tới máy bay chiến đấu.
Đất hiếm có thể được dùng để chế tạo nam châm với sức mạnh lớn hơn nhiều nam châm làm từ sắt. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium hay lanthanum, xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không thể hoạt động.
Trái với tên gọi, đất hiếm không thực sự "hiếm", chúng được tìm thấy ở nhiều quốc gia, từ Trung Quốc, Nga, Việt Nam cho tới Australia, Ấn Độ, Burundi, Mỹ. Một số cường quốc như Ấn Độ hầu như chưa khai thác dù nắm trữ lượng lớn đất hiếm.
Sau hàng chục năm đẩy mạnh đầu tư, Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm 70% sản lượng toàn cầu. Trung Quốc cũng là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, gấp đôi các nước như Brazil hay Nga.
Washington đang gặp khó khăn trong nỗ lực khôi phục vị thế sản xuất đất hiếm. Mỹ đã có thời dẫn đầu thế giới về sản xuất đất hiếm. Nhưng từ cuối thập niên 1990, thị phần của Mỹ giảm dần. Đến năm 2017, Mỹ hầu như không sản xuất đất hiếm. Sản xuất đất hiếm tại Mỹ chỉ được khôi phục trong vài năm trở lại đây, và Mountain Pass đóng góp phần lớn. Mỹ hiện chiếm 14% sản lượng đất hiếm toàn cầu.
Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn gấp 20 lần Mỹ. Bắc Kinh cũng hoàn toàn vượt trội trong các quy trình sản xuất và xử lý đất hiếm.
Tuy vậy, Washington kỳ vọng những thay đổi cấp tốc về chính sách sẽ là động lực hồi phục ngành đất hiếm tại Mỹ. Năm 2021, Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh giá khả năng phục hồi và an ninh các chuỗi cung ứng quan trọng của đất nước.
Mỹ tìm cách thoát lệ thuộc
Nhà chức trách Mỹ coi sự phụ thuộc Trung Quốc về quặng đất hiếm thô và nam châm thành phẩm là điểm yếu chiến lược then chốt.
"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phụ thuộc vào các quốc gia khác về chip máy tính và các khoáng chất quan trọng? Chúng ta không thể xây dựng tương lai nếu tự thân chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc về những nguyên liệu là năng lượng cho các sản phẩm của hôm nay và ngày mai", ông Biden cảnh báo.
Trong năm 2022, doanh thu của MP Materials tăng 59% lên 527,5 triệu USD. Thu nhập ròng của MP Materials tăng 100% lên 289 triệu USD.
Tuy vậy, tăng sản lượng khai thác chỉ là bước đầu tiên MP Materials và chính phủ Mỹ cần làm để đạt các mục tiêu của mình. Thách thức tiếp theo lớn hơn là xây dựng năng lực đủ để tinh chế quặng đất hiếm, biến chúng thành kim loại và nam châm có giá thành cạnh tranh.
Khai thác đất hiếm ở Mountain Pass. Ảnh: CNBC. |
"Bản thân đất hiếm rất phổ biến. Cái khó là sử dụng công nghệ phù hợp, khai thác và phân tách chúng, biến chúng thành những sản phẩm có thể sử dụng và cạnh tranh trên thị trường, với chi phí thấp nhất", Tom Schneberger, CEO công ty khởi nghiệp USA Rare Earth chuyến sản xuất nam châm, nói.
Trong giai đoạn 2, MP Materials có kế hoạch xây cơ sở tách và tinh chế một số tinh quặng đất hiếm tại Mountain Pass, dự kiến đi vào hoạt động từ Quý II/2023. Vào giai đoạn 3, MP Materials sẽ xây nhà máy sản xuất kim loại đất hiếm tinh chế và nam châm thành phẩm. Nhà máy đã khởi công từ năm ngoái ở Texas, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay.
Chiến lược của MP Materials cho thấy mức độ khó khăn mà Mỹ sẽ phải vượt qua để giành lại quyền kiểm soát sự tự chủ trong ngành công nghiệp đất hiếm. Không chỉ chiếm phần lớn sản lượng đất hiếm, Trung Quốc cũng đang thống trị các quy trình sản xuất và chế tạo sản phẩm đất hiếm.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố năm 2022, Trung Quốc chiếm 89% năng lực phân tách, 90% năng lực tinh luyện quặng đất hiếm, và 92% năng lực sản xuất nam châm toàn cầu.
Vũ khí lợi hại của Trung Quốc
Sự thống trị gần như tuyệt đối trong ngành công nghiệp đất hiếm trao cho Bắc Kinh thứ vũ khí đầy sức nặng trong quan hệ quốc tế. Sau các xung đột quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Sự kiện này buộc Tokyo triển khai biện pháp nhằm mau chóng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm.
Trong xung đột thương mại năm 2019, Bắc Kinh đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Những tháng gần đây, Bắc Kinh bắt đầu có động thái nhằm duy trì sự thống trị trong bối cảnh Mỹ tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm. Hồi tháng 4, Trung Quốc cấm xuất khẩu một số công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm. Tuần qua, Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai nguyên tố đất hiếm quan trọng để sản xuất chip bán dẫn.
Trung Quốc đã thông báo hạn chế xuất khẩu gallium và germanium. Ảnh: SCMP. |
Xung đột Mỹ - Trung khiến các công ty như MP Materials gặp khó trong nỗ lực mở rộng quy mô xử lý đất hiếm và sản xuất nam châm bởi thách thức về công nghệ kỹ thuật.
"Các kỹ thuật như khai thác phân đoạn đòi hỏi thử nghiệm và kinh nghiệm lâu dài. Các quy trình như kim loại hóa không thể được phát triển một sớm một chiều", Leslie Liang, chuyên gia tổ chức tư vấn Wood Mackenzie, nói.
Cạnh tranh giá thành cũng là bài toán hóc búa. Lương công nhân, máy móc, giấy phép, tất cả đều đắt đỏ hơn khi khai thác ở Mỹ. Ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc đã trở nên tối ưu hóa về chi phí sau hàng chục năm sản xuất bằng dây chuyền tự động.
Theo Reuters, để giải quyết vấn đề chi phí, chính phủ Mỹ đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Năm 2020, MP Materials nhận 9,6 triệu USD từ Bộ Quốc phòng để xây dựng cơ sở phân tách các nguyên tố đất hiếm nhẹ. Tới 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ rót thêm 35 triệu USD để MP Materials xây thêm các cơ sở xử lý quặng khác.
Sẽ có thêm nhiều hỗ trợ tài chính khác dành cho MP Materials trong tương lai. Dự luật về đất hiếm đang được Quốc hội Mỹ thảo luận và nhận được ủng hộ từ lưỡng đảng. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ mang về cho các doanh nghiệp thêm ít nhất 20 USD/kg nam châm đất hiếm sản xuất ở Mỹ.