Livestream dung tục, phản cảm: Đến lúc cần ‘dọn rác’
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 09:00, 05/07/2023
Ô nhiễm không gian mạng
Livestream đôi hay còn được gọi là “PK- là viết tắt của Player Killing - tiêu diệt đối thủ” xuất hiện trên một số nền tảng mảng xã hội được giới trẻ đặc biệt yêu thích trong đó có Tiktok.
Hình thức này cho phép tương tác trực tuyến, đối đầu nhau xem ai có nhiều lượt thích và quà tặng nhất từ người xem trực tiếp và thông qua màn chơi này thu về một nguồn thu nhập không hề nhỏ.
Người thắng sẽ đặt ra yêu cầu mà người thua phải thực hiện, người chơi sẽ thi đấu trong 5 phút xem ai là người nhận nhiều lượt thích và quà tặng hơn từ người xem trực tuyến. Người thua sẽ phải thực hiện thử thách do người thắng yêu cầu. Người tham gia thường ra sức kêu gọi mọi người "thả tim" để cứu mình hoặc làm những hành động quái ở để hút tương tác.
Từ bắt phải ăn giống động vật đến cởi áo, nhảy khiêu gợi… vô vàn những thử thách quái gở và phản cảm để kiếm tiền một cách bất chấp.
Ngoài ra trong quá trình phát sóng trận thách đấu, việc chửi thề, nói chuyện tục tĩu của người dùng không hề phải chịu bất cứ sự kiểm soát hay kiểm duyệt nào từ phía nhà cung cấp nền tảng.
Có thể thấy, ai là người thắng trong một cuộc thách đấu phụ thuộc vào số lượt yêu thích và quà tặng của người xem, những hoạt động này lại thu hút được rất nhiều các bạn trẻ tham gia, đặc biệt mỗi trận đấu hiện nay không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn có thể diễn ra theo quy mô quốc tế.
Dù đã bị ứng dụng giữ lại 70% giá trị quà tặng nhưng những người nhận quà vẫn thu về cho mình khoản tiền hậu hĩnh, thu về hàng chục, hàng trăm triệu mỗi tháng. Vì việc nhẹ lương cao nên xoá tài khoản này thì tài khoản mới lại mọc lên và họ đã quá quen và dễ dàng với việc lách luật để tồn tại.
Đánh giá về các màn Livestream đôi, cũng có những ý kiến trái chiều. Như theo bạn H.P (23 tuổi- sinh viên) chia sẻ về những cuộc đấu trên mạng xã hội rằng: “Mình thấy mấy cái livestream này lâu lâu coi giải trí thì cũng vui chứ không có gì, mình thấy mến ai thì mình cũng nạp tiền và tặng quà cho họ. Ai mà thấy không thích thì thôi lướt qua cũng được, quyền là ở mình mà"
Trái ngược lại, chị K.L (30 tuổi- nội trợ) cho biết phải kiểm soát chặt chẽ nội dung mà con mình xem: “những thể loại kiểu này mình sẽ chặn ngay, vì mình lớn mình biết cái nào nên xem cái nào không còn con mình nó còn nhỏ sợ nó học theo nên phải hết sức cẩn thận.
Cần “dọn rác” triệt để
Trong suốt thời gian qua, Bộ TT&TT liên tục có những biện pháp, kiểm tra, rà soát nhằm làm sạch môi trường mạng xã hội trong đó có Tiktok.
Cụ thể, đoàn kiểm tra nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới TikTok đã xác nhận ban đầu, có cơ sở để xác nhận những vi phạm của TikTok, tuy nhiên, theo quy định pháp luật, thông tin trong quá trình kiểm tra, thanh tra cần được bảo mật.
Một mặt phát hiện và xử lý sai phạm, mặt khác, Bộ cũng kêu gọi cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật đến cộng đồng sáng tạo nội dung lành mạnh trên các nền tảng ở trong và ngoài nước để thông qua sáng tạo nội dung, các nhà sáng tạo đóng góp tích cực vào việc tạo nên không gian nền tảng mạng xã hội lành mạnh, tuân thủ pháp luật, lên tiếng đấu tranh, cùng có trách nhiệm làm sạch nền tảng.
Các đơn vị liên quan phối hợp duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc trên không gian mạng internet ở mức cao, đồng thời nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét các hành vi vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ TT&TT cũng sẽ tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật...
Hy vọng với nỗ lực từ Bộ TT&TT, và quan trọng nhất ý thức người dùng tới đây môi trường mạng xã hội tại Việt Nam sẽ lành mạnh, đúng pháp luật hơn.