Việt Nam đã có 85,7 triệu thuê bao băng rộng di động

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:44, 06/07/2023

Theo số liệu Bộ TT&TT vừa công bố, tính đến tháng 6/2023, Việt Nam tăng trưởng cả về số lượng thuê bao băng rộng di động, cố định và người dùng điện thoại thông minh.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông (TT&TT) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT, ngày 30/6, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã nêu một số kết quả đạt được trong các lĩnh vực của Bộ.

Theo đó, lĩnh vực viễn thông tăng trưởng cả về doanh thu và đóng góp vào GDP. Cụ thể, doanh thu tăng trưởng 7,9%, nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ TT&TT nêu, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.905 tỷ đồng, đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 389.792 tỷ đồng.

Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin: "Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 77,1%, cao hơn trung bình thế giới (67%), phát triển hơn 1 triệu thuê bao cáp quang hộ gia đình so với đầu năm. Số thuê bao băng rộng di động đạt 85,7 triệu thuê bao, tăng 1 triệu thuê bao so với đầu năm".

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ TT&TT, tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đạt 78,59%. Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,14 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 101,12 triệu thuê bao.

Trong tháng 5, tốc độ băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps; tốc độ truy cập Internet băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps.

Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 57,6%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam vượt qua Mỹ, thuộc top 10 toàn cầu, thứ 2 ASEAN, thứ 3 châu Á (sau Ấn Độ, Malaysia).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay, một trong các hoạt động chính của lĩnh vực viễn thông trong 6 tháng đầu năm là tiến hành cập nhật thông tin thuê bao, đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Trong thời gian qua, đã đối soát hơn 11 triệu thuê bao, trong quá trình cập nhật đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao thông tin không chính xác.

Đồng thời, Bộ TT&TT chỉ đạo tiến hành thanh tra SIM rác, kích hoạt trước trên toàn quốc với 71 đoàn thanh tra. Bộ ban hành chỉ số đánh giá phát triển hạ tầng số tại địa phương. Năm nay, Bộ xác định lại hạ tầng số của địa phương quan trọng không kém hạ tầng giao thông, nếu không phát triển sẽ không có hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, lĩnh vực viễn thông còn một số tồn tại như còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM; cuộc gọi rác vẫn nhiều, khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo mỗi tháng; Bộ TT&TT đã triển khai đấu giá tần số nhưng chưa thành công.

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT tập trung thực hiện các nhiệm vụ như hoàn thiện Luật viễn thông, trình Quốc hội tháng 10 tới để thông qua, trong đó khắc phục các vấn đề có trong luật nhưng không khả thi, bổ sung nội dung mới liên quan đến trung tâm dữ liệu, OTT, điện toán đám mây.

Bộ TT&TT đặt mục tiêu đấu giá thành công tần số và triển khai mạng 5G trong những tháng cuối năm; tiếp tục phá vùng lõm sóng tại các thôn bản theo tinh thần của Thủ tướng “ở đâu có điện, ở đó có sóng”. Vừa qua, Bộ TT&TT đã xóa hơn 2.000 điểm, còn khoảng 800 điểm.

Về xử lý SIM rác, giai đoạn tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ tiến hành chuyển từ chuẩn hóa sang chính chủ người dùng. Đối với thúc đẩy IPv6, mục tiêu 100% cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai.